(KTSG Online) - Tại buổi thảo luận về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), một số đại biểu đề nghị, cần cân nhắc kỹ lưỡng việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường.
- Cần xem xét chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt và rượu bia
- Đề xuất hai phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia và rượu
Tiếp tục kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 27-11, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), TTXVN đưa tin.
Tại đây, các đại biểu đã cho ý kiến đối với nhiều nhóm chính sách và điều khoản cụ thể trong dự thảo luật. Trong đó, có nội dung về việc đáp ứng các mục tiêu của cải cách hệ thống thuế; đối tượng chịu thuế, căn cứ tính thuế, thuế suất, lộ trình tăng thuế suất, giảm thuế, điều khoản thi hành...
Một số đại biểu đề nghị, cần cân nhắc kỹ lưỡng việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường. Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy, từ đoàn Bến Tre cho rằng, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường có thể làm giảm tiêu thụ đồ uống có đường nhưng không chắc có thể làm giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm khác. Do đó, đại biểu đề nghị cần đánh giá tác động kỹ lưỡng và toàn diện về tính hiệu quả của việc bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để đảm bảo mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân.
Đóng góp ý kiến vào dự án luật, đại biểu Phạm Văn Hòa, từ đoàn Đồng Tháp đề nghị, xem xét việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường theo lộ trình. Việc làm này nên được nghiên cứu trong bối cảnh các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh… Theo đại biểu, nhiều loại hàng hóa khác cũng có hàm lượng cao, không chỉ riêng nước giải khát có đường. Nếu áp thuế cao thì có thể xuất hiện các loại nước ngọt, rượu bia được làm thủ công, nhập lậu vào Việt Nam, rất khó kiểm soát .
Liên quan tới nội dung này, đại biểu Cầm Thị Mẫn, từ đoàn Thanh Hóa quan tâm đến việc bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất 10%. Đại biểu thống nhất việc bổ sung sản phẩm này vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ góp phần định hướng tiêu dùng, mở rộng cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp và người tiêu dùng chuyển sang sản phẩm khác không có đường, góp phần hạn chế tình trạng thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm.
Tuy nhiên, báo cáo nghiên cứu đánh giá tác động có nêu, ngành nước giải khát chiếm 38% số lượng doanh nghiệp của ngành đồ uống. Đối với tác động về nguồn thu ngân sách, kết quả tính toán cho thấy, khi áp dụng thu thuế tiêu thụ đặc biệt 10% thì quy mô sản xuất của các doanh nghiệp bị co hẹp, đồng thời việc áp thuế không chỉ tác động tới ngành nước giải khát, mà còn tác động tới 24 ngành khác trong quan hệ liên ngành. Hệ quả tác động tới toàn nền kinh tế, kéo theo sự sụt giảm về GDP.
Vì vậy, đại biểu từ tỉnh Thanh Hóa cho rằng, cần cân đối mục tiêu định hướng hành vi của người tiêu dùng với việc sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng nói trên. Chính phủ cần giải trình rõ hơn về mục tiêu đạt được chính sách này.