Thứ sáu, 8/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Cần tiếp tục gỡ vướng pháp lý cho dự án đầu tư khu công nghiệp

Đinh Tấn Phong (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

A.I

(KTSG Online) -  Việc Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Các tổ chức tín dụng… được ban hành và có hiệu lực sớm dự kiến sẽ tháo gỡ phần lớn các khó khăn đối với môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, với các dự án đầu tư trong khu công nghiệp, vẫn còn nhiều vướng mắc về mặt pháp lý cần tiếp tục tháo gỡ.

Các dự án đầu tư trong khu công nghiệp vẫn còn nhiều vướng mắc về mặt pháp lý cần tiếp tục tháo gỡ. Ảnh: H.P

Khoảng trống thẩm quyền của Ban Quản lý khu công nghiệp

Hiện nay, một số quy định của pháp luật không trực tiếp giao chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, khu kinh tế cho ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế. Vì vậy, việc triển khai giải quyết các thủ tục hành chính theo mô hình “một cửa, tại chỗ” tại các khu công nghiệp, khu kinh tế chủ yếu được thực hiện dựa trên cơ chế ủy quyền. Do đó, doanh nghiệp đầu tư trong các khu công nghiệp, khu kinh tế còn gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Đơn cử như các thủ tục về môi trường như thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; cấp, cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại, thu hồi giấy phép môi trường… theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 hiện hành. Ban Quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế cũng chưa được quy định cụ thể về việc được phân cấp, ủy quyền để thẩm định và cấp phép các thủ tục về môi trường.

Khi cần làm các thủ tục này, doanh nghiệp phải tiếp tục liên hệ với cơ quan thẩm quyền về tài nguyên và môi trường ở địa phương để thực hiện thủ tục. Điều này làm phát sinh thêm nhiều chi phí, mất rất nhiều thời gian để doanh nghiệp triển khai thực hiện các dự án trong khu công nghiệp, khu kinh tế.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, từ tháng 6-2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã dự thảo Thông tư quy định về phân cấp, ủy quyền cho Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế (khu công nghiệp) thực hiện thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; cấp, cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại, thu hồi giấy phép môi trường.

Theo dự thảo, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được xem xét, phân cấp thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; cấp, cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại, thu hồi giấy phép môi trường cho Ban quản lý khu công nghiệp. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, thông tư này vẫn chưa được ban hành.

Bất cập quy định phân kỳ đầu tư

Tại điểm a khoản 2 Điều 9 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định, khu công nghiệp có quy mô diện tích trên 500 hécta phải được phân kỳ đầu tư theo các giai đoạn, mỗi giai đoạn không quá 500 hécta.

Trên thực tế, quy định này đã gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư khu công nghiệp lớn. Cụ thể, trong từng giai đoạn, doanh nghiệp phải thực hiện lần lượt các thủ tục đầu tư theo Luật Đầu tư từ thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đến lựa chọn nhà đầu tư…

Điều này không chỉ làm tiêu tốn thêm thời gian, chi phí mà còn dẫn đến nhiều vấn đề. Chẳng hạn, doanh nghiệp được lựa chọn đầu tư ở giai đoạn trước nhưng chưa chắc đã được lựa chọn là nhà đầu tư cho giai đoạn sau trong trường hợp có nhiều nhà đầu tư quan tâm, tham gia đề xuất chủ trương đầu tư.

Yêu cầu phân kỳ đầu tư cũng làm cho doanh nghiệp khó có thể cân đối được chi phí đầu tư cho toàn bộ dự án. Đặc biệt, doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng cho từng giai đoạn, do thời điểm đầu tư khác nhau dẫn đến mức giá đền bù khác nhau. Theo đó, mức giá bồi thường giai đoạn sau lại thường cao hơn giai đoạn trước, điều này càng làm tăng chi phí đầu tư của doanh nghiệp.

Tóm lại, quy định bắt buộc phân kỳ đầu tư theo Nghị định số 35/2022/NĐ-CP như hiện nay vô hình trung đang làm hạn chế khả năng thu hút đầu tư của các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp có năng lực và kinh nghiệm, đặc biệt đối với nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư khu công nghiệp quy mô lớn.

Năm 2023, Tổ chức Fitch Rating đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia Việt Nam lên BB+, triển vọng “Ổn định”. Điều này sẽ tác động tích cực đến việc ra quyết định đầu tư vào Việt Nam của nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn.

Như vậy, trong thời gian tới, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) dự kiến sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam và thường doanh nghiệp nước ngoài sẽ cần diện tích đất rất lớn. Do đó, dự báo khả năng lấp đầy diện tích đất công nghiệp tại các khu công nghiệp sẽ nhanh hơn trong thời gian tới. Vì vậy, việc hạn chế quy mô khu công nghiệp hiện nay sẽ không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp mà còn làm hạn chế khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư FDI của các địa phương.

Dự báo đến năm 2050, diện tích đất khu và cụm công nghiệp cả nước sẽ đạt mức 300.000 - 350.000 ha. Ảnh: Khu công nghiệp Long Hậu (tỉnh Long An). TTXVN

Bố trí quỹ đất cho các nhóm ưu tiên trong khu công nghiệp

Theo quy định tại khoản 4 Điều 9 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP, nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp phải dành tối thiểu 5 hécta đất công nghiệp hoặc tối thiểu 3% tổng diện tích đất công nghiệp của khu công nghiệp, bao gồm cả nhà xưởng, văn phòng, kho bãi cho một số nhóm doanh nghiệp.

Đó là, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định tại điểm e, điểm g khoản 2 Điều 15 của Luật Đầu tư, các doanh nghiệp khác thuộc diện được ưu tiên, hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật thuê đất, thuê lại đất (nhóm ưu tiên).

Tuy nhiên, các quy định hiện hành trong Nghị định số 35/2022/NĐ-CP lại chưa làm rõ trường hợp nào nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp phải dành 5 hécta, trường hợp nào phải dành 3% diện tích đất công nghiệp cho các doanh nghiệp thuộc nhóm ưu tiên.

Ngoài ra, nhà đầu tư phải quản lý quỹ đất này trong thời hạn bao lâu trong trường hợp không có các doanh nghiệp thuộc đối tượng ưu tiên thuê lại đất. Theo đó, trong trường hợp này, nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp có nhu cầu sử dụng phần đất cho các doanh nghiệp khác không thuộc đối tượng ưu tiên thuê thì phải thực hiện theo cơ chế như thế nào?

Đây là những vấn đề cần phải tiếp tục làm rõ để nhà đầu tư hạ tầng có thể khai thác hiệu quả quỹ đất đã đầu tư hạ tầng nhằm tối đa hóa lợi nhuận, thu hút đầu tư, tăng tỷ lệ lắp đầy khu công nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Cần có công thức và quy định để gỡ vướng

Trước hết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tiến hành rà soát lại thẩm quyền, chức năng và  nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, khu kinh tế của ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế trong việc giải quyết các thủ tục hành chính của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế trong các văn bản pháp luật hiện hành.

Theo đó, thực hiện phân cấp, ủy quyền cho ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế giải quyết các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp đầu tư trong các khu công nghiệp, khu kinh tế theo mô hình “một cửa, tại chỗ”, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện các thủ tục được thuận lợi, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và chi phí.

Đối với quy định phân kỳ đầu tư theo mỗi giai đoạn, cần sửa đổi quy định theo hướng, đối với các dự án khu công nghiệp có quy mô diện tích trên 500 héct thì cho phép thực hiện trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư một lần cho cả dự án. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cần quy định chặt chẽ, yêu cầu cao hơn về năng lực tài chính, kinh nghiệm triển khai dự án của nhà đầu tư nhằm đảm bảo hiệu quả triển khai dự án.

Đồng thời, nhà quản lý cũng cần quy định cụ thể trường hợp nào nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp phải dành 5 hécta, trường hợp nào phải dành 3% diện tích đất công nghiệp cho các doanh nghiệp thuộc nhóm ưu tiên.

Theo quan điểm người viết bài này, có thể quy định: dự án khu công nghiệp có quy mô dưới 500 hécta, nhà đầu tư hạ tầng phải dành 5 hécta; với dự án có quy mô trên 500 hécta, nhà đầu tư dành 3% diện tích đất công nghiệp cho các doanh nghiệp thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư.

Theo công thức đề nghị này, 5 hécta là mức tối, diện tích này sẽ tăng lên nếu quy mô dự án càng lớn. Điều này sẽ góp phần tạo điều kiện hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp thuộc nhóm ưu tiên, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh và tiềm lực kinh tế nội tại của đất nước.

Ngoài ra, cần quy định trong thời hạn ba năm, nếu không có doanh nghiệp thuộc nhóm ưu tiên đăng ký thuê lại đất thì nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp được phép cho doanh nghiệp không thuộc nhóm ưu tiên thuê, tránh trường hợp bỏ hoang đất. Điều này nhằm tránh tình trạng người được ưu tiên thuê thì không cần trong khi nhà đầu tư cần thì lại không thể thuê, giúp khai thác hiệu quả quỹ đất khu công nghiệp đã đầu tư hạ tầng.

-------------------------

(*) Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới