Thứ hai, 27/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cần sớm xếp hạng tín nhiệm trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Cơ quan quản lý hiện đang cân nhắc có thể buộc các tổ chức phát hành phải xếp hạng tín nhiệm nếu muốn phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Tại phiên thảo luận "Phát triển thị trường vốn và thị trường bất động sản" do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức mới đây, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân hàng (Bộ Tài chính) cho biết cơ quan quản lý tăng cường các quy định làm rõ hơn phạm vi trách nhiệm của các bên tham gia thị trường, quy định rõ trách nhiệm công bố thông tin giữa các bên.

Trong đó, một phương án mà Bộ Tài chính đang cân nhắc là yêu cầu việc phát hành trái phiếu riêng lẻ cũng cần phải có xếp hạng tín nhiệm, tức đánh giá độc lập của bên thứ ba về mức độ rủi ro của trái phiếu doanh nghiệp. Hiện quy định mới chỉ yêu cầu trái phiếu phát hành ra công chúng là cần xếp hạng tín nhiệm từ đầu năm 2023.

Ảnh minh hoạ: Baochinhphu.vn

Ngoài ra, chia sẻ bên lề sự kiện, ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết đang nghiên cứu thực hiện đề án xây dựng sàn giao dịch cho trái phiếu riêng lẻ, tạo sân chơi riêng và đảm bảo thanh khoản cho thị trường này. Hiện thị trường trái phiếu tuy phát triển nhưng quy mô vẫn tương đối nhỏ, điều quan trọng là tăng cường công tác quản lý với thị trường này dựa trên tính công khai minh bạch.

Câu chuyện xếp hạng tín nhiệm đã được nhắc đến nhiều trong hai năm gần đây khi lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng vọt. Đại diện Bộ Tài chính tổ chức nhiều diễn đàn, khẳng định quan điểm cần phải xây dựng "văn hóa xếp hạng tín nhiệm" tại Việt Nam, vốn phổ biến ở nhiều thị trường tài chính phát triển.

Trên thực tế, liên quan đến việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến từ các chuyên gia về dự thảo sửa đổi lần thứ năm, bổ sung Nghị định 153/2020 của Chính phủ (quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế) với nhiều ý kiến trái chiều.

Cụ thể, ngoài việc quy định chi tiết hơn và chặt chẽ hơn về trách nhiệm công bố thông tin, hoạt động lưu ký tập trung, các điều kiện liên quan đến giao dịch, các bổ sung quan trọng còn là việc doanh nghiệp không được phát hành trái phiếu để góp vốn dưới mọi hình thức, mua cổ phần, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác, hoặc cho doanh nghiệp khác vay vốn.

Ngoài ra, doanh nghiệp phát hành phải mua lại trái phiếu trước hạn khi có yêu cầu, trong trường hợp vi phạm không thể khắc phục được. Các điều kiện về tỷ lệ an toàn tài chính cũng được nhắc lại.

Quy định cũng chặt chẽ hơn về đối tượng nhà đầu tư chuyên nghiệp, cũng như yêu cầu chỉ được mua trái phiếu riêng lẻ do công ty đại chúng phát hành có tài sản bảo đảm hoặc bảo lãnh thanh toán, trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp.

Nhìn chung, bản dự thảo sửa đổi lần thứ năm này đề cao tính minh bạch và chống lại các rủi ro gian lận trong quá trình phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, các quy định như trong dự thảo sửa đổi này sẽ khiến cho kênh huy động vốn bằng phát hành trái phiếu riêng lẻ khó khăn hơn trước, báo cáo của Công ty chứng khoán SSI đánh giá.

Dù vậy, cũng theo SSI, bản chất hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn phải dựa trên nguyên tắc lợi nhuận và rủi ro đem lại. Do đó, việc xếp hạng tín nhiệm sẽ đánh giá được mức độ rủi ro tương đối để các nhà đầu tư có thể có căn cứ xác định bước đầu.

Tuy nhiên, vấn đề vẫn nằm xung quanh việc doanh nghiệp lo ngại chi phí xếp hạng tín nhiệm tốn kém, kèm theo đó là mức độ tin cậy của các tổ chức xếp hạng. Hiện nay, Bộ Tài chính đã cấp phép cho 2 doanh nghiệp trong nước cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm quốc tế tham gia.

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022 lượng phát hành vẫn tăng 19% so với cùng kỳ. Nguồn: VBMA.

Trái phiếu phát hành riêng lẻ vẫn chiếm chủ đạo trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian qua.

Theo số liệu của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính từ đầu năm đến hết tháng 5-2022, có tổng cộng 160 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị khoảng 104.828 tỉ đồng (chiếm hơn 92% tổng giá trị phát hành) và 17 đợt phát hành ra công chúng giá trị 8.996 tỉ đồng (chiếm 7,91%).

Mặc dù vậy, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng tăng 11% và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 23% so với cùng kỳ năm trước, có lẽ vì sự ảnh hưởng của việc siết hoạt động phát hành trái phiếu trong thời gian qua.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới