(KTSG) - Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, lạm phát bình quân hai tháng đầu năm 2024 tăng 3,67% so với cùng kỳ năm 2023; đây là mức tăng thấp hơn so với con số 4,6% của cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, nhìn kỹ hơn về thành tố ảnh hưởng tới lạm phát hai tháng đầu năm nay thì thấy có đóng góp lớn từ giá lương thực, khi mặt hàng này đã tăng tới 16,49% so với cùng kỳ năm ngoái. Tình trạng giá lương thực duy trì ở mức cao có thể khiến lạm phát tiếp tục tăng trong thời gian tới.
- Lạm phát lòng tham là bản chất của giới nghiệp chủ toàn cầu?
- CPI tháng 2 tăng 3,98%, lạm phát cơ bản tăng 2,96% so với cùng kỳ
Đà tăng giá lương thực tiếp tục kéo lạm phát trong hai tháng đầu năm 2024
Kết thúc tháng 2-2024, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,67% so với cùng kỳ năm 2023; trong khi đó, lạm phát cơ bản tăng 2,72%. Nhìn lại số liệu hai tháng đầu năm 2023, CPI tăng cao tới 4,6%; trong khi lạm phát cơ bản tăng tới 5,08% - vượt cả lạm phát toàn phần. Như vậy, nhìn chung lạm phát cơ bản đầu năm 2024 đã thấp hơn đáng kể so với đầu năm ngoái và tác động từ yếu tố tiền tệ sang chỉ số CPI cũng hạ nhiệt đáng kể.
Tuy nhiên, mặc dù chỉ số CPI công bố vừa qua có mức tăng thấp hơn cùng kỳ năm ngoái và cũng chịu ảnh hưởng từ yếu tố mùa vụ, do trải qua thời điểm Tết Nguyên đán, song nhìn kỹ vào các thành tố trong rổ CPI, vẫn có đó những mối lo ngại về nguy cơ lạm phát cao trong năm nay. Cụ thể, trong cấu phần CPI, giá mặt hàng lương thực tháng 2-2024 tăng tới 17,36% so với tháng 2-2023 và tiếp tục tăng 3,52% so với tháng 12-2023. Bình quân hai tháng đầu năm 2024 tăng tới 16,49% so với cùng kỳ năm 2023, cũng là mặt hàng có mức tăng đột biến nhất trong rổ CPI.
Giá lương thực trong nước có xu hướng tăng mạnh, suốt từ tháng 8-2023 đến nay. Đến tháng 12-2023, giá lương thực tăng rất cao, tới 14,66% so với tháng 12-2022; tiếp tục tăng 1,75% so với tháng 11-2023 và bình quân 12 tháng năm 2023 thì giá mặt hàng này tăng 6,85% so với cùng kỳ năm trước.
Mức tăng bình quân cả năm 2023 đạt 6,85%; thấp hơn so với mức tăng của tháng 12 (so với cùng kỳ năm trước), do nửa đầu năm 2023, giá lương thực nhìn chung chỉ tăng nhẹ. Giá gạo toàn cầu theo ghi nhận của Reuters (xem biểu đồ) đã tăng kỷ lục tính trong cả năm 2023. Đà tăng giá gạo thế giới cũng ảnh hưởng tiêu cực tới giá gạo trong nước suốt thời gian qua.
Nguyên nhân dẫn tới giá lương thực tăng được nhiều chuyên gia cho rằng do ảnh hưởng từ hiện tượng thời tiết El Nino. Hiện tượng El Nino gây khô hạn ở phần lớn châu Á trong năm 2023, ảnh hưởng tới mùa màng và ảnh hưởng rất tiêu cực tới nguồn cung mặt hàng lương thực, đặc biệt là gạo.
Hiện tượng này được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong nửa đầu năm 2024, gây nguy hiểm cho nguồn cung gạo, lúa mì, dầu cọ và các nông sản khác ở một số thị trường xuất khẩu và nhập khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Sản lượng gạo ở châu Á trong nửa đầu năm 2024 được dự báo sẽ giảm do thời tiết khô hạn ảnh hưởng tới việc gieo trồng và lượng nước ở các hồ chứa bị thu hẹp. Nguồn cung gạo thế giới vốn đã bị thắt chặt trong năm 2023 sau khi hiện tượng El Nino làm giảm sản lượng ở nhiều nơi, khiến Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, hạn chế xuất khẩu.
Sang tới năm 2024, tháng 1 giá lương thực trong nước tiếp tục tăng thêm 1,74% so với tháng 12-2023 và duy trì tốc độ tăng tương tự trong tháng 2 vừa qua. Bình quân hai tháng đầu năm 2024, giá lương thực đã tăng tới 16,49% so với cùng kỳ năm 2023, tiếp tục là nguyên nhân không nhỏ đẩy CPI tháng 2 tăng 3,76%; tăng cao hơn so với mức tăng 3,37% trong tháng 1 trước đó.
Cẩn trọng với lạm phát năm 2024
Như vậy, giá lương thực vẫn đang trong xu hướng tăng mạnh, kể từ nửa cuối quí 3-2023, gây áp lực không nhỏ tới lạm phát. Nhiều khả năng trong 6-7 tháng đầu năm nay, con số phản ánh bình quân giá lương thực năm nay so với bình quân cùng kỳ năm ngoái sẽ tăng khá cao, do nền giá lương thực vẫn tương đối thấp trong nửa đầu năm 2023. Tuy trọng số nhóm lương thực trong rổ CPI chỉ chiếm 3,67%; song với mức tăng giá đột biến này, cộng hưởng từ việc tăng giá các nhóm hàng hóa khác, có thể khiến CPI là chỉ số khó lường trong năm nay.
Việc lạm phát có nguy cơ tăng trong thời gian tới sẽ tạo áp lực lên Ngân hàng Nhà nước trong nỗ lực duy trì một chính sách tiền tệ thiên về nới lỏng để kích thích tăng trưởng, đặc biệt trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn duy trì lãi suất đô la Mỹ ở mức cao và chưa có tín hiệu cắt giảm lãi suất rõ ràng như kỳ vọng trước đó của thị trường. Tình trạng lạm phát cao, kéo dài, nếu xảy ra có thể gây áp lực lên mặt bằng lãi suất huy động của ngân hàng. Dòng tiền có thể rút khỏi hệ thống khi chênh lệch lãi suất tiền gửi và lạm phát ở mức thấp hay nói khác đi, lãi suất tăng lên để phản ánh về lạm phát kỳ vọng.
Nhìn chung, ở thời điểm hiện tại, nền tảng vĩ mô Việt Nam vẫn tương đối ổn định. Lạm phát có xu hướng tăng trong hai tháng đầu năm, song thấp hơn mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm nay ở mức 4-4,5% mà Quốc hội đề ra. Tỷ giá và lãi suất có dấu hiệu tăng, nhưng biểu hiện trong ngắn hạn. Mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế vẫn được duy trì ở mức thấp, thanh khoản trong hệ thống ngân hàng tương đối dồi dào. Vì vậy, nhà điều hành tiền tệ vẫn có thời gian để quan sát và đánh giá mức độ ảnh hưởng của các biến số vĩ mô, đặc biệt là lạm phát và tỷ giá.
Lạm phát cao là điều cần cảnh giác. Đặc biệt là tâm lý lạm phát đẩy. trọng. Không loại trừ các trường hợp té nước theo mưa. Thời thiếu đói trước đây, giá gạo rất nhạy cảm với đời sống người tiêu dùng, khi có biến thì mọi người mọi nhà chạy đua tích trữ. Ngày nay, giá gạo có tăng, nhưng tâm lý tiêu dùng nhìn chung không hoảng hốt. Quan hệ cung cầu thị trường, luôn mang tính chất quyết định. Lạm phát/ lãi suất hiện nay tuy trong vòng kiểm soát. Hàng hóa dịch vụ có vẻ ổn. Nhưng những gì đang xảy ra trên thị trường tiền tệ thì khác. Vàng/ tỷ giá… tăng cao, nhanh, kéo dài, thì cần có phương án cân nhắc và quan sát kỹ lưỡng.