Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cẩn trọng với hệ thống đèn báo của xe

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cẩn trọng với hệ thống đèn báo của xe

Kim Minh

(TBKTSG Online) – Những chuyến đi chơi xa luôn là sở thích của hầu hết tất cả mọi người. Tuy nhiên, những chuyến đi hàng trăm ki lô mét của bạn rất có thể phải đồng hành cùng những rắc rối liên quan đến chiếc xe ô tô. Những chiếc đèn báo có thể khiến bất cứ lái xe nào cảm thấy lo lắng. Nhưng nếu bạn biết chuyện gì đằng sau những dấu hiệu đó, bạn có thể kiểm soát khá tốt mọi thứ.

Cẩn trọng với hệ thống đèn báo của xe
Nếu cả đèn đỏ báo hệ thống phanh (biểu tượng chữ P) sáng khi xe đang chạy mà phanh tay đã nhả hết, hãy giảm tốc độ ngay lập tức – Ảnh minh họa: S10forum

Với mong muốn người điều khiển sẽ kiểm soát tốt hơn phương tiện của mình, đồng thời nắm bắt được những cảnh báo nguy hiểm mà chiếc xe chuẩn bị gặp phải, tạp chí USNews đã có bài viết về ý nghĩa và phương pháp xử lý khi một số loại đèn báo nguy hiểm xuất hiện trên xe.

1. Đèn đỏ báo áp lực dầu (Oil Pressure Warning Light)

Hãy tưởng tượng âm thanh của hai miếng kim loại va chạm vào nhau mà không có chất bôi trơn. Đó  là âm thanh mà chiếc xe của bạn sẽ phát ra khi không đủ dầu. Đèn báo áp lực dầu không cho bạn biết thời điểm cần thay dầu (trừ một số rất ít xe làm được điều đó) nhưng nó sẽ báo cho bạn nếu dầu của xe đang thiếu dầu, áp lực dầu cũng không đủ tiêu chuẩn, hay dầu quá loãng, hết độ nhớt.

Thông thường đèn sẽ xuất hiện sẽ khi bình chứa bị thủng, rò rỉ hoặc gặp phải những vấn đề mà bạn chưa lường hết được. Điều này rất nguy hiểm. Hãy tắt máy và bổ sung dầu gấp. Nếu bạn cố tính chạy xe trong tình trạng thiếu dầu, các bộ phận va chạm với nhau như những miếng kim loại mà chúng tôi đã ví dụ từ đầu. Việc này sẽ giết chết động cơ của bạn.

Giá cho việc sửa chữa lỗi rò rỉ dầu ở một chiếc Honda Accord phiên bản 2007 sử dụng động cơ 2,4 lít, 4 xi lanh vào khoảng 396 đến 534 đô la Mỹ (theo báo giá của RepairPal). Đó là một cái giá không rẻ nhưng nó sẽ là rất, rất tiết kiệm nếu bạn không sửa lỗi này ngay và dẫn đến là động cơ của bạn gặp vấn đề. Khi đó cái giá mà bạn phải trả chắc chắn sẽ không dưới 5.000 đô la Mỹ. Chúng tôi đưa ra những con số này để bạn hiểu được mức độ của vấn đề.

2. Đèn cảnh báo lỗi động cơ (Check Engine Warning Light)

Trên hầu hết các loại xe, đèn báo lỗi động cơ (Check Engine Warning Light) đều cùng cảnh báo một vấn đề: đã có lỗi trong động cơ hoặt hệ thống kiểm soát khí thải. Có thể đèn sáng là do những lỗi khá đơn giản như nắp của bộ phận khí thải  bị lỏng. Nhưng cũng có rất nhiều trường hợp, đèn sáng khi xe của bạn gặp phải những vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều như rò rỉ nhiên liệu, lỗi của hệ thống kiểm soát khí xả khiến đến bộ xúc tác có thể quá nóng. Thậm chí bắt cháy. Những lỗi này cần tốn nhiều thời gian để tiền bạc để sửa chữa. Để thay thế cả hai bộ xúc tác trong một chiếc Ford F-150 phiên bản 2009 với động cơ V8, 4,6 lít có thể mất tới 4.302 đô la Mỹ (theo báo giá của RepairPal).

3. Đèn cảnh báo áp suất lốp (Tire Pressure Warning Light)

Lốp bơm quá căng, quá non hoặc có vấn đề đều ảnh hưởng tới quá trình vận hành xe. Nếu áp suất lốp xuống không đúng, nó có thể ảnh hưởng đến cảm giác lái và chiếc xe của bạn sẽ “ngốn” nhiên liệu nhiều hơn.

Nhưng khi áp suất lốp lên cao, rất có thể chiếc xe của bạn có nguy cơ bị nổ lốp. Còn nếu nhiệt độ lốp xe của bạn lớn, nó sẽ làm tăng mức độ cản lăn, giảm khả năng tiết kiệm nhiên liệu, hoặc lốp, phanh… của bạn đang có vấn đề.

Từ năm 2006, tất cả các xe ở Mỹ đều phải có một hệ thống giám sát lốp tiêu chuẩn. (Vì thế với hầu hết các mẫu xe nhập ở Việt Nam, đều có hệ thống cảnh báo này). Nếu đèn của hệ thống cảnh báo về áp suất lốp xuất hiện, bạn nên tìm một địa điểm thích hợp để kiểm tra, sau đó, tăng thêm áp suất hoặc thay thế nếu có lốp dự phòng.

Nếu bạn có lốp run-flat, bạn chắc chắn là gặp may bởi hầu hết các mẫu lốp này đều cho phép người điều khiển có thể điều khiển thêm khoảng 60 dặm kể từ khi lốp gặp sự cố mà không làm hỏng bánh xe. Một số nhận xét cho rằng, lốp run-flat thô hơn so với lốp truyền thống, theo chúng tôi, an toàn và yên tâm là yếu tố cần quan tâm hơn trong những trường hợp này. Mặt khác, nếu dùng lốp truyền thống trong tình huống kể trên, vành xe của bạn sẽ bị ảnh hưởng và khi đó, chi phí sửa chữa có thể lên tới hàng ngàn đô la.

4. Đèn báo nhiệt độ động cơ (Engine Temperature Warning Light)

Để xe vận hành êm ái và bền lâu, nhiệt độ động cơ là điều phải chú ý đến. Nếu động cơ của xe quá nóng, hình ảnh một chiếc nhiệt kế nhỏ,  bộ tản nhiệt hoặc cụm từ “tạm thời” có thể sáng lên. Thông thường, tín hiệu cảnh báo người lái xe rằng đã có vấn đề xảy ra với hệ thống nước làm mát của động cơ. Trong trường hợp đó, bạn nên dừng xe và chờ đến khi hệ thống trở lại bình thường.

Nên nhớ, bạn không bao giờ được đổ nước vào một động cơ nóng và cũng không bao giờ tự mở nắp tản nhiệt cho đến khi động cơ đã hoàn toàn trở lại trạng thái mát như trước khi di chuyển. Lý do? Thay vì làm mát động cơ bằng nước việc đốt nóng kim loại với nước lạnh có thể dẫn đến việc nứt kim loại hoặc gây nguy hiểm đến chính bạn thân bạn vì hơi nước nóng. Nếu mở nắp tản nhiệt cũng có những nguy cơ tương tự. Lời khuyên của chúng tôi là hãy tìm một cơ sở sửa chữa hay bảo hành để giải quyết vấn đề. Đừng coi thường những cảnh báo mà theo bạn là chưa đến mức nguy hiểm.

5. Đèn báo của hệ thống phanh (Brake Warning Light)

Thông thường, khi đèn của hệ thống này sáng, xe có thể thiếu dầu phanh trong hệ thống phanh hoặc áp lực phanh không đủ (gẫy tuy-ô phanh, rò rỉ dầu). Sau khi kiểm tra mức dầu phanh, nếu thiếu, bổ sung cho đủ. Sau đó đạp thử bàn phanh, nếu chân phanh cứng và dầu không bị hụt, bạn có thể đi tiếp. Trong trường hợp này bạn cũng có thể Lái xe trên bãi cỏ hoặc sỏi, như những đoạn đường không phằng lì trên đường cao tốc, cũng có thể giúp bạn làm xe chậm lại và nhận biết tình hình tốt hơn.

Trong trường hợp sau khi bổ sung dầu nếu có dấu hiệu rò rỉ dầu phanh ở gầm xe, bánh, mà đạp phanh chân phanh hụt, nhẹ bẫng, cách tốt nhất để khắc phục là gọi xe cứu hộ.

Nếu cả đèn đỏ báo hệ thống phanh (biểu tượng chữ P) và đèn báo ABS đều sáng khi xe đang chạy mà phanh tay đã nhả hết, hãy giảm tốc độ ngay lập tức. Nên nhớ, hãy hạn chế tối đa sử dụng phanh chân trong trường hợp này, giảm tốc bằng cách buông ga và dồn số từ từ cho đến khi xe dừng hẳn. Sau khi lặp lại tuần tự kiểm tra như trường hợp đèn báo hệ thống phanh đỏ (chữ P) mà không phát hiện điều gì bất thường, ngoại trừ mất phanh, điều bạn cần lúc này là một chiếc xe cứu hộ.

Nguồn: USNews

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới