(KTSG Online) - UBND thành phố Đà Nẵng vừa có công văn yêu cầu dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu phải được khởi công vào cuối năm nay.
- Đầu tư cảng Liên Chiểu: Những thách thức trước mắt về kết nối hạ tầng
- Tập đoàn của tỉ phú Ấn Độ Adani muốn đầu tư xây cảng Liên Chiểu
Cụ thể, Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên phải khởi công, chủ đầu tư kiêm quản lý dự án, phải rà soát, xây dựng hồ sơ chặt chẽ, đảm bảo quy định của pháp luật để đấu thầu, khởi công dự án cuối năm nay.
Trước đó, UBND thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu với tổng mức đầu tư cho phần cơ sở hạ tầng dùng chung là hơn 3.400 tỉ đồng, từ ngân sách trung ương và ngân sách thành phố.
Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 bố trí gần 3.000 tỉ đồng; phần còn lại sử dụng ngân sách địa phương của thành phố Đà Nẵng. Trong đó, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 bố trí 515 tỉ đồng và vốn ngân sách trung ương năm 2021 kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đến hết ngày 31-12-2022 là 200 tỉ đồng.
Theo tiến sĩ Võ Duy Nghi, chuyên gia về vận tải và logistics, về phương thức lựa chọn nhà thầu, để đẩy nhanh tiến độ dự án, thành phố nên chọn hình thức đấu thầu hạn chế nhằm rút ngắn trình tự, thủ tục, đưa vào danh sách những nhà thầu thực sự có năng lực. Phương thức này sẽ rút ngắn thời gian xét thầu hơn so với phương thức đấu thầu rộng rãi mà vẫn bảo đảm tính cạnh tranh, minh bạch.
Song song với việc chọn nhà thầu xây dựng cơ sở hạ tầng cảng, cần tổ chức lựa chọn các nhà đầu tư xây dựng bến cảng. Đà Nẵng cần giao cho nhiều nhà đầu tư cùng tham gia, tránh giao hết cho một nhà đầu tư sẽ dẫn đến tình trạng độc quyền về cảng biển, gây khó khăn cho hoạt động vận tải, xuất nhập khẩu về sau, ông Nghi nói.
Theo thông tin từ Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng, hiện nay có khá nhiều nhà đầu tư quan tâm đến cảng Liên Chiểu như Adani (Ấn Độ), Sumitomo (Nhật Bản) hay BRG (Việt Nam).
Chính quyền Đà Nẵng cũng đã hợp tác với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để thực hiện dự án khảo sát thu thập số liệu và phát triển cảng Liên Chiểu. Đây là cơ sở để thành phố Đà Nẵng tiến hành các bước đầu tư phần cơ sở hạ tầng dùng chung, lập báo cáo nghiên cứu khả thi và kêu gọi đầu tư bến cảng và dịch vụ hậu cần trong thời gian tới.
Theo báo cáo của JICA, sau khi cảng Liên Chiểu được đầu tư xong hạ tầng dùng chung và báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt (được thực hiện trong giai đoạn 2021-2025), cảng Liên Chiểu sẽ được phát triển và khai thác hai bến đầu tiên từ cuối năm 2026 hoặc 2027.
Sau đó, cảng Liên Chiểu sẽ có 4 bến vào năm 2031, 5 bến vào năm 2035 và 6 bến vào năm 2038. Song song đó, chức năng cảng hàng hóa từ cảng Tiên Sa dời đến cảng Liên Chiểu sẽ được thực hiện từ năm 2031 hoặc 2041 tùy theo tiến độ các hạng mục dự án, để “dọn đường” cho cảng Tiên Sa trở thành cảng chuyên đón tàu du lịch.
Tháng 3-2021, Chính phủ đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu, phần cơ sở hạ tầng dùng chung. Theo đó, dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng - phần cơ sở hạ tầng dùng chung thuộc dự án nhóm A. Dự án gồm các hạng mục chính như kè chắn sóng, đê chắn sóng, luồng tàu, hạ tầng kỹ thuật kết nối có khả năng đáp ứng cho các tàu tổng hợp, hàng rời trước mắt trọng tải đến 100.000 tấn, tàu container có sức chở từ 6.000 đến 8.000 TEU (đơn vị quy đổi tương đương 1 container 20 feet).