Thứ ba, 14/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cần Thơ đối thoại tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp phát triển

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Lãnh đạo thành phố Cần Thơ đã có cuộc đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn vào chiều ngày 18-7, trong mục tiêu tháo gỡ những khó khăn mà các nhà sản xuất, nhà kinh doanh đang gặp phải, để từ đó thúc đẩy hoạt động kinh tế của địa phương.

Lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố Cần Thơ và Giám đốc CPA trao đổi với doanh nghiệp bên lề buổi đối thoại. Ảnh: Trung Chánh.

Phát biểu tại buổi toạ đàm “Đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ”, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết: “Đây là cơ hội trao đổi thông tin hai chiều, để thành phố lắng nghe ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp và hỗ trợ họ giải quyết các khó khăn, vướng mắc”. Hoạt động đối thoại với doanh nghiệp được chính quyền thành phố thực hiện định kỳ hàng năm, do Trung tâm xúc tiến đầu tư - thương mại và hội chợ triển lãm Cần Thơ (CPA) tổ chức.

Người đứng đầu UBND thành phố Cần Thơ chia sẻ, tình hình thế giới và trong nước có thuận lợi và khó khăn đan xen, trong đó cuộc xung đột Nga-Ukraine đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhờ những nỗ lực tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp nên hoạt động sản xuất, kinh doanh có những chuyển biến tích cực, góp phần đưa kinh tế địa phương tăng trưởng.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm nay, GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) ước tăng 3,71% so cùng kỳ. Trong đó, nông, lâm và thủy sản tăng 2,25%; công nghiệp và xây dựng tăng 1,06%; dịch vụ tăng 5,95% và thuế sản phẩm tăng 0,93%.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ dự báo, kinh tế trong nước sẽ tiếp tục đối mặt với rất nhiều bất lợi trong những tháng cuối năm và năm 2024, bao gồm áp lực lạm phát, biến động giá nguyên vật liệu, dịch bệnh, biến đổi khí hậu bất thường…

Chính vì vậy, lãnh đạo thành phố Cần Thơ mong muốn tiếp tục lắng nghe ý kiến trao đổi về những khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp đang gặp phải để hỗ trợ vượt qua khó khăn thách thức.

Cộng đồng doanh nghiệp tham dự buổi đối thoại với lãnh đạo thành phố Cần Thơ vào chiều ngày 18-7. Ảnh: Trung Chánh

Ông Lưu Thanh Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Cần Thơ cho biết, khó khăn chung của các doanh nghiệp hiện nay đó là khó tiếp cận thị trường, đầu ra cho sản phẩm yếu khi sức mua giảm mạnh.

Ngoài ra, các đơn vị cũng đang gặp trở ngại trong việc tiếp cận vốn vay, vì không đáp ứng được các điều kiện tín dụng như: giá trị tài sản đảm bảo thế chấp giảm; tài sản đảm bảo không còn. Đặc biệt, lãi vay trung và dài hạn còn khá cao so với tỷ suất lợi nhuận hiện có của doanh nghiệp…

Liên quan vấn đề tiếp cận vốn, bà Nguyễn Thị Kiều Duyên, Giám đốc CPA cho biết, doanh nghiệp kiến nghị chính quyền thành phố nên có giải pháp để các ngân hàng thương mại hoạt động trên địa bàn chấp hành nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và quy định của Ngân hàng Nhà nước, tức là tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay.

Bà Kiều Duyên dẫn chứng doanh nghiệp cũng kiến nghị lãnh đạo thành phố có ý kiến với Quốc hội xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 20% xuống 10%; tăng mức thu nhập phải đóng thuế thu nhập cá nhân từ 11 lên 20 triệu đồng.

“Kiến nghị cũng đề cập đến việc ngành điện lực trong quá trình cải tạo hệ thống đường dây nên hạn chế cúp điện vào các ngày làm việc, nếu có thì nên cúp điện vào ngày thứ Bảy và Chủ Nhật”, bà cho biết.

Tại buổi đối thoại, đại diện Công ty cổ phần Liên hiệp Kim Xuân - đơn vị chuyên sản xuất đinh công nghiệp - cho biết trong thời gian qua, lạm phát toàn cầu và kinh tế thế giới suy thoái đã ảnh hưởng rất lớn đến doanh số bán hàng của đơn vị này.

Cụ thể, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm đinh của thị trường thế giới giảm do suy thoái kinh tế, nhưng sản lượng cung ứng từ các nhà sản xuất của các nước không giảm. “Do đó, doanh nghiệp trong nước bị sức ép cạnh tranh khốc liệt, bắt buộc phải giảm giá để có được đơn hàng”, vị doanh nhân này cho biết và giải thích, Công ty Kim Xuân phải cố gắng giảm chi phí sản xuất để tìm được đơn hàng.

Chính vì vậy, vị đại diện Công ty Kim Xuân đề xuất được hỗ trợ về lãi suất ngân hàng cũng như được tiếp cận nhiều nguồn vốn vay hơn. “Chúng tôi muốn tiếp cận được nhiều nguồn vốn để có nguồn lực tài chính, từ đó có thể chốt được các đơn hàng nguyên liệu khi giá có giá thấp nhằm tạo ra sản phẩm có giá cạnh tranh để đạt được đơn hàng, tạo việc làm cho công nhân”, ông giải thích.

Từ những vấn đề nêu trên, ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy thành phố Cần Thơ đề nghị, lãnh đạo địa phương quan tâm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp.

Cụ thể, với vấn đề thuộc cấp thẩm quyền giải quyết của Trung ương, Bí thư Thành ủy Cần Thơ đề nghị, tập hợp để sớm có đề xuất, kiến nghị. “Hiện nay có thuận lợi là Thủ tướng Chính phủ là đại biểu Quốc hội tại Cần Thơ nên nhiều vướng mắc đã được quan tâm giải quyết”, ông nói và dẫn chứng, có những vấn đề sau khi địa phương kiến nghị đã được giải quyết và cụ thể hoá thành chính sách triển khai cho cả nước.

Còn đối với vấn đề thuộc thẩm quyền của địa phương, các sở ngành phải trả lời chính thức cho doanh nghiệp bằng văn bản nhằm tránh “nội dung kiến nghị rồi, lần sau gặp lại tiếp tục kiến nghị nữa sẽ không đảm bảo được uy tín cho cả hai bên”.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ đề nghị lãnh đạo UBND thành phố và các sở ngành của địa phương phải thiết lập các kênh thông tin trao đổi trực tiếp nhằm lắng nghe và giải quyết các vấn đề khó khăn của doanh nghiệp. “Đây đã trở thành cơ chế trong tiếp dân, doanh nghiệp rồi”, ông nhấn mạnh và cho biết, mục đích là tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp phát triển, góp phần đưa kinh tế địa phương đi lên.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới