Thứ Sáu, 2/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Cần một trung tâm cơ giới hoá cho vùng ĐBSCL

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Để thúc đẩy quá trình cơ giới hoá đồng bộ cho sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), thì cần thiết phải xây dựng một trung tâm cơ giới hoá ở khu vực này nhằm khắc phục những vấn đề còn tồn tại.

Cần một trung tâm cơ giới hoá cho vùng ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh

Tại hội thảo tham vấn xây dựng trung tâm cơ giới hoá vùng ĐBSCL trong khuôn khổ sự kiện Agri Technica Asia Live diễn ra ở TP Cần Thơ hôm 24-8, các địa biểu tham dự đều nhất trí phải có một trung tâm cơ giới hoá cho vùng ĐBSCL.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh: “Quan điểm của chúng tôi là cái mới được hình thành từ những cái hiện có. Tuy nhiên, nó phải phù hợp với chủ trương, với nhu cầu sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam và phải thích ứng với thị trường”.

Ông Nam cũng cho rằng phải xuất phát từ thực tế cũng như cầu thị trường thì mới có chính sách. Giải thích rõ hơn, theo ông Nam, với mô hình này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn muốn khắc phục được những đề còn tồn tại trong ngành cơ giới hoá nông nghiệp, về công nghệ, giá cả, thiết bị, kiểm định… Trung tâm sẽ là đầu mối giải quyết những tồn tại này để làm động lực phối hợp triển khai khai cơ giới hoá đồng bộ.

Theo ông Nam, chức năng của trung tâm này sẽ bao gồm, đào tạo, huấn luyện và chuyển giao công nghệ cho nông dân để họ hiểu loại máy nào sử dụng phù hợp cho ruộng, vườn, ao cá, tôm của họ. Nông dân ĐBSCL rất muốn ứng dụng công nghệ vào đồng ruộng, nhưng họ chưa hiểu máy móc, thiết bị đó sử dụng trên đồng ruộng của họ ra sao, thao tác có phù hợp không, nên phải có sự đạo tạo.

Ngoài ra, đây cũng sẽ là nơi chế tạo máy động lực, thiết bị phục vụ quá trình cơ giới hoá; chuyển giao dịch vụ khoa học, cơ khí cho người nông dân. Đây cũng là nơi kiểm định các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình cơ giới hoá và an toàn lao động.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, cho biết số lượng, chủng loại và thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp đã có sự tăng trưởng khá nhanh thời gian qua.

Theo đó, trong giai đoạn 2011-2021, số lượng máy kéo các loại tăng 60%, máy cấy tăng gấp 1.000%, máy bơm nước tăng 60%, máy gặt đập liên hợp tăng 80%, máy sấy nông sản tăng 30%, máy chế biến thức ăn gia súc tăng 91%, máy chế biến thức ăn thuỷ sản tăng 220% và máy phun thuốc bảo vệ thực vật tăng 350%.

Tuy nhiên, theo ông Thịnh, mức độ cơ giới hoá nông nghiệp chỉ mới tập trung ở một số khâu như làm đất, nước, thức ăn và chỉ ở một số sản phẩm như lúa, mía, cà phê, gia súc, gia cầm, cá, tôm.

Ông Thịnh cho biết, chế tạo máy móc, thiết bị trong nước phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu về chủng loại, số lượng cũng như chất lượng. Vì vậy đa số máy nông nghiệp Việt Nam vẫn phải nhập từ thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Trung Quốc.

Công tác an toàn lao động trong sử dụng, vận hành máy, thiết bị nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động rất cao. Ngoài ra còn tồn tại vấn đề chất lượng máy móc thiết bị chưa được kiểm soát, giám định chặt chẽ.

Chính vì vậy, theo ông Thịnh, việc hình thành trung tâm cơ giới hoá nông nghiệp ở ĐBSCL là cần thiết, nhằm khắc phục những yếu điểm trong cơ giới hoá nông nghiệp ở ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới