Thứ tư, 15/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cảng Cái Mép vào top 10 cảng hoạt động hiệu quả nhất thế giới

Đặng Dương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Ngày 4-6 vừa qua, Ngân hàng Thế giới và S&P Global Market Intelligence đã công bố báo cáo về Chỉ số hoạt động cảng container năm 2023 (The Container Port Performance Index 2023). Cảng Cái Mép của Việt Nam lần đầu tiên vào top 10 cảng container hoạt động hiệu quả nhất thế giới, đứng ở vị trí thứ 7, cao thứ 5 ở khu vực châu Á và chỉ xếp sau cảng Tanjung Pelepas xét theo các cảng ở khu vực Đông Nam Á.

Nguồn ảnh từ Cảng TCIT

Báo cáo về Chỉ số hoạt động cảng container (CPPI) là báo cáo thường niên được công bố lần đầu tiên vào năm 2021, với mục đích đưa ra số liệu để đánh giá về hiệu quả hoạt động của các cảng container trên toàn cầu. Từ con số 351 cảng được đánh giá trong ấn bản đầu tiên, đến báo cáo năm nay tổng số cảng đã tăng lên 405 cảng.

Chỉ số CPPI là chỉ số đo lường trên dữ liệu thời gian tàu cập và làm hàng tại các cảng biển, bao gồm thời gian tàu hành trình trên luồng hàng hải vào cảng, thời gian tàu nằm tại bến cảng để xếp dỡ hàng container, năng suất xếp dỡ hàng tại cảng, tổng lượng hàng/chuyến cập cảng cũng như thời gian tàu rời cảng để quay ra luồng và tiếp tục hành trình.

Trong bảng xếp hạng 2022 được công bố vào tháng 6-2023, cảng Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu) đứng ở vị trí thứ 12, là một vị trí khá tốt, đứng trên nhiều bến cảng lớn và hiện đại trên thế giới như Singapore, Busan, Kaohsiung... Nhưng đáng chú ý là đến báo cáo năm nay, cảng Cái Mép còn làm được điều ấn tượng hơn khi đã lần đầu tiên vào được top 10 cảng container hoạt động hiệu quả nhất thế giới, đứng ở vị trí thứ 7, cao thứ 5 ở khu vực châu Á và chỉ xếp sau cảng Tanjung Pelepas xét theo các cảng ở khu vực Đông Nam Á.

Thứ hạng Cảng Quốc gia
1 Yangshan (Thượng Hải) Trung Quốc
2 Salalah Oman
3 Cartagena Colombia
4 Tanger-Med Ma-rốc
5 Tanjung Pelepas Malaysia
6 Chiwan Trung Quốc
7 Cái Mép Việt Nam
8 Guangzhou Trung Quốc
9 Yokohama Nhật Bản
10 Algeciras Tây Ban Nha

Việc cải thiện thứ hạng của cảng Cái Mép một mặt phản ánh những cải tiến về quy trình tiếp nhận tàu, đẩy nhanh tiến độ làm hàng tại các bến cảng trong toàn cụm cảng này, mặt khác cũng phản ánh sự hiệu quả từ việc nạo vét tuyến luồng Cái Mép giúp tàu lớn ra vào an toàn hơn cũng như là chở thêm được nhiều hàng hóa hơn.

Cũng trong thời gian qua, các bến cảng tại Cái Mép đã có những bước chuyển động đáng ghi nhận. Cảng Gemalink đang triển khai giai đoạn II của dự án để tăng thêm công suất tiếp nhận hàng hóa. Cuối tháng 5 vừa qua, hai bến cảng lớn trong khu vực là bến cảng Tân Cảng Cái Mép-Thị Vải (TCTT) và bến cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) tổ chức lễ mở cổng kết nối hai cảng, tạo ra liên minh bến cảng đầu tiên tại Cái Mép, một xu thế khó tránh khỏi trong bối cảnh các hãng tàu đã đẩy mạnh và duy trì hình thức liên minh hãng tàu trong hơn một thập niên trở lại đây. Còn bến cảng tổng hợp và container Cái Mép Hạ dù chưa thành hình nhưng cũng đã có liên danh nhà đầu tư SCIC – Geleximco – ITC đề xuất sớm triển khai dự án.

Những chuyển biến này được kỳ vọng sẽ giúp cho cảng Cái Mép tiếp tục duy trì vị thế là cảng hoạt động hiệu quả hàng đầu thế giới cũng như là tiếp tục thăng hạng trong bảng xếp hạng cảng container lớn nhất thế giới (đứng thứ 30 vào năm 2023).

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới