Cảng biển Singapore, Hồng Kông mạnh nhờ ứng dụng CNTT
Cảng Singapore dẫn đầu thế giới ề khả năng xếp dỡ hàng nhờ ứng dụng CNTT. |
(TBVTSG) - Trong vài thập kỷ qua, các cảng biển ở Hồng Kông và Singapore đã và đang thống trị trong danh sách những cảng biển container nhộn nhịp nhất thế giới. Cảng biển Hồng Kông nắm giữ vị trí dẫn đầu suốt từ năm 1987 đến 2004, ngoại trừ ba năm 1990, 1991 và 1998 (vị trí số một rơi vào tay đối thủ Singapore).
Đến năm 2005, Singapore lại vượt qua Hồng Kông về số lượng container xếp dỡ và nắm giữ vị trí đầu tiên từ đó cho đến nay. Singapore và Hồng Kông đạt được sự thành công này nhờ vào việc ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và khai thác cảng biển.
Khả năng tàu container xếp dỡ hàng nhanh hay chậm phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ được các công ty quản lý (cảng vụ) và nhà khai thác cảng biển sử dụng. Nhà khai thác cảng biển có nhiệm vụ xử lý công việc xếp dỡ hàng của tàu.
Họ dùng công nghệ để giúp chủ tàu hoạch định toàn bộ tiến trình, làm thế nào để xếp dỡ hàng, vận chuyển hàng đến hay đi khỏi bãi, thậm chí là xếp container như thế nào và làm sao cho tối ưu. Trong khi đó, các cảng vụ dựa vào công nghệ để giám sát sự an toàn của vùng biển và giải quyết giấy tờ để tàu có thể ra vào cảng nhanh chóng và dễ dàng.
Công nghệ sử dụng ở các cảng biển của Hồng Kông và Singapore tương tự nhau như đều ứng dụng hình thức cấp phép điện tử để tàu có thể ra vào cảng nhanh chóng hơn. Điểm khác biệt chính là tốc độ ứng dụng công nghệ mới của Singapore.
Khai báo, đăng ký trực tuyến
Cơ quan cảng biển Singapore (MPA) đã phát triển và đưa vào sử dụng hệ thống Marinet vào tháng 4-1999. Marinet cho phép cộng đồng vận tải biển khai báo trực tuyến cho MPA những nội dung theo quy định như thời gian đến và đi của tàu, hàng hóa có tính chất nguy hiểm...
Quá trình xử lý và xác thực thông tin được tiến hành trên mạng và việc cho phép xác thực được thực hiện ngay trong lần giao dịch đầu tiên. Ngoài ra, Marinet còn hỗ trợ việc xin những giấy phép do MPA cấp trên mạng. Ông Toh Ah Cheong, Giám đốc công nghệ tại MPA, cho biết Marinet hiện có 4.000 người đến từ 1.200 công ty sử dụng.
Cơ quan hàng hải Hồng Kông đã giới thiệu một hệ thống tương tự như Marinet – gọi là hệ thống kinh doanh điện tử (EBS) – vào tháng 12-2003. Trong giai đoạn đầu tiên, đại lý tàu nộp giấy tờ điện tử thông qua một giao diện web, sau đó phải cử người đi đóng phí. Ở giai đoạn hai của EBS bắt đầu từ tháng 4-2008, mọi thứ đều được tiến hành trực tuyến. Ngay cả việc nộp giấy tờ cho Cơ quan nhập cư và Sở Y tế cũng có thể được thực hiện thông qua hệ thống này.
Ông Michael Chau, người đứng đầu bộ phận quản lý công nghệ thông tin (CNTT) của Sở hàng hải Hồng Kông, cho biết : “Toàn bộ tiến trình giờ đây mất chưa đến 10 phút.” Ông cho biết thêm rằng mục tiêu lâu dài của sở là biến EBS thành một cổng cho cộng đồng vận tải biển Hồng Kông.
Một trong những tính năng của EBS là khai báo (điện tử) về hàng hóa có tính chất nguy hiểm. Được giới thiệu vào năm 2006, tính năng này cho phép các công ty vận tải hàng hóa đã nộp bản khai hàng hóa có tính chất nguy hiểm cho Cơ quan hàng hải ở định dạng XML thông qua một giao diện web. Theo ông Chau, đây là lần đầu tiên các hệ thống của doanh nghiệp tư nhân, mà cụ thể là trong ngành công nghiệp vận tải biển, “nói chuyện” trực tiếp với hệ thống của chính quyền.
Hệ thống giờ đã được tự động hóa hoàn toàn, ngay cả phía Cơ quan hàng hải. Hệ thống có thể thực hiện việc phê chuẩn ngay khi hồ sơ được xem xét xong, trong khi trước kia, mọi việc đều phải làm bằng tay và có thể mất đến nửa ngày. Thành công của hệ thống này được thể hiện qua con số 95% bản khai hàng hóa có tính chất nguy hiểm được nộp trực tuyến trong năm 2007.
Giám sát tàu ở cảng
Ngoài việc sử dụng công nghệ để đẩy nhanh dòng thông tin, CNTT còn được dùng để cải thiện việc giám sát tàu ở cảng. Các cảng biển ở Singapore và Hồng Kông hiện đang sử dụng những hệ thống ra-đa và các hệ thống liên lạc tiên tiến khác để giám sát tàu.
Trung tâm Giao thông tàu thuyền (VTC) của Cơ quan hàng hải Hồng Kông đang dùng một hệ thống chín ra-da, giám sát tất cả những khu vận tải chính trong cảng. Được tích hợp hệ thống liên lạc, radio và một hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu, VTC có thể giám sát một cách trọn vẹn tất cả khu vực tàu bè có thể đi lại được ở Hồng Kông. Thành lập năm 1989, VTC được xem là một sự cải tiến lớn so với phương pháp truyền thống, trong đó người ta sử dụng radio và kính thiên văn cầm tay để theo dõi sự di chuyển của tàu.
MPA của Singapore có hai Trung tâm kiểm soát hoạt động cảng (POCC) giám sát giao thông đường biển quanh cảng và tại eo biển Singapore. Cả hai trung tâm này đều sử dụng Hệ thống thông tin giao thông tàu thuyền (VTIS) gồm 11 ra-đa và có thể giám sát đến 5.000 tàu thuyền theo thời gian thực.
Quản lý container
CITOS đã giúp PSA Singapore Terminal tối ưu hóa công việc với lượng container khổng lồ qua cảng. |
Singapore có hai nhà khai thác cảng, trong đó lớn nhất là PSA Singapore Terminals. Hồng Kông có đến năm nhà khai thác cảng và lớn nhất là Hongkong International Terminals (HIT). Cả PSA Singapore Terminals và HIT đều ứng dụng những hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử để giấy tờ được nộp nhanh hơn. Ngoài ra, họ cũng dùng các hệ thống CNTT để hỗ trợ trong việc xếp dỡ, vận chuyển và lưu trữ hàng hóa.
PSA Singapore Terminals có hai hệ thống chính là Portnet và CITOS. Đươc phát triển vào năm 1984, Portnet là một nền tảng điện tử không sử dụng giấy dành cho các hãng vận tải, công ty giao nhận, và các cơ quan chính quyền địa phương (bao gồm cả hải quan), nhằm giúp các cơ quan này “giao tiếp” tốt hơn với nhau và với cảng biển. Đến năm 1999, hệ thống này được chuyển sang Internet và gần đây được thiết kế lại để hỗ trợ thêm cho nhiều công việc mới. Portnet hiện đang phục vụ cho 8.000 người sử dụng và xử lý khoảng 100 triệu giao dịch mỗi năm.
Hoạch định tài nguyên doanh nghiệp
Hệ thống thứ hai của PSA Singapore Terminals, CITOS (Computer Integrated Terminal Operations System, tạm dịch là Hệ thống tích hợp vận hành cảng), được phát triển vào năm 1988. Đây là một hệ thống hoạch định tài nguyên doanh nghiệp có nhiệm vụ điều phối và hợp nhất mọi tài sản, từ cần trục, container cho đến tài xế.
CITOS còn giúp hoạch định việc xếp container. Khi thông tin được nhập vào thông qua Portnet, CITOS sẽ tự động lập kế hoạch xếp hàng và bố trí kho bãi dựa trên những yếu tố như sự ổn định của tàu, trọng lượng container, điểm đến của container... Điều này cho phép PSA Singapore Terminals tối ưu hóa công việc của mình.
Về phía Hồng Kông, năm 1996, HIT cũng đã đưa vào sử dụng một hệ thống tương tự. Hệ thống này quyết định cách thức dẫn đường cho xe tải trong bãi container, số lượng cần trục, xe tải nào được triển khai và lên thời gian biểu cho xe tải chở hàng đi khỏi bãi. Sử dụng hệ thống này, HIT tiết kiệm được khoảng 100 triệu đô-la Mỹ/năm. Đến năm 2005, hệ thống này được thay thế bằng một hệ thống quản lý cảng thế hệ mới gọi là nGen.
MINH HUY (theo CIO Asia)