Cần một tuyên bố dứt khoát
Thời báo Kinh tế Sài Gòn
(TBKTSG) - Tính đến ngày 1-7-2010, đại đa số doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chưa cổ phần hóa đã chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Mặc dù có nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là bước quá độ trong tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi này thật sự là một công cụ quan trọng để giải quyết những bất cập trong quản lý DNNN. Ở đây chúng ta sẽ chỉ bàn về vấn đề vốn.
Khái niệm “trách nhiệm hữu hạn” có nghĩa công ty chỉ chịu trách nhiệm đến một mức độ nào đó. Đối với loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, Luật Doanh nghiệp quy định rõ: “Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty”.
Tuy nhiên, sau khi các DNNN đã được chuyển đổi, vẫn còn đó tâm lý cho rằng đã là DNNN thì trách nhiệm sẽ là vô hạn, nếu doanh nghiệp có lâm vào cảnh nợ nần, Nhà nước sẽ đứng ra nhận lãnh trách nhiệm sau cùng.
Vì thế, rất cần có một tuyên bố rõ ràng, dứt khoát từ phía Chính phủ, khẳng định lại quy định của luật pháp, rằng DNNN là công ty trách nhiệm hữu hạn, sẽ phải chịu trách nhiệm sử dụng đồng vốn nhà nước giao có hiệu quả nhất, đồng thời phạm vi trách nhiệm đó bị ràng buộc bởi số vốn đã cấp và đã đăng ký.
Vì sao cần một tuyên bố như thế?
Thực tế, DNNN từng hưởng được những ưu đãi lớn, nhất là về tiếp cận vốn vay ngân hàng, đất đai, hạ tầng cơ sở. Những ưu đãi này không những tạo sự chủ quan của DNNN mà còn cho các bên giao dịch với DNNN. Loại trừ các trường hợp chỉ định vay, nhiều ngân hàng cũng thoải mái cho DNNN vay tiền với suy nghĩ có gì nhà nước đứng đằng sau doanh nghiệp như một bên bảo lãnh. Các đối tác nước ngoài khi làm ăn với DNNN cũng suy nghĩ như vậy. Thử hỏi những khoản vay không có sự bảo lãnh của Chính phủ mà các ngân hàng nước ngoài cấp cho Vinashin có được giải ngân không, nếu Vinashin không phải là một DNNN? Những dự án chỉ nằm trên giấy mà cũng được cho vay tiền chứng tỏ các ngân hàng này đã vi phạm nguyên tắc “đánh giá với trách nhiệm cao nhất” (due diligence) và họ phải gánh một phần trách nhiệm.
Nay khi DNNN chỉ chịu “trách nhiệm hữu hạn” trong phạm vi vốn điều lệ của mình, những giao dịch kiểu đó sẽ chấm dứt. Và Nhà nước sẽ không phải bất ngờ với những khoản vay khổng lồ của một DNNN nào đó bỗng mất khả năng chi trả.
Dĩ nhiên đi kèm với tuyên bố này, Chính phủ cũng sẽ phải chấm dứt các cách làm trong quá khứ như chỉ định ngân hàng phải cho doanh nghiệp này, doanh nghiệp kia vay, đứng ra bảo lãnh cho những khoản vay chưa tính đến hiệu quả, giao các dự án cho DNNN mà không qua đấu thầu…
Số liệu tính đến ngày 30-6-2010 cho thấy, 81 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang có số vốn 572.582 tỉ đồng, nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty năm 2009 là 813.435 tỉ đồng. Số nợ này cao hơn một nửa GDP của nước ta vào cùng năm đó. Phải làm sao cho cả DNNN và các bên liên quan hiểu rõ rằng, chính doanh nghiệp là nơi chịu trách nhiệm cho số nợ này, dựa trên số vốn nhà nước đã giao cho họ chứ không phải ai khác, và dứt khoát không phải là ngân sách nhà nước.