Chủ Nhật, 26/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cần tính lại bài toán phân phối nông sản ĐBSCL cho khu vực TPHCM

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – “Kẹt đường” trong ngắn hạn, nông sản khu vực ĐBSCL hiện đang nhờ các đơn vị phân phối đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường TPHCM. Tuy nhiên, trong dài hạn, bài toán lớn cần phải giải quyết không đơn giản chỉ là kênh phân phối giữa vùng nguyên liệu và vùng tiêu thụ.

Thừa nông sản vì Trung Quốc đóng biên

Trong gần một tháng qua, việc Trung Quốc hạn chế xuất hàng qua cửa khẩu biên giới phía Bắc đã ảnh hưởng khá nặng đến việc tiêu thụ hàng nông sản của Việt Nam nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng. Trái thanh long tại Long An là một ví dụ điển hình.

Theo số liệu chia sẻ tại tại diễn đàn kết nối nông sản, sản phẩm chế biến vào thị trường TPHCM được tổ chức ở Long An vào cuối tuần trước, ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An, cho biết có hiện tượng các thương lái đồng loạt ngưng thu mua, chấp nhận đền cọc (3.000 đồng/kg) khiến lượng hàng tồn thanh long tăng lên.

Ước tính sơ bộ có khoảng 5.000 tấn thanh long đã bị bỏ cọc, đẩy số lượng thanh long thừa lên đến hơn 26.000 tấn. Theo ông Trịnh, ngoài việc xuất khẩu qua Trung Quốc gặp khó khăn, chi phí thanh long cũng tăng cao trong khi giá bán tại Trung Quốc giảm khiến thương lái hủy mua bán trong dịp cuối năm nay.

Đoàn doanh nghiệp TPHCM tham quan quy trình đóng gói thanh long tại Hoàng Phát Fruit ở Long An. Ảnh: V.D.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An, cho biết thời gian gần đây việc xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, nhất là thanh long. Tại sự kiện kết nối cuối tuần trước, ông Thanh kêu gọi các đơn vị tại TPHCM, chủ yếu là các đơn vị phân phối truyền thống như chợ đầu mối, kênh phân phối hiện đại như siêu thị hay sàn TMĐT vào cuộc để hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ thanh long tại TPHCM trong dịp này.

Dù vậy, chia sẻ tại sự kiện kết nối, đại diện các kênh phân phối cho rằng sức mua thanh long không quá cao dù thời điểm Tết đã cận kề. Chẳng hạn, phía Emart cho biết bình quân thanh long ruột đỏ trung bình tiêu thụ 1 tấn/tháng, thanh long trắng 1 tấn/tháng, con số này là không nhiều vì khách hàng không thể ngày nào cũng ăn thanh long.

Đại diện Tiki (trái) trao đổi với đơn vị sản xuất tại sự kiện kết nối cung cầu ở Long An. Ảnh: V.D.

Còn ông Nguyễn Quách Nhi, Giám đốc ngành hàng thực phẩm và tiêu dùng nhanh sàn TMĐT Tiki, cho biết đã có chuyến hàng đầu tiên khoảng 10 tấn thanh long được phân phối đến người dân TPHCM. Tuy nhiên, lượng phân phối về vẫn là quá nhỏ so với mức dư thừa của thanh long. Bên cạnh đó, cái khó là xu hướng mua trái cây online chưa nhiều và chưa đồng nhất về chất lượng khi giao hàng.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, trong sự kiện kết nối cuối tuần trước có đầy đủ đại diện bán lẻ lớn và mạnh của thành phố như ba chợ đầu mối (Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức) và các hệ thống phân phối hiện đại như Central Retail, Emart, Bách Hóa Xanh, Wincomerce, sàn thương mại điện tử Tiki, Sen Đỏ,…được kỳ vọng sẽ hỗ trợ được phần nào đầu ra trước mắt cho trái thanh long. Tuy nhiên, việc phân phối hàng nông sản từ ĐBSCL về TPHCM thực sự cần một chiến lược lâu dài.

Cần lời giải dài hạn

Trên thực tế, trong tuần trước, Sở Công Thương TPHCM cùng sở công thương các tỉnh khu vực ĐBSCL đã phải gấp rút tổ chức đoàn doanh nghiệp TPHCM không chỉ đi hỗ trợ tiêu thụ nông sản đang ở trong tình trạng dư thừa hiện nay, mà còn đi khảo sát vùng nguyên liệu để tìm đường cho dòng chảy nông sản thuận lợi hơn. Trong quá trình đi khảo sát các vùng trồng nguyên liệu tại tỉnh Đồng Tháp, nhiều vấn đề khó khăn đã được đại diện các bên nêu lên.

Đại diện các kênh phân phối (siêu thị, sàn thương mại điện tử) tìm hiểu về xoài tại một HTX ở Đồng Tháp. Ảnh: V.D.

Chẳng hạn, đại diện HTX Dịch vụ nông nghiệp Cần Thới (Đồng Tháp) cho rằng mối liên kết giữa doanh nghiệp lớn, các HTX và nông dân chưa có sự đồng thuận và kết nối chưa chặt chẽ. Phía doanh nghiệp gặp khó ở chỗ đặt hàng nhưng sản lượng thì không đảm bảo, không thỏa thuận được về giá cả cố định trong khi HTX thì không có nhiều vốn và thiếu tiền mặt.

Chia sẻ tại sự kiện kết nối tại tỉnh Đồng Tháp, đại diện HTX Nông sản sạch Vĩnh Thới (Đồng Tháp) còn nêu lên là thực trạng doanh nghiệp có gì mua nấy, nông dân không có định hướng khi doanh nghiệp không điều phối sản phẩm, còn khi thị trường cần thì nông dân không có gì để bán. Rào cản cũng đến từ phía sản lượng và chất lượng từ phía nông dân.

Đại diện vườn xoài ở Đồng Tháp trả lời thắc mắc của đoàn doanh nghiệp từ TPHCM. Ảnh: V.D.

Về phía nhà phân phối, ông Paul Lê, đại diện Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam, cho rằng các đơn vị phân phối sẽ hỗ trợ HTX và nông dân bán hàng nhưng không thể làm thay câu chuyện về sản phẩm. Yêu cầu của các nhà phân phối là phải cụ thể về con số sản lượng và chất lượng rõ ràng, được phân loại đầy đủ.

Tương tự, đại diện các chợ đầu mối cho biết hiện nay các đơn vị quản lý kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng của sản phẩm, nên muốn đặt hàng về chợ thì cũng phải biết rõ về nguồn gốc và chất lượng. Đại diện chợ Hóc Môn đưa ra khuyến cáo người sản xuất phải có cam kết gắn bó với hàng hoá từ khi sản xuất cho đến lưu thông.

Còn đại diện chợ đầu mối nông sản thủ Đức, đơn vị tiêu thụ khoảng 80% các mặt hàng nông sản, trái cây rau củ quả ở các tỉnh ĐBSCL, khuyến nghị các nhà sản xuất, thương nhân nên định hướng sản phẩm có bao bì, hoặc sơ chế trước khi đưa lên chợ để nâng cao giá trị sản phẩm.

Đơn vị thu mua các siêu thị trao đổi với doanh nghiệp tại Long An. Ảnh: V.D.

Về phía doanh nghiệp, đại diện Công ty Sen Đại Việt (Tháp Mười, Đồng Tháp) cho biết sản phẩm công ty đã đi qua các kênh phân phối hiện đại, nhưng vấn đề nằm ở chỗ khó khăn về nguồn hàng nguyên liệu đầu vào. Theo đó, có mùa thì nông dân bán tháo, cũng có mùa cao điểm thì lại không trồng sen nên doanh nghiệp phải tự quy hoạch lại vùng trồng. Trong khi đó, muốn vào siêu thị thì phải có kế hoạch cụ thể về sản lượng và giá cả theo năm.

Đánh giá về tình trạng hiện nay, bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch UBND TPHCM, cho rằng có hiện tượng dư thừa tại vùng nguyên liệu nhưng khan thiếu ở vùng tiêu thụ. Còn ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nói rằng doanh nghiệp Đồng Tháp "mạnh về sản xuất nhưng lại yếu khâu thương mại".

Trên thực tế, các doanh nghiệp TPHCM chưa mặn mà chuyện đầu tư tại tỉnh như các hệ thống kho lưu trữ bảo quản sau thu hoạch, còn các doanh nghiệp địa phương thì thiếu nguồn lực.

Trong chuyến khảo sát vừa qua, đoàn doanh nghiệp TPHCM do Sở Công Thương TPHCM dẫn đầu đã đi khảo sát thực tế các vùng nguyên liệu sản xuất, cung ứng nông sản tại Đồng Tháp và có mời thêm bốn tỉnh trong vùng (Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, An Giang) để thực hiện mô hình thí điểm kết nối trực tiếp, có sự gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với tiêu thụ nông sản và tiến đến nhân rộng mô hình này lên toàn vùng trong thời gian tới.

Mô hình kết nối trực tiếp này cũng được nhiều doanh nghiệp và HTX kỳ vọng sẽ thay đổi và giúp cân bằng quan hệ cung – cầu giữa hai vùng tiêu thụ và vùng nguyên liệu hiện nay. Dù vậy, việc “nâng cấp” các doanh nghiệp tại địa phương và xây dựng kênh phân phối bền vững để dòng chảy hàng hóa về khu vực tiêu thụ lớn tại TPHCM không phải là chuyện của ngày một ngày hai.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới