(KTSG Online) – Cảng Chân Mây tại khu vực Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ được đầu tư mở rộng, thêm các cầu cảng để có thể tiếp nhận đồng thời các loại tàu hàng, tàu container, tàu khách cỡ lớn và hiện đại trên thế giới, cho hầu hết thời gian trong năm (kể cả mùa mưa).
- Huế bàn cách phân loại rác tại nguồn hiệu quả
- Phát triển chiến lược logistics "liên vùng, liên vận" tại miền Trung
Thông tin này được Công ty cổ phần cảng Chân Mây đưa ra tại Lễ khởi công Dự án “Đê chắn sóng cảng Chân Mây – giai đoạn 2” tại khu bến Chân Mây thuộc cảng biển Thừa Thiên Huế sáng nay, 8-10.
Theo thông tin tại buổi lễ do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, cảng Chân Mây có vai trò, vị trí cực kỳ quan trọng, là cảng biển tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực và là cảng nước sâu, điểm cuối tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây; hội đủ các điều kiện, có khả năng tiếp nhận đồng thời các loại tàu cỡ lớn và hiện đại của thế giới; phục vụ chuyển tiếp hàng quá cảnh của Lào, Đông Bắc Thái Lan, có vai trò điều phối hàng hóa trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Bên cạnh đó, cảng Chân Mây là cảng biển du lịch, được Hiệp hội Du thuyền Quốc tế khu vực châu Á lựa chọn là một trong 46 cảng dừng chân ở khu vực Đông Nam Á và nằm giữa tuyến hàng hải kết nối Singapore và Hongkong (Trung Quốc).
Vì vậy, với tiềm năng, lợi thế, hạ tầng sẵn có và sau khi hoàn thành giai đoạn 2 dự án đê chắn sóng với chiều dài 750m và các cầu cảng tiếp theo với chiều dài đến 1.450m, cảng Chân Mây sẽ đảm bảo các điều kiện và khả năng tiếp nhận đồng thời các loại tàu hàng, tàu container, tàu khách cỡ lớn và hiện đại trên thế giới, cho hầu hết thời gian trong năm (kể cả mùa mưa).
Được biết, cảng Chân Mây hiện đang khai thác 2 bến với tổng chiều dài 760m, đảm bảo an toàn với độ sâu từ -9,4m đến -12,5m. Bến số 1 với 480m và bến số 2 với 280m.
Hàng năm, cảng Chân Mây xếp dỡ khoảng 3,5 triệu tấn hàng rời như than/xi măng clinker dăm gỗ/cát/bột sắn...
Cảng có khả năng tiếp nhận tàu hàng 50.000 DWT (Deadweight tonnage – đơn vị đo năng lực vận tải an toàn của tàu tính bằng tấn), tàu container 35.000 DWT ~ 2.600 TEU (Twenty-foot equivalent - đơn vị tương đương container 20 feet) và tàu khách đến 362 m và 225,282 GRT (Gros Register Tonnage - Dung tích đăng ký toàn phần). Cảng Chân Mây có thể đáp ứng đủ các điều kiện, khả năng làm hàng container và trở thành bến cho tàu du lịch lớn nhất và mới nhất thế giới.
Theo kế hoạch, năm 2022, Cảng Chân Mây sẽ đạt tổng sản lượng hàng rời 3.868.000 tấn, sản lượng hàng container đạt 20.000 TEU; doanh thu từ sản xuất kinh doanh 225 tỉ đồng.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ, cảng biển Thừa Thiên - Huế được xác định là cảng biển tổng hợp quốc gia, cảng đầu mối khu vực (loại I); trong đó khu bến Chân Mây (nằm trên địa bàn Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô) gồm các bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/khí, kết hợp tiếp nhận tàu khách quốc tế phục vụ trực tiếp Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và khu vực lân cận, kết hợp tiếp chuyển hàng cho Lào, Đông Bắc Thái Lan; có khả năng tiếp nhận tàu hàng trọng tải đến 70.000 tấn, tàu container sức chở đến 4.000 TEU hoặc lớn hơn, tàu khách quốc tế đến 225.000 GT, tàu hàng lỏng/khí trọng tải đến 150.000 tấn hoặc lớn hơn.