(KTSG) - Từ đầu tháng 7, cả nước đã bắt đầu vận hành đồng bộ chính quyền địa phương hai cấp tại 34 tỉnh, thành mới. Điều này dẫn đến những thay đổi lớn ảnh hưởng trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp cả nước - dễ thấy nhất là địa chỉ của mọi nhà đã khác trước. Chủ nhà chắc hẳn đã biết địa chỉ mới của mình nhưng bạn bè, người thân ắt chưa biết.
- Sáp nhập tỉnh, thành: Chiến lược tăng trưởng dựa trên lợi thế vùng
- Gần 30.000 tỉ đồng chi trả cho người nghỉ việc do sắp xếp bộ máy
Một ứng dụng (app) đơn giản cài trên điện thoại di động có thể giúp mọi người tra cứu địa chỉ cũ - địa chỉ mới một cách nhanh chóng, dễ dàng. Người dùng chỉ cần gõ vào ô địa chỉ cũ: ví dụ, phường 7, quận Phú Nhuận, TPHCM - ô địa chỉ mới sẽ hiện lên: phường Cầu Kiệu, TPHCM. Nhờ đó việc liên lạc sẽ thông suốt, không bị gián đoạn.
Có lẽ cần một thời gian để người dân và doanh nghiệp làm quen với địa chỉ mới; người dân cập nhật thông tin mới cho các mối quan hệ, chỉnh sửa địa chỉ trên các giấy tờ; doanh nghiệp in lại bao bì, biển hiệu, danh thiếp, thông tin liên lạc trên trang web, tiêu đề văn phòng phẩm... Trong thời gian đó, một ứng dụng tra cứu thông tin chuyển đổi sẽ rất hữu ích. Nên nhanh chóng biên soạn một ứng dụng như thế để cung cấp cho người dân và doanh nghiệp.
Trước mắt các đầu số điện thoại của các tỉnh, thành được sáp nhập ắt sẽ được giữ nguyên như TPHCM nay sẽ có thêm các đầu số điện thoại của Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương. Nhưng giả sử sau này có thay đổi gom vào một đầu số cho một tỉnh, thành mới, cũng cần có ứng dụng giúp người liên lạc tiện tra cứu.
Sau ngày 1-7 cũng có nhiều thay đổi khác như đổi tên nhiều cơ quan nhà nước (ví dụ Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương thành Bảo hiểm xã hội khu vực IV; Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội thành Sở Tài chính thành phố Hà Nội; Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đổi thành Cục Hành chính, tư pháp...).
Việc nắm được các thay đổi này rất cần thiết với người dân và doanh nghiệp để khi cần họ tìm đến đúng địa chỉ cần tìm hay truy cập đúng trang web, tài khoản chính thức trên các mạng xã hội như Zalo. Ứng dụng nói trên có thể bổ sung một mô đun ghi lại hết các sự thay đổi trong tên gọi của các cơ quan nhà nước, cả ở trung ương lẫn địa phương.
Công việc sau sáp nhập rất bộn bề; chính quyền các cấp phải lo nhiều việc cụ thể trước mắt như cán bộ ở xa nơi làm việc cần có phương tiện di chuyển chung, việc lưu trữ hồ sơ sổ sách sao cho thuận tiện nhất, hợp nhất các trang web, cơ sở dữ liệu vào chung một mối.
Các việc như thay đổi địa chỉ có thể nhỏ nhưng lại sát sườn với sự quan tâm của người dân. Trước mắt đã có những quy định giúp việc chuyển đổi thông suốt như người dân chưa cần đổi giấy tờ, doanh nghiệp chưa cần đổi giấy chứng nhận đăng ký hay thay ngay bao bì sản phẩm. Nhưng mọi hỗ trợ đều rất cần thiết và giúp giảm gánh nặng chi phí chuyển đổi cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, các thủ tục hành chính cũng có nhiều thay đổi từ sau ngày 1-7 như một số thủ tục trước đây thực hiện ở huyện hay quận nay chuyển về xã, phường thực hiện. Cấp sổ đỏ là một ví dụ.
Cần có một nơi tóm tắt các thay đổi này để hướng dẫn cho người dân biết trình tự, quy trình làm thủ tục hành chính mới. Ứng dụng nói trên có thể bao gồm lĩnh vực này để trở thành một ứng dụng hữu ích, phục vụ công việc chuyển đổi mà người dân và doanh nghiệp nào cũng nên có trong tay.