(KTSG Online) - Tình trạng các chủ đầu tư sau khi hoàn thành dự án địa ốc thì chậm trễ bàn giao gây thiệt hại quyền lợi chung của người dân địa phương cho đến nay vẫn chưa có "thuốc đặc trị". Mới đây, chính quyền TPHCM đã có động thái quyết liệt trong việc đòi lại không gian cho người dân thông qua việc nối liền con đường ven sông tuyệt đẹp giữa trung tâm thành phố.
- Vinhomes đề nghị bàn giao đường ven sông cho TPHCM
- Xây tuyến đường ven sông Sài Gòn để giảm áp lực cho khu trung tâm
Lâu nay, tình trạng chủ đầu tư chậm bàn giao lại hạ tầng cho địa phương sau khi hoàn thành dự án địa ốc diễn ra khá phổ biến. Việc chậm bàn giao này có hai dạng: "mượn tạm" hoặc "quên trả nợ". Với dự án cao cấp thì là "mượn tạm" hạ tầng chung biến thành "của riêng" như tiện ích nội khu, gián tiếp làm tăng giá trị cho dự án. Một dạng khác là chủ đầu tư còn nợ một số hạng mục hạ tầng nên không bàn giao được nhưng lại không hoàn thiện mà "quên trả nợ" luôn.
Đoạn đường ven sông Sài Gòn tuyệt đẹp dài 4 km từ cầu Khánh Hội đến cầu Sài Gòn đã có đầy đủ cơ sở pháp lý và quy hoạch nhưng nhiều năm qua vẫn bị "chặt khúc" không nối liền được. Ba điểm nghẽn cắt đứt sự liền mạch này nằm ở các khu dân cư cao cấp Vinhomes, Saigon Pearl và sân golf Ba Son ngay cầu Thủ Thiêm vì hạ tầng giao thông chưa được bàn giao cho chính quyền quản lý.
Cuối năm 2022, UBND TPHCM giao các sở ngành rà soát, cung cấp đầy đủ hồ sơ pháp lý liên quan về đường ven sông Sài Gòn đoạn đi qua dự án khu dân cư Vinhomes và khu dân cư Saigon Pearl gửi về Sở Giao thông Vận tải trước ngày 25-12-2022.
Nhưng phải sau 10 tháng từ ngày UBND TPHCM chỉ đạo và Sở Giao thông Vận tải 4 lần gởi công văn nhắc nhở, đến ngày 12-9-2023 Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM mới gởi "văn bản khẩn" ý kiến tham mưu của mình cho UBND TPHCM.
Theo văn bản này, Sở Tài nguyên và Môi trường kết luận chủ đầu tư khu dân cư Vinhomes, Saigon Pearl sau khi đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống giao thông có trách nhiệm bàn giao lại cho cơ quan nhà nước quản lý(*).
Đến thời điểm viết bài này, mới có chủ đầu tư dự án Vinhomes Central Park gởi công văn đề nghị cơ quan chức năng tiếp nhận các tuyến đường D1 - D19 trong dự án, trong đó có tuyến đường ven sông Sài Gòn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp liên quan đến khu dân cư như Saigon Pearl hay sân golf Ba Son vẫn chưa có động thái gì về bàn giao dù các khu này đã hình thành nhiều năm.
Tình trạng chậm bàn giao với các khu dân cư thông thường còn phổ biến hơn nhiều. Người viết bài này đã từng sinh sống tại hai khu chung cư của một chủ đầu tư là doanh nghiệp thuộc loại lớn, không gặp khó khăn thua lỗ gì, nhưng đều bị “bỏ quên” phần hạ tầng phải làm theo trách nhiệm.
Từ năm 2010 đến nay, tại các khu chung cư này ở cách trụ sở UBND quận 8 không bao xa, đường nội bộ xuống cấp nặng nề, còn công viên bờ sông có trong quy hoạch và được chủ đầu tư hứa hẹn sau hàng chục năm vẫn là bãi đất cho thuê đậu xe, tập kết cát đá. Khi người dân phản ánh thì câu trả lời trước sau như một là “do chủ đầu tư chưa bàn giao hạ tầng cho quận”, còn khi nào bàn giao thì không ai trả lời được.
Theo số liệu quí 2-2023 của Sở Giao thông Vận tải TPHCM, toàn thành phố có 291 dự án không còn chủ đầu tư (chủ đầu tư giải thể, không còn pháp nhân) và chưa bàn giao hạ tầng cho chính quyền. Điều này khiến cho đường xung quanh dự án xuống cấp nhưng không ai quản lý, mặt đường ngày càng hư hỏng.
Còn tại Hà Nội, theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, tính đến đầu năm 2022, tại quận Hà Đông mới chỉ có 3/13 dự án đã bàn giao và đều bàn giao một phần; quận Nam Từ Liêm có 10/55 dự án bàn giao. Có nơi như khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính tại quận Thanh Xuân đã hoàn thành từ năm 2003, nhưng đến nay vẫn chưa bàn giao hạ tầng cho chính quyền địa phương.
Một số dự án khác, do chủ đầu tư không bàn giao hạ tầng nên việc cấp sổ hồng nhà đất cho người dân bị “ách” lại. Thế nhưng, đây là biện pháp chế tài sai đối tượng vì sai phạm của chủ đầu tư nhưng người dân lại bị thiệt hại đủ đường dù nhà đất đã thanh toán đầy đủ cho chủ đầu tư.
“Nắm người có tóc chớ ai nắm kẻ trọc đầu”. Trong việc giám sát chủ đầu tư thì giai đoạn dễ “nắm tóc trách nhiệm” của họ nhất là khi dự án địa ốc đang mở bán. Chính quyền phải có quy định buộc chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao hạ tầng theo tiến độ bán ra dự án thay vì để cho bán hết rồi xin khất nợ bàn giao hạ tầng như hiện nay.
Cho dù pháp luật chưa hoàn thiện thì chính quyền luôn có công cụ để “nắm tóc” chủ đầu tư nếu vận dụng các quy định một cách hợp lý và đúng luật. Có như vậy, người dân, doanh nghiệp trong khu vực dự án mới không phải gánh chịu thiệt hại một cách bất công.
----------------------------
(*) https://tuoitre.vn/vinhomes-ban-giao-duong-ven-song-sai-gon-cho-tp-hcm-20230913160239606.htm
Chung quy cũng do cách tuân thủ quy trình làm việc mà thôi. Nhà quản lý phải nắm vững mọi cam kết của nhà đầu tư. Nhà đầu tư phải triển khai mọi cam kết với nhà quản lý. Trong trường hợp bất khả kháng, hoặc có bất đồng phát sinh, thì phải có trọng tài pháp lý phán quyết. Cơ chế hiện hành vẫn tồn tại rất nhiều bóng râm và bóng tối. Vì vậy cách xử lý vấn đề, tưởng chừng như sẽ nhanh gọn, nhưng thực ra vẫn cứ ì ạch muôn thuở.