(KTSG Online) - Trong một số vụ việc liên quan đến sự cố hạ tầng xảy ra gần đây, những lời giải thích đưa ra lại tạo thêm… nhiều câu hỏi hơn. Ngoài việc thắc mắc sau khi nghe giải thích, điều người dân quan tâm là giải pháp nào để những sự cố tương tự không tiếp tục xảy ra.
- Tạm đóng cửa sân bay Vinh vì sự cố nứt đường băng
- Lùi thời hạn hoàn thành đoạn cao tốc Vĩnh Hảo – Dầu Giây đến 2024
Báo Tuổi Trẻ hôm 11-8 dẫn báo cáo của Cục Hàng không cho biết, lý do đường băng ở sân bay Vinh bong tróc hơn 40 m2 khiến sân bay này phải đóng cửa hôm 3-7 là do nắng nóng thường xuyên trên 40 độ C, nhiệt độ mặt đường băng cao nhất trong ngày có thể trên 50 độ C làm giảm sức chịu tải của lớp mặt bê tông nhựa sau 5 năm được trải(1).
Ngoài ra, còn thêm các yếu tố như tần suất chuyến bay cao hơn thiết kế; tại vị trí máy bay quay đầu và cất cánh chịu lực tác động nhiều hơn dẫn đến vị trí này bị hư hỏng.
Tuy nhiên, các lý do được đưa ra giải thích như trên lại khiến người đọc thắc mắc nhiều hơn. Đầu tiên là về chất lượng lớp bê tông nhựa bởi lẽ đây là loại nhựa cao cấp hơn nhiều so với loại dùng để làm đường cao tốc.
Lấy ví dụ như cao tốc TPHCM - Trung Lương, sau gần 10 năm mới được duy tu trải lớp bê tông nhựa mới nhưng cho đến thời điểm duy tu, hoàn toàn không có tình trạng bong tróc mặt đường nguyên mảng lớn như đường bay sân bay Vinh. Trong khi đó, vào mùa nóng cực điểm của miền Nam, nhiệt độ mặt đường này thường xuyên cao hơn mức 50 độ C, cộng thêm vào đó hàng chục ngàn lượt xe tải nặng 50-70 tấn chạy hàng ngày.
Vì vậy, các lý do bong tróc đường băng sân bay Vinh nghe qua khiến người đọc thắc mắc: Sao bê tông nhựa đường băng lại "mỏng mảnh" như vậy?
Nhưng quan trọng hơn, sự cố này chỉ được biết sau khi phi công chuyến bay VN1261 ra tới vị trí cất cánh mới nhìn thấy và thông báo cho sân bay. Lý do đáng quan tâm là tại sao một sự cố mức C (uy hiếp an toàn dẫn đến việc tạm thời đóng cửa sân bay) không được nhân viên sân bay phát hiện thì không thấy nêu trong các báo cáo.
Cách đây vài ngày, người ta phải đập bỏ lớp bê tông bao quanh gốc để giải cứu cho 30 cây xanh gần sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM). Giải thích về việc dùng bê tông phủ cứng gốc cây, đại diện Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TPHCM cho biết đây là bê tông thấm nước nên không ảnh hưởng đến cây(2).
Thế nhưng nhiều cây sau khi đập bỏ bê tông bịt kín gốc đã để lộ phần gốc biến dạng do bị chèn cứng chung quanh suốt nhiều năm. Việc biến dạng như vậy tiềm ẩn nguy hiểm vì cây bị "thắt eo" nhỏ lại có thể dẫn đến gãy đổ bất ngờ.
Ngoài ra, ai cũng biết là cây xanh đâu chỉ cần nước mà bộ rễ cây còn cần hô hấp. Việc đổ bê tông bít kín gốc cây, dù là bê tông thấm nước, thì vẫn khiến rễ cây ngộp thở. Cây chết rễ cũng dẫn đến nguy cơ gãy ngã nguy hiểm.
Và dù lý giải là không ảnh hưởng, đơn vị quản lý cây xanh cũng phải vội vàng đục bỏ lớp bê tông thấm nước này vì rõ ràng việc che phủ hết gốc cây như vậy chỉ có hại cho cây xanh, dù thấm nước hay không.
Một chuyện tương tự về việc càng nghe giải thích càng thắc mắc là vụ một đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây bị ngập hồi cuối tháng 7 vừa qua. Lý do chính được phía thiết kế vận hành cao tốc này đưa ra là do dòng chảy tăng cao từ đập tràn của hồ thuỷ lợi sông Phan ở khu vực này khiến cống của cao tốc thoát nước không kịp.
Thế nhưng, hồ Sông Phan được xây dựng trước cao tốc này rất lâu và số liệu về công suất xả nước cũng có đầy đủ, vì vậy việc giải thích ngập do hồ này xả tràn càng khiến người nghe không thấy thoả đáng.
Mới đây, sau khi khảo sát thực địa, đoàn công tác của Bộ Giao thông Vận tải đề xuất cần xây dựng mô hình tính toán cho toàn bộ khu vực. Căn cứ cao độ mực nước tính toán, trong trường hợp cần thiết, có thể phải nâng cao độ mặt đường cao tốc khu vực ngập(3). Kết luận này cho thấy bản thiết kế hiện nay chưa tính đầy đủ số liệu để chống ngập.
Các sự cố như nói trên xảy ra là điều không ai mong muốn, việc thiếu sót trong thiết kế cũng là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, không nên đưa ra những lý do giải thích mà người dân càng nghe càng thắc mắc hơn như trong các vụ việc nêu trên.
Điều người dân mong muốn là nghe những người có trách nhiệm nêu lý do và thẳng thắn nhìn nhận thiếu sót (nếu có), kèm theo giải pháp thực tế để trong tương lai không xảy ra những sự cố tương tự.
-----------------------
(1) https://tuoitre.vn/nguyen-nhan-nao-gay-bong-troc-duong-bang-san-bay-vinh-20230811093416645.htm
(3) https://thesaigontimes.vn/co-the-phai-nang-mat-duong-khu-vuc-ngap-tren-cao-toc-phan-thiet-dau-giay/
Đường sá mới làm thì xuống cấp. Nhà cửa vừa xây đã nứt nẻ. Nước không có chỗ rút. Cây không có đất để thở… Những gì đang xảy ra là kết quả của một quá trình xuống cấp đáng báo động về mọi mặt chất lượng. Trước hết là chất lượng giáo dục đào tạo. Sảm phẩm của giáo dục đào tạo, trước hết là những con người chuyên tâm và chuyên nghiệp. Người ra người, nghiệp ra nghiệp. Làm gì cũng phải có tâm và đến nơi đến chốn. Kỹ sư, bác sĩ, cử nhân, tri thức, học giả… mỗi năm ra trường hàng ngàn người. Nhưng liệu rằng có bao nhiêu phần trăm trong số đó là đạt chuẩn, để có thể phục vụ và bảo vệ đất nước dân tộc mình. Sao cho ra hồn, cho xứng tầm cùng thiên hạ năm châu bốn bể ? Đó là câu hỏi vô cùng lớn cần phải giải đáp.