Cần ngăn ngừa sớm khủng hoảng truyền thông trên mạng xã hội
Chí Thịnh
Đại diện Trung tâm cảnh báo rủi ro Athena, Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam và báo điện tử Một thế giới (từ trái qua phải) ký hợp tác thành lập văn phòng tư vấn khủng hoảng truyền thông. Ảnh: Chí Thịnh. |
(TBKTSG Online) - Theo các luật sư, chuyên gia an ninh mạng, các doanh nghiệp nên sử dụng công cụ cảnh báo rủi ro, nhờ tư vấn xử lý khủng hoảng truyền thông để ngăn ngừa các sự cố truyền thông trên môi trường mạng.
Tại buổi tọa đàm khủng hoảng truyền thông trên mạng xã hội diễn ra sáng nay (7-11) tại văn phòng Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam (VLCAC) TPHCM, các chuyên gia an ninh mạng, luật sư cho rằng doanh nghiệp cần chú ý tới hoạt động cảnh báo rủi ro, ngăn ngừa trước các sự cố khủng hoảng truyền thông. Buổi tọa đàm này do VLCAC phối hợp với Trung tâm cảnh báo rủi ro và an ninh thông tin Athena và tạp chí Thời trang trẻ tổ chức tại TPHCM.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam, các sự cố khủng hoảng truyền thông trên mạng xã hội gần đây đã gây ra thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp, cả về vật chất lẫn tinh thần. Do đó, cá nhân và doanh nghiệp cần quan tâm tới việc phòng ngừa các sự cố khủng hoảng truyền thông.
Ông Hậu nói thêm về một số việc cần làm khi xảy ra khủng hoảng truyền thông trên mạng xã hội như: doanh nghiệp cần xác định thiệt hại đã xảy ra để có thể tiến hành khởi kiện dân sự; yêu cầu bồi thường đối với chủ sở hữu trang mạng và người trực tiếp đăng tải thông tin đó; đồng thời, tố cáo hành vi vi phạm của chủ sở hữu trang mạng và người trực tiếp đăng tải thông tin tới cơ quan công an có thẩm quyền để có biện pháp xử lý.
Còn ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm cảnh báo rủi ro và an ninh thông tin Athena, cho biết doanh nghiệp không nên chờ tới khi xảy ra khủng hoảng truyền thông mới tính đến biện pháp ngăn ngừa mà cần sử dụng các công cụ lắng nghe trên mạng xã hội, cảnh bảo rủi ro… Thông qua hoạt động của trung tâm cảnh báo rủi ro có thể phát hiện sự cố sớm hơn, giúp giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp.
Tại tọa đàm, các chuyên gia an ninh mạng, luật sư cho rằng trước đây xảy ra khủng hoảng truyền thông trên báo chí truyền thống sẽ dễ xử lý hơn; nhưng nay các đợt khủng hoảng truyền thông diễn ra trên mạng xã hội, trang tin điện tử… nên sẽ khó truy tìm dấu vết, phát hiện đích xác nguồn đăng tin đồn trên mạng gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Các diễn giả cũng nêu ra một số thiệt hại do tin đồn trên mạng như câu chuyện một công ty hoạt động trong ngành xây dựng bỗng dưng bị “bay hơi” 1.500 tỉ đồng vốn hóa trên sàn chứng khoán do các tin đồn thất thiệt về hoạt động kinh doanh. Hoặc một số thương hiệu thực phẩm, bất động sản… thời gian qua cũng bị ảnh hưởng bởi tin đồn trên mạng, có người giả mạo trang cá nhân, trang công ty trên Facebook…
Mời đọc thêm