Thứ năm, 17/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cần quan tâm tới ‘sức khỏe’ của doanh nghiệp nhỏ và vừa

Kinh tế Sài Gòn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong hai tháng đầu năm 2025 có tới 67.000 doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường, với gần như tất cả đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong khi số mới thành lập và quay trở lại kinh doanh chỉ có 49.800 doanh nghiệp.

Đây cũng là xu hướng đã diễn ra từ mấy năm nay. Con số này phần nào cho thấy “sức khỏe” của doanh nghiệp nói chung vẫn đang rất yếu, bất chấp những kết quả tăng trưởng khá ấn tượng trong thời gian qua của nền kinh tế.

Một điểm đáng chú ý nữa là tỷ lệ doanh nghiệp mới thành lập hoạt động trong lĩnh vực sản xuất có xu hướng giảm, từ mức 25-26% cách nay năm năm xuống còn khoảng 23,4% vào năm ngoái. Với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nền kinh tế sẽ khó mà cất cánh lên nếu ngành công nghiệp không thể lớn mạnh.

Hiện nay Việt Nam đang dồn lực để tăng tốc nền kinh tế, trước mắt là đạt trên 8%, nhằm thực hiện mục tiêu là quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Nhưng tốc độ tăng trưởng cao hơn đó, nếu đạt được, cũng sẽ không còn nhiều ý nghĩa và thiếu bền vững nếu nó không mang lại nhiều cơ hội phát triển hơn cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì vậy, nỗ lực để đạt được tốc độ tăng trưởng cao cần gắn liền với các giải pháp trợ giúp để các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tồn tại và phát triển.

Việc đầu tiên cần làm hiện nay là rà soát và loại bỏ các điều kiện kinh doanh bất hợp lý mà sự tồn tại của nó đã tước đi cơ hội kinh doanh của nhóm doanh nghiệp này. Chẳng hạn như quy định mới đây buộc doanh nghiệp ủy thác cho doanh nghiệp khác xuất khẩu gạo cũng phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Thị trường thế giới luôn có những nhu cầu chỉ mua vài trăm hoặc thậm chí là vài chục tấn gạo của Việt Nam và đây là cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa. Nhưng quy định trên đã lấy mất cơ hội của họ.

Một vấn đề nữa, đó là tạo điều kiện để doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể trực tiếp hoặc gián tiếp trở thành nhà cung cấp cho nhu cầu mua sắm của Chính phủ, cũng như tham gia vào các dự án đầu tư công, miễn là họ có thể cung cấp sản phẩm hay dịch vụ đạt chất lượng và có giá cả cạnh tranh, thay vì phải đáp ứng một loạt các điều kiện mà chỉ có doanh nghiệp lớn mới đủ khả năng, như về quy mô, vốn tự có, sở hữu cơ sở vật chất...

Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận nguồn vốn, cơ hội kinh doanh từ các chương trình phát triển của Chính phủ, cũng như các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, vẫn luôn là vấn đề nan giải đối với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thực trạng này có một phần nguyên nhân quan trọng do quy trình thủ tục và điều kiện đi kèm quá khó khăn và phức tạp khiến doanh nghiệp gần như không đáp ứng nổi. Điều này có thể nhìn thấy ở các chương trình hỗ trợ 2% lãi suất hoặc gói 120.000 tỉ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội trong thời gian qua.

Ngoài ra, trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp nào, dù lớn hay nhỏ, cũng đều gặp phải những vướng mắc liên quan đến pháp lý. Nhưng khác với doanh nghiệp có quy mô lớn, vướng mắc của doanh nghiệp nhỏ và vừa thường ít được các cấp chính quyền chú ý và cũng ít được quan tâm giải quyết hơn, thậm chí còn dễ bị cán bộ biến chất “bắt nạt” hơn. Vì vậy, vấn đề đặt ra là làm sao để nhóm doanh nghiệp nhỏ bé và yếu thế này không còn bị lãng quên nữa!

 

4 BÌNH LUẬN

  1. Chính quy + Du kích, luôn là công thức hoàn hảo. Doanh nghiệp lớn, dù đến cỡ nào, cũng không thể đủ tầm và sức lo cho hơn 100 triệu dân. Chưa kể, nếu gặp trục trặc, sẽ không dễ dàng có ngay phương án thay thế. Lúc này phải nhờ đến sự cơ động và tính linh hoạt tuyệt vời của lực lượng doanh nghiệp vừa/ nhỏ/ siêu nhỏ. Đủ thứ, đa dạng và đa phương hóa, từ trên trời đến dưới đất, cây kim đến sợi chỉ, thượng vàng hạ cám… đều có thể nhờ đến lực lượng DNNVV để xử lý ổn thỏa, nếu tạo được môi trường kinh doanh thông thoáng và lành mạnh. Nhà nước, không chỉ là nhà kiến tạo, còn là nhà đầu tư, tiêu dùng lớn nhất. Đây cũng chính là nguồn lực hỗ trợ rất tốt để DNVVN tận dụng và phát huy.

  2. Lịch sử nhân loại, tồn tại hàng ngàn năm, bắt đầu với chỉ duy nhất với lực lượng kinh tế vi mô. Đông đảo và hiệu quả. Quy luật phát triển xã hội, tích tụ & tích lũy tư bản đã góp phần hình thành nên loạt tập đoàn, đại công ty… toàn cầu. Thực tế, doanh nghiệp vi mô, luôn là nền tảng cơ sở kinh tế, luôn thay đổi, chuyển hóa theo mỗi thời đại, nhưng không bao giờ mất đi. Trong khi đó, doanh nghiệp lớn có thể hình thành, thay đổi hình thái phát triển, kể cả biến mất trên thương trường. Điều hành kinh tế tài ba, chính là luôn biết cách kết nối cả 2 lực lượng này, tạo nên sức mạnh nội lực tổng hòa cho toàn bộ nền kinh tế.

  3. Nhìn chung, giữa 01 doanh nghiệp/ 01 cá nhân khởi nghiệp, luôn có thể tìm ra một điểm tương đồng: 01 tên gọi/ 01 ý tưởng. Khác nhau, nếu có chăng là ở quy mô, phạm vi, hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, trong thời đại số hóa, hầu như không còn giới hạn nào về không gian/ thời gian. Biên cương, biên độ kinh doanh đã có quá nhiều thay đổi. Những gì của hôm qua, mọi người thường cho là đúng, hôm nay có thể không còn đúng nữa ? Nhìn về tương lai, chắc chắn sẽ còn khác xa so với những gì ta tưởng tượng ?

  4. Nên lưu ý rằng, tất cả những tập đoàn, đại công ty… ngày nay, luôn bắt đầu từ những phi vụ “buôn bán nhỏ”, hoặc khởi nghiệp từ góc “căn gác xếp”. Quan trọng là cần có những nhân vật vĩ đại, cả về ý tưởng và nghị lực. Suy ra, kinh tế vi mô, mới chính là “bí kíp” quan trọng nhất để nuôi dưỡng những ước mơ lớn. Điều tối cần thiết là phải có một môi trường, đủ dưỡng khí/ sinh khí, trợ lực cho những hạt giống này luôn sinh tồn và nảy nở !

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới