Thứ tư, 21/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Càng nghèo, chi phí y tế càng là gánh nặng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Càng nghèo, chi phí y tế càng là gánh nặng

Trần Hữu Quang (*)

Ở TPHCM, chi phí chữa bệnh ở hộ nghèo chiếm nhiều ngân sách gia đình so với những hộ giàu. Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG) - Tỷ lệ người nghèo bị bệnh không cao hơn người giàu, nhưng tỷ lệ hộ có người bệnh nặng ở nhóm nghèo lại cao hơn nhóm giàu, và đáng lưu ý hơn, chi phí chữa bệnh ở hộ nghèo cũng chiếm tỷ trọng trong ngân sách gia đình nặng nề hơn so với hộ giàu.

>> An sinh xã hội đối với nông thôn, miền núi: Không thể chậm trễ hơn

Dưới đây là một số kết quả của cuộc điều tra về hệ thống phúc lợi xã hội ở TPHCM vào cuối năm 2008 của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM.

Bài này sẽ trình bày một vài số liệu liên quan tới mức độ ốm đau, tình hình điều trị và chi phí điều trị của cư dân TPHCM, trích từ kết quả cuộc điều tra của chúng tôi về phúc lợi xã hội ở 1.000 hộ gia đình (4.471 nhân khẩu) tại TPHCM vào tháng 9-2008.

Mức độ ốm đau

Kết quả điều tra cho biết, trong vòng ba tháng (trước thời điểm điều tra), có đến hơn bốn phần năm số hộ gia đình (828 hộ, chiếm 83% tổng số hộ trong mẫu điều tra) có người bị bệnh nhẹ trong vòng ba tháng qua, với tổng cộng 1.681 người mắc bệnh nhẹ (chiếm 38% tổng số nhân khẩu), bao gồm: cảm cúm, nhức đầu, sổ mũi, ho, viêm họng, đau bụng, rối loạn tiêu hóa...

Trong số những gia đình có người bị bệnh nhẹ, 20% chủ hộ trả lời rằng thường chữa trị bằng cách đưa đến bệnh viện công, 1% đến bệnh viện tư, 17% đến bác sĩ tư, 84% tự đi mua thuốc chữa ở nhà, và 2% chữa trị bằng cách khác.

Về số người bị bệnh nặng, có tổng cộng 411 hộ (chiếm 41% mẫu điều tra) cho biết có người bị bệnh nặng, hoặc tai nạn, hoặc bị bệnh mãn tính, trong vòng 12 tháng qua (trước thời điểm điều tra), với tổng cộng 505 bệnh nhân (chiếm 11% nhân khẩu trong mẫu điều tra).

Có 33% hộ có một người bị bệnh nặng, 6% hộ có hai người, và hơn 1% hộ có từ ba đến bốn người bị bệnh nặng. Trong số này, có 10 người đã qua đời (chiếm 0,2% tổng số nhân khẩu điều tra), có 33 người bị tai nạn (0,7% nhân khẩu) (tai nạn giao thông, té ngã, gãy tay, gãy chân...), còn lại là mắc các loại bệnh như: viêm phổi, viêm phế quản, viêm gan, viêm dạ dày, xuất huyết dạ dày, ung thư, bệnh tim mạch, cao huyết áp, tai biến mạch máu não, bệnh tiểu đường, sỏi thận, gai cột sống, viêm ruột dư, viêm xoang, sốt xuất huyết, sốt siêu vi...

Trong số những gia đình có người bị bệnh nặng, 81% chủ hộ cho biết đã đưa bệnh nhân đến bệnh viện công, 10% đến bệnh viện tư, 20% đến phòng mạch bác sĩ tư, 0,7% đến cơ sở y tế từ thiện, 2% điều trị cách khác, nhưng cũng đáng chú ý là có đến 41% tự đi mua thuốc chữa ở nhà.

Tình hình điều trị

Không phải ai bị bệnh cũng đều đi khám bệnh và trị bệnh, nhất là những người bị bệnh nhẹ. Tổng cộng những người phải đi điều trị trong vòng 12 tháng, kể cả bệnh nặng và bệnh nhẹ, chiếm 19% nhân khẩu trong mẫu điều tra.

Độ tuổi càng lớn thì tỷ lệ có bệnh phải đi điều trị cũng gia tăng theo, nhất là từ 40 tuổi trở lên: trong khi tỷ lệ này chỉ trên dưới 5% nơi những nhóm tuổi dưới 40, thì nơi nhóm 41-50 tuổi là 12%, nhóm 51-60 tuổi là 18%, còn nơi nhóm trên 60 tuổi lên tới 31%.

Phần lớn các bệnh nhân này đều tới các cơ sở y tế công lập: 71% đến bệnh viện công hoặc trung tâm y tế công, 19% đến bệnh viện tư, 16% đến phòng mạch bác sĩ tư, 1% đến cơ sở y tế từ thiện, và 2% đến nơi khác. Riêng bệnh nhân ở nội thành có tỷ lệ đến phòng mạch bác sĩ tư tương đối đông hơn so với vùng ven và ngoại thành (24%, so với 10% và 12%).

Hệ thống bệnh viện tư ở TPHCM hiện nay (tuy chưa phải nhiều, tính đến tháng 9-2008 tổng cộng mới có 30 bệnh viện tư) cộng với hệ thống phòng mạch bác sĩ tư đã đảm nhận việc điều trị một phần khá lớn bệnh nhân: hệ thống tư nhân này đã chữa trị cho khoảng trên 20% số người bị bệnh nặng, và khoảng 45% số người bị bệnh nhẹ cần đi điều trị trong mẫu điều tra.

Giữa các nhóm hộ phân theo mức thu nhập (dựa trên phương pháp ngũ phân), không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ nhân khẩu bị bệnh nặng: nhóm 1 (nghèo nhất) có 13% nhân khẩu bị bệnh nặng, nhóm 2 có 11%, nhóm 3 có 12%, nhóm 4 có 13%, và nhóm 5 (giàu nhất) có 12%.

Tuy nhiên, nếu xét về số hộ có người bị bệnh nặng, thì nhóm nghèo có tỷ lệ cao hơn: trong khi nhóm giàu nhất có 36% hộ có người bị bệnh nặng, thì tỷ lệ này nơi nhóm hộ nghèo nhất là 47% (lưu ý: số nhân khẩu bình quân mỗi hộ nơi nhóm nghèo cao hơn nhóm khá giả: 5,18 người/hộ so với 3,84).

Chi phí chữa bệnhKết quả điều tra cho biết bình quân một người đi điều trị phải chi phí 2,89 triệu đồng/người/năm (chỉ tính số tiền mà bệnh nhân phải trả, không tính khoản tiền mà cơ quan bảo hiểm y tế thanh toán cho những người có thẻ bảo hiểm y tế). Riêng bệnh nhân ở khu vực nội thành là 3,07 triệu, vùng ven 3,54 triệu, và ngoại thành 1,52 triệu đồng/người.

Phân tổ theo giới tính, nam bệnh nhân chi bình quân 3,05 triệu đồng/người/năm, còn nữ bệnh nhân thì chi 2,25 triệu. Phân tổ theo tuổi tác, chi phí bình quân một người đi điều trị có xu hướng gia tăng theo độ tuổi, cụ thể như sau: 0-5 tuổi 0,57 triệu đồng/người/năm, 6-10 tuổi 0,35 triệu, 11-17 tuổi 0,62 triệu, 18-30 tuổi 2,29 triệu, 31-40 tuổi 3,90 triệu, 41-50 tuổi 4,09 triệu, 51-60 tuổi 2,28 triệu, và 61 tuổi trở lên là 3,38 triệu.

Còn nếu phân tổ theo nghề nghiệp và công việc đang làm, chúng ta thấy mức chi phí điều trị khá chênh lệch nhau giữa các nhóm (xếp từ thấp đến cao): học sinh, sinh viên 0,64 triệu đồng/người/năm, nông dân 0,96 triệu, nội trợ 1,64 triệu, công nhân 1,82 triệu, buôn bán nhỏ 2,07 triệu, chủ doanh nghiệp tư nhân 2,53 triệu, nhân viên 3,34 triệu, lao động tiểu thủ công nghiệp và lao động tự do 3,77 triệu, thất nghiệp 3,89 triệu, hưu trí 4,56 triệu, lao động trí óc 5,15 triệu.

Cũng tương tự như xu hướng thông thường ở các nước khác, khi mức sống ngày càng cao, người dân càng quan tâm và chi phí nhiều hơn cho việc chăm sóc sức khỏe. Số liệu những năm qua ở TPHCM cũng cho thấy rõ điều này: năm 1990, tỷ lệ chi phí cho y tế chiếm 3,4% trong tổng chi tiêu cho đời sống bình quân người một tháng, năm 1995 con số này tăng lên 4,2%, năm 2000 là 5,0%, năm 2002 là 6,5%, năm 2004 tăng lên 7,0% và năm 2006 là 5,6%(1), trong khi tỷ lệ chi cho ăn uống ngày càng giảm.

Sở dĩ tỷ lệ này gia tăng một mặt là do mức thu nhập của dân cư có khá lên, nhưng mặt khác còn do tốc độ trang bị kỹ thuật mới của hệ thống y tế ở TPHCM nên chi phí cũng tăng lên một cách tương ứng.

Gánh nặng đối với người nghèoMức chi phí bình quân cho một người phải đi điều trị nơi nhóm hộ nghèo nhất trong vòng 12 tháng (trước thời điểm điều tra) là 2,01 triệu đồng, còn nơi nhóm hộ giàu nhất là 4,04 triệu. Nếu tính riêng số bệnh nhân điều trị nội trú (tức phải nằm bệnh viện), thì mức chi phí bình quân là 6,52 triệu/người/năm, trong đó bệnh nhân thuộc nhóm hộ nghèo nhất là 4,71 triệu, còn nơi nhóm giàu nhất là 9,18 triệu.

Do khả năng tài chính eo hẹp, chi phí chạy chữa bệnh tật nơi những gia đình nghèo tất nhiên thấp hơn so với những gia đình khá giả. Điều này mặc nhiên có nghĩa là bệnh nhân nghèo sử dụng các dịch vụ điều trị và chăm sóc trong bệnh viện ít hơn, mua thuốc men ít hơn, với giá rẻ hơn… và hậu quả khó tránh khỏi là kết quả điều trị nói chung cũng thấp hơn so với bệnh nhân gia đình khá giả.

Theo kết quả khảo sát vào tháng 9-2008, tiền chi cho y tế và chăm sóc sức khỏe cho mỗi nhân khẩu đạt bình quân hơn 63.000 đồng/tháng, chiếm 5,8% trong tổng chi tiêu cho đời sống của một người mỗi tháng. Phân tổ theo năm nhóm hộ dựa trên mức thu nhập, chúng ta thấy hộ gia đình càng nghèo càng có xu hướng chi phí y tế với tỷ lệ cao hơn: từ mức 3,9% nơi nhóm 5 (khá giả nhất), tăng lên tới 8,6% nơi nhóm 1 (nghèo nhất).

Điều này có nghĩa là càng nghèo thì chi phí y tế càng là gánh nặng đối với ngân sách gia đình, mặc dù số tiền chi cho y tế của hộ nghèo vẫn thấp hơn so với nhóm hộ khá giả (xem bảng).

Xu hướng nặng gánh chạy chữa bệnh tật đối với người nghèo cũng đã từng được ghi nhận qua một cuộc điều tra tại TPHCM vào năm 1998 của Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ: trong khi tỷ lệ chi cho y tế bình quân nhân khẩu (tính trên mức thu nhập bình quân nhân khẩu) nơi nhóm hộ 5 (khá giả nhất) là 1,47%, nhóm 4 là 2,13%, thì nơi nhóm 2 lên tới 5,06% và nhóm 1 (nghèo nhất) là 5,84% (2).

Điều này cũng tương tự như tình hình cả nước qua số liệu điều tra năm 2001-2002 của Bộ Y tế và Tổng cục Thống kê: trong khi nhóm gia đình giàu chỉ chi 11% và nhóm khá chi 17% cho y tế (trong tổng chi tiêu ngoài lương thực và thực phẩm), thì nơi những nhóm gia đình nghèo và cận nghèo, tỷ lệ này lên tới 23-24 (3).

Nếu so sánh chi phí y tế năm 2002 với năm 1993 và 1998, thì mức tăng nơi nhóm gia đình nghèo cao hơn hẳn so với mức tăng nơi nhóm gia đình khá giả. Bản phúc trình của Bộ Y tế và Tổng cục Thống kê nhận định: “Nhóm nghèo và cận nghèo có mức tăng chi cho y tế cao nhất (2,2 lần so với năm 1993 và 1,9 lần so với 1998). Điều này phản ánh thực tế là gánh nặng chi phí y tế ở người nghèo vốn đã “nặng” nay càng “nặng hơn””.(4)

So sánh mức chi phí điều trị của một bệnh nhân nội trú với mức thu nhập bình quân đầu người một năm, số liệu cuộc điều tra của chúng tôi vào tháng 9-2008 cho biết: nơi nhóm 5 (giàu nhất), tỷ lệ này là 28%, nơi nhóm 4 là 40%, nhưng nơi nhóm 1 (nghèo nhất) thì số tiền điều trị lên tới 83%, tức chiếm gần hết số thu nhập bình quân đầu người cả năm - đây quả là điều hết sức nặng nề đối với những gia đình nghèo!

Số liệu cả nước vào năm 2004 cho thấy tình hình cũng tương tự, nhưng mức độ chi phí có nhẹ hơn phần nào: nơi nhóm 5 (giàu nhất), tỷ lệ này là 25%, còn nơi nhóm 1 (nghèo nhất) là 40%(5).

Ai cũng biết mức thu nhập bình quân đầu người ở TPHCM cao hơn các địa phương khác, nhưng điều này không có nghĩa là mọi cư dân ở đây đều có mức sống cao hơn các nơi khác! Một thực tế cần thấy rõ là giá cả sinh hoạt ở thành phố này đắt đỏ hơn các nơi khác, các loại chi phí phải trả trong bệnh viện ở đây cũng cao hơn.

Chính vì thế mà những tầng lớp trung bình và nghèo ở thành phố này phải gánh chịu những tỷ trọng chi phí dành cho việc chạy chữa bệnh tật trong ngân sách gia đình nặng nề hơn so với những tầng lớp khá giả ở thành phố này, cũng như so với các tầng lớp trung bình và nghèo ở các địa phương khác.

Khi được hỏi rằng “gia đình ông/bà có đủ điều kiện kinh tế để chăm sóc sức khỏe cho mọi thành viên của gia đình hay không”, 47% hộ nhóm 1 (nghèo nhất) trả lời là khó khăn và rất khó khăn, tỷ lệ này nơi nhóm 5 (giàu nhất) chỉ có 4%. Riêng những hộ có người bị bệnh nặng hoặc tai nạn phải nằm bệnh viện, kết quả điều tra cho biết hộ càng nghèo càng có tỷ lệ phải đi vay mượn cao, lên tới 51% nơi nhóm hộ nghèo nhất.

Trái ngược với điều mà nhiều người có thể lầm tưởng, ở một nơi như TPHCM, chi phí y tế quả thực là một gánh rất nặng đối với người nghèo, nặng hơn nhiều so với các địa phương khác. Và mặt khác, tầng lớp nghèo cũng chịu nhiều thiệt thòi vì không được hưởng chế độ bảo hiểm y tế nhiều bằng những tầng lớp có thu nhập cao.

Mặc dù nhiều năm nay thành phố đã có những chính sách trợ giúp cho người nghèo (cấp hoặc trợ giá mua thẻ bảo hiểm y tế) cũng như một số tổ chức từ thiện cứu trợ bệnh nhân nghèo, nhưng điều này vẫn không làm thay đổi bao nhiêu một hiện thực bất bình đẳng xã hội và phân hóa xã hội nơi cộng đồng cư dân, phản ánh qua kết quả phân tích mức độ thụ hưởng phúc lợi y tế dựa trên cách tiếp cận cơ cấu xã hội.

 

Mức chi cho y tế và chăm sóc sức khỏe tính trong tổng chi tiêu

cho đời sống bình quân một người một tháng, phân theo năm nhóm hộ

dựa trên mức thu nhập, TPHCM 2008

Năm nhóm

thu nhập

(ngũ phân)

Tổng chi tiêu cho đời sống một người /tháng (đồng)

Trong đó: Chi cho y tế, chăm sóc sức khỏe (đồng)

Tỷ lệ chi cho y tế, chăm sóc sức khỏe tính trên tổng chi tiêu (%)

Nhóm 1

594.513

51.031

8,58

Nhóm 2

795.265

38.180

4,80

Nhóm 3

972.695

71.836

7,39

Nhóm 4

1.259.611

83.678

6,64

Nhóm 5

1.841.012

72.723

3,95

Tổng cộng

1.087.194

63.387

5,83

Nguồn: Cuộc điều tra các hộ gia đình ở TPHCM vào tháng 9-2008

 

Mẫu điều tra

Cuộc điều tra về tình hình thụ hưởng phúc lợi xã hội của các hộ gia đình dân cư được tiến hành vào tháng 9-2008 tại 11 quận và huyện đại diện cho các địa bàn khác nhau của TPHCM. Phương pháp chọn mẫu được thực hiện bằng cách kết hợp giữa cách chọn mẫu điển hình (ở cấp quận huyện và cấp phường xã) với cách chọn mẫu ngẫu nhiên (ở cấp tổ dân phố).

Tổng cộng mẫu điều tra là 1.000 hộ gia đình với 4.471 nhân khẩu, thuộc 122 tổ dân phố trong tổng cộng 22 phường và xã thuộc 11 quận và huyện. Trong đó, có 400 hộ ở nội thành (40% mẫu điều tra), 400 hộ ở vùng ven (40%), và 200 hộ ở ngoại thành (20%). Cơ cấu phân bố mẫu này tương đối khớp với cơ cấu phân bố dân cư theo số liệu điều tra năm 2004 của Cục Thống kê TPHCM.

Cuộc điều tra này nằm trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu về “Hệ thống phúc lợi ở TPHCM với mục tiêu tiến bộ và công bằng xã hội” của Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM (nay là Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM) do ông Trần Hữu Quang làm chủ nhiệm đề tài.

_____________________________________________

(*) Viện Phát triển Bền vững vùng Nam bộ.

Chú thích:

(1) Theo số liệu các cuộc điều tra đời sống dân cư của Cục Thống kê TPHCM.

(2) Xem Phạm Thanh Duy, Phan Thanh Lời, “Khảo sát về chi tiêu cho y tế và sử dụng bảo hiểm y tế trong việc khám chữa bệnh của người dân TPHCM”, trong Nguyễn Thế Nghĩa, Mạc Đường, Nguyễn Quang Vinh (đồng chủ biên), Đô thị hóa và vấn đề giảm nghèo ở TPHCM. Lý luận và thực tiễn, Nxb Khoa học xã hội, 2005, tr. 848.

(3) Xem Kết quả cuộc điều tra y tế quốc gia năm 2001-2002 của Bộ Y tế và Tổng cục Thống kê.

(4) Như trên (chúng tôi nhấn mạnh, THQ).

(5) Bộ Y tế, “Các giải pháp tài chính y tế cho người nghèo”, Hà Nội, 2005, dẫn lại theo Jonathan D. London, “Reasserting the State in Viet Nam: Health Care and the Logics of Market-Leninism”, Policy and Society, No. 27 (2008), tr. 120.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới