(KTSG Online) – Dịch vụ cung cấp đồ ăn thức uống trên các ứng dụng đặt hàng trực tuyến (Food App) đang trở nên phổ biến với người mua và nhà bán hàng. Trước sức ép cạnh tranh ngày càng khốc liệt về số lượng nền tảng và chương trình khuyến mãi, các nhà kinh doanh trên Food App nỗ lực chuyển đổi để cân bằng bài toán chi phí vận hành và doanh thu để có thể bám trụ và khai thác tiềm năng thị trường.
- Dự án GrabConnect hỗ trợ tiêu thụ gần 700 tấn trái cây trong năm 2023
- Đông Nam Á chi 16,3 tỉ đô la Mỹ cho các nền tảng giao đồ ăn
Cơ hội cho mọi nhà bán hàng
Qua khảo sát từ DigiFnB, Việt Nam có khoảng 200.000 cửa hàng kinh doanh ở các nền tảng food app hiện có và có khoảng 30% cửa hàng không phát sinh đơn và 35% đơn vị có doanh thu không tốt trên food app. Sự gia nhập và rời đi liên tục của các doanh nghiệp cho thấy được sự sôi động cũng như cạnh tranh từ các bên khi xác định bán hàng trên các nền tảng gọi đồ ăn trực tuyến.
Chia sẻ từ CEO, người đồng sáng lập của Chay Express – một mô hình tiện lợi chuyên bán món chay, anh Trần Hồng Phúc, cho biết đơn vị đã kết hợp và trở thành đối tác bán hàng của các food app từ những ngày đầu và tập trung đầu tư, xây dựng thương hiệu phù hợp ở kênh online này.
Cụ thể, đội ngũ phải xác định mô hình kinh doanh đảm bảo tính tiện lợi, sản phẩm có cơ cấu, thiết kế gọn gàng, đã đóng gói được quy trình làm món, hình ảnh truyền thông cho sản phẩm trên ứng dụng phải có sự đồng nhất, “gu riêng” và đặc biệt có bộ phận chăm sóc khách hàng cho kênh bán hàng này.
Vừa đi vào hoạt động vào đầu năm nay, Chay Express nhìn nhận kinh doanh trên food app có những thuận lợi và khó khăn riêng vì đây được xem là đại lý bán hàng dựa trên thuật toán. Hiện tại, doanh thu từ food app chiếm tỉ lệ ngang với bán trực tiếp tại quầy. Vào những ngày cao điểm hàng tháng như ngày rằm, ngày ăn chay, theo mùa lễ Phật, ba cửa hàng bán dao động 300 đơn hàng online/ngày qua các ứng dụng này.
Nhà sáng lập chia sẻ khách hàng ngày càng hướng đến tiêu dùng nhanh và mong muốn tiết kiệm thời gian bởi những tiện ích thông minh. Đặt món qua mạng, nhận giao trực tiếp với giá thành, khuyến mãi liên tục là một trong nhiều ưu tiên lựa chọn của họ. “Rõ ràng khách hàng của chúng tôi đang ở trên đó, việc kết hợp cùng kinh doanh trên food app là cơ hội không thể bỏ qua. Đặc biệt với một doanh nghiệp còn mới, chúng tôi cần phải bắt tay cùng các bên có sẵn hệ sinh thái để tiếp cận đến người mới, rồi mới có người cũ, khách hàng trung thành”, anh Phúc nhận định.
Đặc biệt, khi mức chi tiêu bị thắt chặt, các chương trình ưu đãi, khuyến mãi hoàn toàn có lợi cho khách hàng nên việc sử dụng ứng dụng đặt đồ ăn, thức uống trở nên quen thuộc hơn, anh nói thêm.
Ghi nhận tại cửa hàng trà sữa ở TP Thủ Đức, anh Đồng Văn chia sẻ quán tham gia bán hàng trên ứng dụng từ đầu năm 2022 và cũng trở thành kênh bán hàng cho quán nguồn doanh thu ổn định chiếm khoảng 20-30% tổng thu, đặc biệt vào những ngày trời mưa hay giờ cao điểm không đủ chỗ phục vụ tại quán.
Đây đồng thời cũng là nơi giúp quảng cáo, tiếp thị thương hiệu đến với khách hàng mua online, từ đó nảy sinh nhu cầu tiêu thụ trực tiếp sản phẩm. Chia sẻ với KTSG Online, thời gian đầu tham gia vào thị trường mới, anh tốn khá nhiều thời gian để làm quen khách cũng như hiểu hành vi tiêu dùng của họ. Từ đó, anh đưa ra bài toán cân chỉnh giá cả sản phẩm để phù hợp bán trên mạng, với mức chiết khấu kèm nhiều chương trình ưu đãi nhà bán hàng phải trả trên từng đơn.
Thích nghi để khai thác thị trường tiềm năng
Theo dự báo của Statista, thị trường thực phẩm của Việt Nam trong năm 2023 sẽ đạt mức 96,47 tỉ đô la Mỹ, tăng 9% so với năm 2022 và tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm trong giai đoạn từ 2023 – 2027 đạt khoảng 8,22%/năm. Theo số liệu tháng 3-2023 của Statista, doanh thu thị trường đồ uống của Việt Nam trong năm 2023 sẽ đạt mức 27,12 tỉ đô la Mỹ.
Anh Trần Quang Sang, chuyên gia trong lĩnh vực food app, cho biết số lượng nhà bán hàng gia tăng trên các ứng dụng này khoảng 3-5%/tháng. Sản phẩn bán tốt trên ứng dụng thường là các món phục vụ cho buổi ăn chính của người Việt Nam như cơm, mì và khung giờ xế với đóng góp chính từ trà sữa. Những món này có mức giá dao động khoảng 30-60.000 nghìn đồng cho từng sản phẩm. Khách hàng thường đặt cùng nhau nên giá trị trung bình đơn sẽ cao.
“Thông thường tổng phần trăm mức chiết khấu 20-25% và thậm chi phí là 30%. Nếu tính tổng chi phí chiết khấu và chi cho khuyến mãi trung bình 35%, thậm chí có những chương trình tổng chi phí chiếm hơn 45%”, anh nói.
Tại Chay Express, mức chiết khấu cho một đơn hàng nhà bán hàng phải trả dao động khoảng 23-25%. Chay Express đang hoạt động trên các ông lớn trong ngành như Grab Food, Shopee Food, Baemin - mới rời thị trường gần đây. Chị Ni Nguyễn, người đồng sáng lập thương hiệu, nhìn nhận khi Baemin rút lui khỏi Việt Nam, lượng khách online giảm khoảng 6-10%. Song, nhìn chung có sự phân bổ lại khách hàng qua những ứng dụng khác.
Chị tiết lộ khách hàng trên ứng dụng Grab Food của mình chiếm trên 50%, khách thường theo nhóm đặt số lượng lớn. Tuy vậy, các chi phí khuyến mãi phải được đồng nhất giữa ứng dụng để đảm bảo giá trị món ăn, nguồn nguyên vật liệu đến tay khách cũng như lợi nhuận từ đơn hàng.
“Grab Food hay Shopee Food cũng là đối tác, đại lý giúp sản phẩm được bán ra nhiều hơn nên chúng tôi nghĩ mức đầu tư trên đó là xứng đáng và cho dòng tiền tốt nếu ta hiểu rõ chính sách, chương trình, điều khoản, hiểu cuộc chơi chung. Nếu ở ngoài phải thuê mặt bằng bán trực tiếp thì trên đó mức chiết khấu cũng là chi phí để nền tảng vận hành”, chị Ni Nguyễn, thành viên từ Chay Express nhận định.
Bên cạnh những cơ hội tiềm năng, kinh doanh trên ứng dụng gọi món trực tuyến cũng nhiều rủi ro vì phụ thuộc vào nền tảng. Các nhà bán hàng phải trả chi phí quảng cáo từ 10-15% lợi nhuận để tăng độ hiển thị, ưu tiên tiếp cận đến khách hàng và tham gia nhiều chương trình khuyến mãi về giá tăng sự cạnh tranh, thu hút giữa các nền tảng chẳng hạn.
Theo anh Quang Sang, nhà bán hàng trước khi gia nhập vào vận hành food app cần có khảo sát, tìm hiểu về thị trường trong khu vực sản phẩm mình đang bán có giá cả cạnh tranh ra sao, món bán có gì khác biệt.
Đồng thời, họ phải tính toán lại mức giá món khi bán online, có kế hoạch truyền thông, làm thương hiệu rõ ràng và nắm rõ các điều khoản, chính sách thay đổi liên tục từ các bên nền tảng để tránh chuyện càng kinh doanh càng lỗ vì mức chiết khấu ngày càng tăng và khuyến mãi ngày càng nhiều để giữ chân người tiêu dùng.