Chủ Nhật, 18/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cần ứng dụng CNTT để quản lý chất thải

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cần ứng dụng CNTT để quản lý chất thải

Hương Thu (TPHCM)

TPHCM còn là nơi tiếp nhận một khối lượng rất lớn chất thải rắn nguy hại từ các tỉnh lân cận đổ về. Ảnh TL.

(TBVTSG) - Theo số liệu của Sở Tài nguyên-Môi trường TP.HCM, hằng ngày cả thành phố thải ra hơn 6.000 tấn chất thải rắn, bao gồm chất thải xây dựng, y tế, công nghiệp, chất thải nguy hại... Ngoài ra, thành phố còn là nơi tiếp nhận một khối lượng rất lớn chất thải rắn nguy hại từ các tỉnh lân cận đổ về.

Để thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý lượng rác khổng lồ như hiện nay, TPHCM đang phải quản lý, kiểm tra, giám sát một hệ thống gồm các chủ nguồn thải (12.000-14.000 cơ sở), hơn 700 xe chuyên chở chất thải rắn sinh hoạt, 120 xe chuyên chở bùn hầm cầu, 150 xe chuyên chở chất thải nguy hại và chất thải rắn y tế...

“Trong điều kiện nhân sự, cơ sở vật chất như hiện nay, thì việc kiểm soát, giám sát chất thải nguy hại cũng như xử lý có hiệu quả đã đặt ra cho nhà quản lý bài toán khó. Vì vậy, việc ứng dụng công nghệ thông tin cho công tác này là vô cùng cần thiết,” ông Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, cho biết.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chất thải đã được thực hiện ở nhiều nước như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc... Từ nhu cầu thực tế cùng sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, cũng đã đến lúc Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng phải tính đến việc áp dụng công nghệ thông tin để bảo đảm việc quản lý và xử lý có hiệu quả các nguồn chất thải.

Khi ứng dụng công nghệ thông tin, hầu hết các khâu từ thu gom đến xử lý chất thải nguy hại đều được hệ thống quản lý theo dõi một cách chặt chẽ, chính xác qua chứng từ điện tử, thẻ điện tử đã được số hóa. Bên cạnh đó, còn có sự hỗ trợ của hệ thống định vị toàn cầu và hệ thống quan trắc từ xa.

Có thể hình dung đơn giản: nếu từ trước đến giờ cơ quan quản lý không nắm được các xe bồn chở bao nhiêu khối bùn thải, trên đường đi xe dừng lại ở đâu, bao nhiêu phút, có đổ trộm hay không thì sau này mọi việc sẽ khác. Mỗi chủ nguồn thải đều được quản lý bằng chứng từ điện tử, các chủ vận chuyển sẽ biết được xe của mình ở đâu, làm gì thông qua thẻ điện tử và hệ thống định vị toàn cầu. Các số liệu này được truyền hết về cơ quan quản lý là Sở Tài nguyên-Môi trường và các cơ quan liên quan qua Internet để lưu lại và xử lý.

Thiết nghĩ, để có thể sớm triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin, Sở Tài nguyên - Môi trường nên kiến nghị Nhà nước hỗ trợ phần lớn kinh phí, còn các doanh nghiệp, cơ sở y tế chỉ phải đóng góp một phần. Có như thế mới có thể khuyến khích các thành phần liên quan tham gia tích cực vào hệ thống quản lý rác thải hiện đại này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới