Thứ tư, 29/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cần thay đổi tư duy sản xuất nông sản để cạnh tranh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cần thay đổi tư duy sản xuất nông sản để cạnh tranh

Hùng Lê

(TBKTSG Online) -  Từ nhà trồng trọt đến doanh nghiệp kinh doanh nông sản, trái cây trong nước phải nhanh chóng thay đổi tư duy sản xuất theo hướng tuân thủ các tiêu chuẩn, đảm bảo việc duy trì về số lượng và chất lượng để ổn định hoạt động canh tác và có thể cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập.

Cần thay đổi tư duy sản xuất nông sản để cạnh tranh
Các doanh nghiệp, đại diện các Hợp tác xã, nhà kinh doanh tìm hiểu sản phẩm trái cây trong khuôn khổ diễn đàn - Ảnh: Hùng Lê

Nội dung này được ghi nhận tại Diễn đàn kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản hợp tác xã phía Bắc và tỉnh Đồng Tháp, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tỉnh Đồng Tháp tổ chức tại TPHCM vào ngày 19-7.

Tại diễn đàn, Giám đốc kinh doanh Saigon Co.op, ông Nguyễn Vũ Toàn, cho biết hiện nay, chuỗi bán lẻ thuộc Saigon Co.op mỗi ngày tiêu thụ hơn 200 tấn rau củ quả các loại, nên nhà bán lẻ này rất mong muốn kết nối với các địa phương, hợp tác xã có vùng sản xuất ổn định, đáp ứng yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay theo ông Toàn là chất lượng nông sản trái cây của Việt Nam không đồng đều, ổn định, hạ tầng giao thông và công nghệ bảo quản hạn chế khiến nông sản giảm chất lượng nhanh.

Đáng chú ý, theo ông Toàn, trái cây trong nước hiện đang chịu áp lực cạnh tranh lớn với trái cây ngoại nhập. Các siêu thị không chỉ nhập trái cây ôn đới để đa dạng sản phẩm mà còn nhập các trái cây nhiệt đới từ các nước láng giềng như Trung Quốc, Thái Lan..., bởi chất lượng và giá cả cạnh tranh.

Do đó, ông kiến nghị và kêu gọi từ người sản xuất đến doanh nghiệp kinh doanh nông sản, trái cây của Việt Nam phải nhanh chóng thay đổi tư duy sản xuất theo hướng tuân thủ các tiêu chuẩn, đảm bảo việc duy trì cả về số lượng và chất lượng mà nhà phân phối đặt ra.

Đáng chú ý, các nhà phân phối kênh bán hàng hiện đại còn khuyên các nhà sản xuất mặt hàng nông sản cần phải đầu tư mẫu mã, bao bì để nâng cao giá trị cho sản phẩm, không chỉ giúp trái cây Việt giữ vững được thị trường trong nước mà còn tạo nền tảng để xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Mỹ An (Đồng Tháp) Nguyễn Hồng Nhanh cho rằng, hiện ban lãnh đạo HTX và các thành viên “rất mơ hồ” về các tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất hàng hóa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. “HTX tiếp cận doanh nghiệp, siêu thị còn rất hạn chế do thiếu thông tin”, ông Nhanh nói, và cho biết HTX ông đang tổ chức lại sản xuất thay vì chú trọng sản lượng như trước thì đẩy mạnh nâng cao chất lượng, mẫu mã để đưa sản phẩm lên kệ siêu thị. 

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, thời gian qua sản xuất ngành nông sản có tăng, tuy nhiên nhu cầu thị trường đòi hỏi cao thì vấn đề chất lượng sản phẩm, tổ chức lại sản xuất và xây dựng vùng nguyên liệu để đảm bảo nguồn cung thường xuyên là điều cần được quan tâm và đặt lên hàng đầu.

Hiện, cả nước có trên 9.000 doanh nghiệp trực tiếp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên vẫn không đáp ứng đủ lượng hàng cung cấp cho thị trường. Do đó, theo Thứ trưỡng Nam, cần phải tập trung lại sản xuất để định hướng cho người nông dân sản xuất theo nhu cầu của thị trường.

Những năm gần đây, Hợp tác xã (HTX) giữ vai trò kết nối giữa các kinh tế hộ với thị trường rất tốt. Cả nước có trên 14.500 HTX nông nghiệp vừa sản xuất, vừa tiêu thụ sản phẩm đã tập hợp được 9,3 triệu hộ nông dân tham gia vào các HTX này để tập trung sản xuất cung ứng ra lượng hàng lớn. Chính vì vậy, việc kết nối sản phẩm giữa doanh nghiệp và HTX cần được thúc đẩy, bởi đây là sự kết nối bền vững.

Hiện mới chỉ có khoảng 24% HTX liên kết theo chuỗi với doanh nghiệp. "Theo kế hoạch tới năm 2025, con số này có thể nâng lên 50%”, ông Nam chia sẻ với báo chí bên lề diễn đàn.

Qua diễn đàn, Thứ trưởng Nam kỳ vọng, nâng cao nhận thức, tư duy sản xuất của các HTX, người nông dân để tạo sự uy tín với khách hàng, với doanh nghiệp và với thị trường. Mặt khác, các HTX cần xây dựng được chuỗi giá trị bền vững vừa là sản xuất bền vững, vừa đảm bảo được sản phẩm bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Qua đó, tạo một cơ chế để làm sao lưu thông hàng hóa nông sản của hai miền Nam - Bắc.

Tuần lễ nhãn và nông sản an toàn Sơn La mở ở Hà Nội

Đại diện Big C (bên phải) ký kết thỏa thuận hợp tác thu mua nông sản trực tiếp với Hợp tác xã của tỉnh Sơn La

Ngày 19-7, Tuần lễ Nhãn và Nông sản an toàn tỉnh Sơn La đã được khai mạc tại Hà Nội và sẽ kéo dài liên tục đến hết ngày 23-7 tại siêu thị Big C Thăng Long và các siêu thị GO!/ Big C khu vực miền Bắc.

Đây là lần thứ hai sự kiện được tổ chức nhằm quảng bá, kích cầu, tạo thị trường tiêu thụ ổn định cho nông sản an toàn của tỉnh Sơn La, trong đó Nhãn là sản phẩm chủ lực. Tuần lễ Nhãn và Nông sản an toàn tỉnh Sơn La năm 2019 thu hút sự tham gia của hơn 20 doanh nghiệp, hợp tác xã, với quy mô 30 gian hàng.

Tuần lễ giới thiệu đến người dân thủ đô Hà Nội và các tỉnh thành lân cận các mặt hàng nông sản an toàn của tỉnh Sơn La đạt Chứng nhận VietGAP, GobalGAP, như: Nhãn, na, bơ sáp, chuối tây Mộc Châu, bí xanh Mộc Châu, mướp hương Mộc Châu, thanh long ruột đỏ, xoài, đậu hà lan Mộc Châu, tỏi cô đơn Mộc Châu, dưa leo Mộc châu, cà chua Mộc Châu, rau cải mèo Mộc Châu, cải bắp Mộc Châu, táo mèo, ổi, mận, chanh leo, chè tà xùa...

Trong Khuôn khổ lễ khai mạc đã diễn ra lễ Ký cam kết hợp tác giữa đại diện Big C Việt Nam và đại diện doanh nghiệp tỉnh Sơn La.
 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới