Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cẩn trọng khi chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Việc xử lý, chuyển giao các ngân hàng yếu kém đòi hỏi dựa sự chia sẻ rủi ro giữa các bê gồm Nhà nước, ngân hàng tiếp nhận, ngân hàng bị chuyển giao. Sự chia sẻ này dựa trên trên cơ sở tính toán các hệ lụy với hệ thống ngân hàng, nền kinh tế, quyền lợi của cổ đông và nhà đầu tư.

HDBank dự kiến sẽ góp vốn vào ngân hàng yếu kém để tham gia xử lý. Ảnh minh họa: DNCC

Chờ đợi bước tiến mới

"Chuyển giao bắt buộc" là việc ngân hàng yếu kém sẽ được ngân hàng khác, với quy mô tài chính vững vàng hơn nhận và dành nguồn lực tái cơ cấu. Hiện có bốn ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu, gồm: DongABank, CB, Đại Dương Oceanbank, GPBank. Các ngân hàng này cũng đang được NHNN kiểm soát đặc biệt.

Thực tế, mục tiêu nhận chuyển giao bốn ngân hàng yếu kém cũng được đề ra từ lâu nhưng phương án xử lý các đơn vị này rất chậm, kéo dài từ 2015 đến nay chưa dứt điểm. Theo đó, chỉ có DongABank được Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc tính tới tháng 8-2023. Còn CB, OceanBank, GPBank mới dừng ở bước được Chính phủ phê duyệt chủ trương, đang xác định giá trị doanh nghiệp để chuyển giao bắt buộc tại cùng thời điểm.

Tình trạng này được kỳ vọng sẽ có thay đổi trong bối cảnh không ít ngân hàng lên kế hoạch triển khai và dự kiến hoàn tất việc nhận chuyển giao một ngân hàng yếu kém trong năm nay, khi NHNN đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống.

Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch VPBank cho rằng, nếu xét ở góc độ tài chính đơn thuần thì hầu hết các ngân hàng không ‘tha thiết’ tham gia hỗ trợ các ngân hàng yếu kém. Bởi hiện các ngân hàng 0 đồng đều bị lỗ luỹ kế và đang tiếp tục lỗ. Tuy nhiên, VPBank có điều kiện phù hợp để tham gia quá trình tái cấu trúc ngân hàng yếu kém, sau khi huy động được nguồn vốn lớn từ đối tác Nhật Bản là SMBC.

“VPBank hiện trong trạng thái dư thừa nguồn vốn và phải đối mặt với bài toán tăng trưởng quy mô. Khi tham gia vào tái cơ cấu, các ngân hàng sẽ được NHNN ưu tiên tăng trưởng tín dụng cao hơn trung bình ngành”, ông Dũng nói tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024.

Cũng theo ông Dũng, việc hỗ trợ ngân hàng yếu kém là điều kiện đủ, sau điều kiện cần là vốn. Cụ thể, các ngân hàng hiện bị giới hạn tỷ lệ sở hữu (room) nước ngoài ở mức 30%, trong khi nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn muốn tham gia vào ngân hàng. Do đó, việc tham tham gia tái cấu trúc ngân hàng yếu kém sẽ giúp VPBank có cơ hội được nới ‘room’, qua đó nâng quy mô vốn của ngân hàng.

Với HDBank, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch HĐQT cho biết, khi nhận được lời đề nghị từ phía NHNN khoảng 6-7 năm trước, ngân hàng đã sắp xếp và sẵn sàng tham gia một cách nghiêm túc.

Theo bà Thảo, việc tham gia tái cơ cấu một ngân hàng yếu kém là cơ hội để HDBank phát triển mạng lưới, nghiệp vụ... Đồng thời tăng năng lực quản lý quản trị, năng lực tiếp nhận các định chế tài chính, mua bán - sáp nhập (M&A) và hướng tới mục tiêu về tăng trưởng, chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Trước đó, HDBank từng thực hiện thành công hai dự án M&A gồm sáp nhập một ngân hàng thương mại (DaiABank) và mua lại một công ty tài chính (SGVF). Cả hai thương vụ diễn ra vào thời điểm ngành ngân hàng phải tái cấu trúc, rất nhiều ngân hàng có nợ xấu tăng vọt, âm vốn chủ sở hữu…

Với MB, ban lãnh đạo ngân hàng kỳ vọng việc tham gia tái cấu trúc ngân hàng yếu kém không chỉ giúp tăng trưởng tín dụng mà còn nâng cao năng lực quản trị.

Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch MB cho biết, ngân hàng đã sẵn sàng, chỉ còn chờ phương án trình lên được Chính phủ phê duyệt. Tại cuộc họp ĐHĐCĐ vừa diễn ra, ban lãnh đạo ngân hàng cũng cho biết phương án nhận chuyển giao bắt buộc của MB sẽ được phê duyệt trong tháng 4.

Hiện MB đã và đang triển khai một số giao dịch hợp tác, hỗ trợ ngân hàng thương mại mục tiêu theo định hướng chỉ đạo của NHNN nhằm chuẩn bị cho việc nhận chuyển giao bắt buộc, có thể sẽ được thực hiện trong năm nay. Sau khi nhận chuyển giao bắt buộc, ngân hàng mục tiêu vẫn là một ngân hàng độc lập trực thuộc MB. Tới khi hoàn tất quá trình tái cơ cấu, MB có thể lựa chọn sáp nhập hoặc thoái vốn khỏi ngân hàng này.

Thực tế, việc nhận chuyển giao bắt buộc mang lại không ít quyền lợi cho bên nhận, theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD).

Với trong trường hợp ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên, ngân hàng tiếp nhận có quyền sở hữu toàn bộ vốn điều lệ của ngân hàng. Đơn vị này cũng có quyền bán hoặc phát hành cổ phần của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao cho nhà đầu tư nước ngoài theo phương án đã được phê duyệt.

Ngoài ra, được áp dụng các biện pháp hỗ trợ phục hồi theo quy định của luật và phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt.

Cẩn trọng, hài hoà lợi ích giữa các bên

Điểm chung của bốn ngân hàng được tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém gồm Vietcombank, VPBank, HDBank và MB là sở hữu tiềm lực mạnh và hệ thống quản trị chuyên nghiệp. Thậm chí, Vietcombank hay VPBank còn nằm trong nhóm ngân hàng có quy mô vốn lớn và có bảng cân đối kế toán lành mạnh. Ngoài ra, hành lang pháp lý cho chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém đã được xây dựng.

Nhưng điều khiến các chuyên gia lưu tâm là thức chuyển giao, tái cơ cấu vì ngân hàng là loại hình doanh nghiệp đặc biệt, hoạt động kinh doanh chính tập trung chủ yếu ở lĩnh vực tín dụng và tiền tệ. Do đó hoạt động các ngân hàng này cũng có những ảnh hưởng với tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế.

Một chuyên gia kinh tế cho biết đánh giá sức khỏe của hệ thống ngân hàng Việt Nam tương đối ổn định. Nhưng hệ thống ngân hàng vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro.

Chẳng hạn, nợ xấu chưa được công bố đầy đủ vì áp dụng quy định về cơ cấu thời hạn trả nợ và chưa chuyển nhóm nợ theo Thông tư 02/2023. Nhưng nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) đã gia tăng. Ngoài ra, các ngân hàng còn phải chịu các gánh nặng từ gói hỗ trợ lãi suất 2% và các chương trình hỗ trợ lãi suất khác.

Về vĩ mô, Fed dự kiến tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất ở mức cao thêm một thời gian, gây áp lực với tỷ giá và lạm phát của Việt Nam. Còn “quả bom” nợ TPDN chưa được giải quyết, mà chỉ trì hoãn.

Bên cạnh đó, nhu cầu tín dụng cũng sẽ khó đạt được mức độ tăng trưởng cao trong bối cảnh kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 6-6,5% trong năm 2024, thấp hơn mức trung bình giai đoạn 2015 - 2019 là 6,76% một năm. Do đó, cần cân nhắc thời điểm và mức độ thực hiện kế hoạch chuyển giao ngân hàng để tránh các tác động bất lợi với hệ thống ngân hàng và nền kinh tế.

Với bối cảnh trên, chuyên gia này cho rằng sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý là rất quan trọng, vì tính phức tạp của việc xử lý các ngân hàng yếu kém. Cụ thể, cơ quan quản lý phải xử lý để bảo đảm sự an toàn của hệ thống, quyền lợi của cổ đông và người gửi tiền. Nếu xử lý không khéo thì sẽ tác động tiêu cực đến hệ thống, quyền lợi của cổ đông và người gửi tiền.

Ngoài ra, không thể để ngân hàng tiếp nhận phải chịu hết các gánh nặng, dù sẽ có một số lợi ích về mở rộng thị phần, cổ đông, có quyền bán, chuyển nhượng, kể cả khả năng chuyển nhượng cho nước ngoài, hay ‘room’ tín dụng.

“Việc chuyển giao bắt buộc cần tính đến áp lực với các ngân hàng nhận chuyển giao. Đây vốn là những ngân hàng mạnh, có thể góp phần củng cố hệ thống nhưng lại phải gánh vác trọng trách này đồng thời ứng phó với các rủi ro của nền kinh tế”, chuyên gia này lưu ý.

Về pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Phúc, Công ty Luật TNHH HM&P, cho rằng ngoài các vấn đề pháp lý mang tính đặc thù đã được quy định tại Luật Các TCTD và các văn bản hướng dẫn thi hành, hoạt động chuyển giao bắt buộc có thể sẽ làm phát sinh nhiều vấn đề pháp lý khác mà các bên cần đặc biệt quan tâm.

Chẳng hạn, hoạt động chuyển giao bắt buộc sẽ phát sinh việc chuyển giao toàn bộ cổ phần, phần vốn góp từ chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của bên được chuyển giao cho bên nhận chuyển giao. Nhưng không rõ rằng đây có thể được xem là hoạt động mua lại doanh nghiệp hay không, bởi Luật Các TCTD cũng đã quy định về phương án chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp của ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt.

“Nếu không thuộc trường hợp mua lại doanh nghiệp, hoạt động chuyển giao bắt buộc đòi hỏi cần phải có những quy định cũng như hướng dẫn cụ thể hơn nhìn từ góc độ pháp luật cạnh tranh. Bởi lẽ sau khi kết thúc quá trình chuyển giao, rõ ràng quy mô của bên nhận chuyển giao là các ngân hàng đã tăng đáng kể”, ông Phúc lưu ý.

Cũng theo vị này, hoạt động chuyển giao bắt buộc có thể sẽ dẫn đến việc cải tổ mạnh mẽ trong cơ cấu tổ chức, hoạt động của ngân hàng bị chuyển giao. Khi đó, việc tuân thủ các vấn đề pháp lý về lao động trong trường hợp cho người lao động nghỉ việc cũng là vấn đề đặt ra với bên nhận chuyển giao.

Bổ sung, TS Châu Đình Linh, giảng viên trường Đại học ngân hàng TPHCM cho rằng, yếu tố chính thu hút các ngân hàng nhận chuyển giao chính là tài sản có khả năng sinh lời của ngân hàng bị chuyển giao. Do đó, việc cần làm là phải định giá được ngân hàng bị nhận chuyển giao, với tiêu chí làm hài lòng bên mua và bên bán người.

“Có nhiều phương pháp định giá khác nhau nên giải pháp có thể là bình quân của những phương pháp định giá, được lựa chọn bởi một công ty định giá độc lập với vai trò bên thứ ba. Đây là cơ sở để các nắm được giá trị cổ phần là bao nhiêu và tỉ lệ chuyển đổi nào là hợp lý”, ông Linh nói và cho rằng khi các bên thống nhất mức giá và cái tỷ lệ chuyển đổi thì việc M&A mới có cơ sở thành công.

Vì vậy, việc cơ quan quản lý cần làm phải trao cho các bên cơ chế đặc thù hơn, để họ đưa ra quyết định nó dễ dàng và nhanh chóng hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới