Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cần nhìn thẳng vào vấn đề nợ công

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cần nhìn thẳng vào vấn đề nợ công

Tư Hoàng (lược thuật)

Cần nhìn thẳng vào vấn đề nợ công
TS. Phạm Thế Anh – Ảnh TL

(TBKTSG Online) – Những vấn đề tài khóa và nợ công đang được công luận đặc biệt quan tâm, và đòi hỏi có những biện pháp điều chỉnh tài khóa kịp thời. TBKTSG Online trích đăng bài phân tích của tiến sĩ Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế Quốc dân.

Quy mô nợ công tăng quá nhanh

Theo các thống kê chính thức của Bộ Tài chính, thâm hụt ngân sách và nợ công Việt Nam trong những năm gần đây liên tục có xu hướng tăng nhanh.

Cụ thể, thâm hụt ngân sách là 5,4% GDP vào năm 2012, tăng lên 6,6% GDP vào năm 2013 và ước tính 5,7% GDP vào năm 2014, cao hơn rất nhiều so với mức trần 5,0% GDP quy định bởi Quốc hội cho giai đoạn 5 năm 2011-2015.

Cùng với thâm hụt ngân sách cao là sự gia tăng nhanh của nợ công. Ước tính đến cuối năm 2014, bất chấp sự điều chỉnh tăng GDP thiếu thuyết phục bởi cơ quan thống kê, nợ công Việt Nam đã lên tới khoảng 59,6% GDP, và dự kiến tiệm cận rất gần với mức trần nợ công 65% cho phép vào năm 2015.

Đặc biệt, nếu so với tổng thu NSNN thì nợ công đã tăng từ khoảng 1,93 lần trong năm 2011 lên tới 2,81 lần trong năm 2014, tương đương với mức tăng 45,6% (về tỉ trọng) chỉ trong vòng ba năm. Với nguồn thu hạn chế, con số này được dự kiến còn tăng mạnh trong những năm tới.

Mập mờ nghĩa vụ trả nợ

Bên cạnh quy mô nợ công tăng nhanh, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ (không bao gồm nợ Chính phủ bảo lãnh) cũng ngày càng lớn.

Theo Báo cáo Nợ công số 3 thì nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ (không bao gồm nợ Chính phủ bảo lãnh) so với tổng thu NSNN lại cao hơn rất nhiều và có sự gia tăng đột biến trong ba năm gần đây, lên 21,0% vào năm 2012, 22,4% vào năm 2013 và ước tính khoảng 24,2% vào năm 2014. Những con số này đang tiếp cận rất gần với ngưỡng 25% cho phép bởi Quốc hội. Điều này có nghĩa là, Chính phủ Việt Nam hiện phải chi tới một phần tư tổng thu NSNN mỗi năm chỉ để trả nợ gốc và lãi.

Thâm hụt ngân sách cao đi kèm với nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh là nguyên nhân chính khiến Chính phủ đang phải thực hiện hàng loạt các chương trình phát hành trái phiếu, cả trong nước lẫn quốc tế, để đảo nợ.

Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách thâm hụt cao như hiện nay, thậm chí đã phải đi vay một phần để tiêu dùng, thì không ai có thể đảm bảo rằng những khoản vay mới này sẽ được dùng để trang trải cho những khoản nợ cũ. Mà trái lại, rất có thể chúng sẽ lại được dùng để tài trợ cho các khoản chi tiêu mới (gồm cả tiêu dùng) và tích lũy vào gánh nặng nợ công hiện tại. Đảo nợ có thể chỉ là những mỹ từ dùng trong trạng thái cấp bách của ngân sách.

Chi thường xuyên quá cao

Thâm hụt ngân sách trong những năm gần đây là do chúng ta chi tiêu quá nhiều chứ không phải do hụt thu.
Tổng thu NSNN và viện trợ trung bình trong bốn năm gần đây đạt khoảng 24% GDP, với tốc độ tăng khoảng 10,4% mỗi năm. Trong cùng thời gian đó, chưa kể các khoản chi tiêu công để ngoại bảng, tổng chi ngân sách không bao gồm chi trả nợ gốc lên tới 31,5% GDP, với tốc độ tăng là khoảng 7% mỗi năm.

Đặc biệt, trong hai năm gần đây, chi thường xuyên mỗi năm đã gấp khoảng 4 lần chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước. Điều này cho thấy các nỗ lực cắt giảm chi tiêu công chủ yếu nhằm vào cắt giảm chi đầu tư phát triển, còn chi thường xuyên – nhân tố được coi là có ít đóng góp hơn cho tăng trưởng kinh tế dài hạn – lại chưa được chú trọng.

Trong hai năm gần đây ngân sách Việt Nam đã vi phạm một trong những kỷ luật quan trọng của an toàn tài khóa, đó là thâm hụt ngân sách không được lớn hơn chi cho đầu tư phát triển. Tức là, muốn có an toàn tài khóa, một quốc gia không thể đi vay để tiêu dùng.

Kỷ luật tài khóa lỏng lẻo

Việc thực thi kỷ luật tài khóa ở Việt Nam được đánh giá là rất lỏng lẻo khi thâm hụt ngân sách thường xuyên vượt quá mức mục tiêu, còn nợ công và nghĩa vụ trả nợ đang ngấp nghé mức giới hạn của giai đoạn 2011–2015.

Tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam hiện vẫn còn ở dưới mức trần 65% quy định bởi Quốc hội. Tuy nhiên, sở dĩ tỷ lệ này vẫn nằm trong giới hạn cho phép của Quốc hội chủ yếu là nhờ việc Tổng cục Thống kê vào năm 2013 đã điều chỉnh phương pháp tính GDP, bổ sung thêm giá trị kinh doanh của ngành ngân hàng và dịch vụ nhà tự có tự ở của dân cư.

Nếu không sử dụng GDP của phương pháp này, tỷ lệ nợ công/GDP và nợ chính phủ/GDP của Việt Nam đã vượt các ngưỡng cho phép 65% và 50% vào cuối năm 2014.

Bên cạnh đó, việc tuân thủ kỷ luật thâm hụt ngân sách của Việt Nam trong những năm gần đây rất kém. Trong giai đoạn 2011–2015, mục tiêu của Chính phủ là đưa mức thâm hụt ngân sách giảm dần xuống còn 4,5% GDP vào năm 2015, nhưng thực tế lại cho thấy mức thâm hụt ngân sách những năm qua ngày càng trầm trọng hơn.

Thâm hụt ngân sách của các năm 2012, 2013 và 2014 lần lượt đã lên tới xấp xỉ 5,4%, 6,6% và 5,7% GDP. Những con số này cũng cao hơn so với mức dự toán 4,8% GDP mỗi năm trong các năm này. Đặc biệt, mức thâm hụt ngân sách ngày càng cao và có xu hướng vượt chi cho đầu tư phát triển, hàm ý nguy cơ Việt Nam phải vay nợ cho tiêu dùng ngày càng lớn.

Dự toán ngân sách nhà nước các năm 2014 và 2015 đều cho thấy thâm hụt ngân sách sẽ vượt chi đầu tư phát triển. Tức là, Việt Nam sẽ không chỉ phải vay nợ cho đầu tư phát triển mà còn phải vay nợ để tài trợ một phần cho tiêu dùng, vi phạm quy định đề ra trong Luật ngân sách nhà nước 2002 và Luật ngân sách nhà nước sửa đổi 2015.

Duy trì an toàn nợ công bằng cách nào?

Trước tiên đó là cần phải thực thi các kỷ luật tài khóa một cách nghiêm minh. Mục đích của kỷ luật tài khóa là nhằm đưa ra định hướng cho chính sách tài khóa nhằm đảm bảo an ninh tài khóa trong dài hạn.

Vai trò giám sát của Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất, có vẻ như đang mờ nhạt và thụ động trước các chương trình chi tiêu của Chính phủ.

Do vậy, để tiết giảm chi tiêu công thì không thể thiếu vai trò cứng rắn của Quốc hội trong việc giám sát các chương trình chi tiêu của Chính phủ. Đồng thời, minh bạch thông tin và gắn trách nhiệm của việc tuân thủ kỷ luật tài khóa tới từng cá nhân là điều cần thiết.

Tiếp theo, hoạt động của Ngân hàng Nhà nước trong mối quan hệ với ngân sách nhà nước cũng cần phải minh bạch và được giám sát chặt chẽ bởi Quốc hội. Thâm hụt ngân sách cao thường kéo theo sự gia tăng cung tiền ồ ạt khi ngân hàng trung ương không có sự độc lập từ chính phủ ở nhiều nước trước khi xảy ra khủng hoảng nợ.

Hệ quả là, các cuộc khủng hoảng nợ công, mặc dù được trì hoãn, nhưng khi đã xảy ra thì sẽ kéo theo lạm phát cao, đồng tiền mất giá mạnh, thâm thủng dự trữ ngoại hối và vốn quốc tế tháo chạy. Do vậy, các hậu quả kinh tế xã hội của cuộc khủng hoảng nợ công là rất trầm trọng và khó phục hồi.

Đặc biệt, việc duy trì an toàn nợ công không có cách gì khác hơn là phải bắt nguồn từ việc cắt giảm chi tiêu công, bất kể là chi đầu tư hay thường xuyên. Tỷ trọng chi thường xuyên/chi đầu tư phải được điều tiết giảm về mức phù hợp. Cắt giảm chi tiêu công và quy mô của chính phủ là việc làm rất khó khăn bởi nó thường gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ các nhóm có lợi ích liên quan.

Đó có thể là công chức/viên chức mất việc, các công ty nhà nước mất dự án đầu tư, hay các chính quyền địa phương thiếu nguồn tài trợ từ trung ương, v.v… Tuy nhiên, đây là một việc không thể né tránh nếu muốn duy trì an toàn tài khóa trong tương lai.

Không một ngân sách quốc gia nào trên thế giới có thể kham được một bộ máy hành chính lớn, song hành giữa Đảng và chính quyền, như ở Việt Nam. Thúc đẩy nhanh quá trình nhất thể hóa hai cơ quan này sẽ giúp giảm nhiều bộ máy hành chính cồng kềnh, trùng lắp, và thiếu hiệu quả hiện tại.

Cuối cùng, nhưng có lẽ là quan trọng nhất, một chương trình cải cách chi tiêu công toàn diện nghiêm túc cần phải được nghiên cứu và thực hiện, bao phủ các nội dung từ việc xây dựng các quy tắc chi tiêu, cơ chế phân bổ và phân cấp chi tiêu, phân loại chi tiêu, xác định phạm vi tài trợ của ngân sách.

Những nội dung của chương trình cải cách này phải tạo ra được các khuyến khích cũng như trừng phạt sao cho hướng tới giảm thiểu được các chương trình chi tiêu lãng phí, thu hẹp bộ máy hành chính và chống lạm phát cán bộ lãnh đạo, thúc đẩy quá trình rút lui khỏi thị trường và phát huy vai trò của một nhà nước kiến tạo phát triển.

Mời xem thêm

Nợ công tính lại đã lên 66,4% GDP

Chính sách tài khóa tình thế khiến nợ công tăng lên

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới