(KTSG Online) - Công an thành phố Hà Nội cho biết thời gian qua phát hiện một số quảng cáo được đăng tải trên các trang mạng xã hội về việc xuất khẩu lao động tại Canada. Do đó, người dân cần cảnh giác tránh mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo.
- Thiệt – hơn chuyện xuất khẩu lao động
- Xử phạt 4 doanh nghiệp xuất khẩu lao động với số tiền hơn 600 triệu đồng
TTXVN đưa tin, theo nội dung giới thiệu, người lao động có nhu cầu sẽ gửi thông tin cho công ty, cùng số tiền cọc khoảng 3.000 đô la Mỹ để làm hồ sơ thủ tục. Khi có thông tin của người lao động, phía công ty tuyển dụng sẽ tạo ra thư mời, mời người lao động sang làm việc trong thời hạn nhất định.
Sau đó, người lao động phải chuyển tiền tiếp. Chi phí phải nộp để đi xuất khẩu lao động là từ 16.000-24.000 đô la Mỹ và phải nộp ít nhất một nửa tại Việt Nam. Khi người lao động sang đến Canada thì nộp hoàn thiện số tiền còn lại. Các đối tượng này còn cho người lao động phỏng vấn qua phần mềm trực tuyến Zoom, gặp ông chủ người Việt Nam đã định cư lâu năm tại Canada.
Tuy nhiên, giữa Việt Nam và nước này hiện nay chưa đạt được thỏa thuận hợp tác về xuất khẩu lao động, chưa có công ty được cấp phép đưa người sang làm việc tại đây.
Cơ quan điều tra nhận định, đây có thể là một đường dây lừa đảo xuất khẩu lao động. Trong đó, hình thức là đưa người lao động đi du lịch sang Canada và tại đó có một đầu mối tìm việc, chủ yếu là các công việc như làm nông nghiệp hoặc làm nail. Hết thời gian, các “ông chủ Việt Nam” đưa lao động trốn ra ngoài, làm việc bất hợp pháp tại nước sở tại.
Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân cần cảnh giác tránh mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo.
Hiện tại, việc đưa lao động sang Canada cần đáp ứng nhiều tiêu chí, điển hình như phải chứng minh tài chính. Để đối phó với điều này, các đối tượng đã tổ chức cho người lao động đi du lịch ở nhiều quốc gia lân cận Việt Nam, với mục đích hợp lý hóa việc người lao động có đi ra, đi vào một số nước; thậm chí còn làm giả giấy tờ như sổ đỏ, tài khoản ngân hàng, chứng minh mình có đủ điều kiện để được nhập cảnh vào Canada. Như vậy, khi sang đến nơi, người lao động theo dạng này sẽ không có công ty bảo lãnh, chịu trách nhiệm bảo vệ quyền lợi.