(KTSG) - Những động thái vào cuộc kịp thời của các cơ quan quản lý gần đây được cho là rất cần thiết, nhằm cảnh báo, phát hiện sớm và ngăn chặn những đổ vỡ (nếu có) trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), qua đó góp phần giúp bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư cá nhân.
Lại “sốt” phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Thị trường vốn thời gian gần đây đang chứng kiến cuộc đua phát hành TPDN. Cụ thể, báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, trong tám tháng đầu năm 2021 đã có 490 đợt phát hành TPDN trong nước, với tổng giá trị đạt hơn 308.000 tỉ đồng, mức cao chưa từng có. Đối tượng chính huy động vốn ở kênh này gồm có nhóm ngân hàng thương mại, doanh nghiệp bất động sản, chứng khoán, xây dựng, năng lượng..., trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất là ngân hàng và bất động sản.
Đáng lưu ý, trong khi lãi suất trái phiếu của các ngân hàng chỉ dao động ở mức từ 5-6%/năm, không chênh lệch nhiều so với lãi suất tiền gửi hiện nay thì nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác lại “mạnh tay” chi trả từ 9-13%/năm cho lãi suất TPDN (thậm chí có doanh nghiệp trả tới 18%/năm).
Mức lãi suất cao này đã giúp các doanh nghiệp hút mạnh dòng tiền của nhà đầu tư. Đây cũng chính là lý do mà năm 2020, trong khi kênh tín dụng ngân hàng chỉ tăng trưởng 12,1% thì nguồn vốn huy động của doanh nghiệp qua kênh trái phiếu có mức tăng lên tới 28,3% so với năm 2019. Nhờ đó, thị trường TPDN vào cuối năm ngoái ước tính tương đương 15,7% GDP và 10,3% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng.
Theo Công ty Chứng khoán SSI, rủi ro với TPDN đang tăng lên, đặc biệt với lĩnh vực bất động sản và năng lượng, khi hiện nay chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ trái phiếu được bảo đảm bằng bất động sản, phần lớn còn lại là bảo đảm bằng tài sản là cổ phiếu hoặc không có tài sản bảo đảm.
Sau giai đoạn “nghỉ ngơi” hồi đầu năm 2021, cơn sốt TPDN đã quay trở lại trong thời gian gần đây, khi làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát, hoạt động giãn cách kéo dài tác động tiêu cực tới nhiều lĩnh vực, ngành nghề, từ đó ảnh hưởng tới các kênh đầu tư và TPDN được quan tâm đặc biệt nhờ có lợi suất và thanh khoản cao.
Cụ thể, chỉ tính riêng trong tháng 8-2021, một loạt doanh nghiệp bất động sản đã thông báo huy động thành công hàng ngàn tỉ đồng thông qua kênh trái phiếu. Đáng chú ý, lãi suất mà các doanh nghiệp trả cho nhà đầu tư đều cao hơn đáng kể so với lãi suất tiền gửi ngân hàng kỳ hạn một năm hiện nay. Đơn cử như Công ty cổ phần Hoa Phú Thịnh công bố đã thu về 3.130 tỉ đồng thông qua phát hành trái phiếu kỳ hạn bốn năm, lãi suất năm đầu tiên lên tới 13,65%/năm.
Tương tự, Công ty cổ phần Phú Hoàng Vương huy động thành công 4.670 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn bốn năm, lãi suất năm đầu cũng là 13,65%/năm. Hàng loạt công ty bất động sản khác như Hưng Thịnh Quy Nhơn, Tiến Phước, Sunrise Việt Nam, Hưng Thịnh Land... cũng vừa huy động thành công hàng ngàn tỉ đồng thông qua phát hành trái phiếu, lãi suất 10-11%/năm nhằm thực hiện các dự án bất động sản, góp vốn với đối tác triển khai dự án, mua bán - sáp nhập công ty...
Cơ quan quản lý vào cuộc
Với mức lãi suất hấp dẫn (có thời điểm cao gấp đôi lãi suất tiền gửi ngân hàng), tính thanh khoản cao (có thể chuyển đổi, mua đi bán lại ở bất kỳ thời điểm nào), TPDN đã và đang trở thành kênh đầu tư hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, cũng giống như các sản phẩm tài chính khác trên thị trường như cổ phiếu, ngoại tệ hay vàng..., đầu tư vào TPDN cũng phải đối mặt với những rủi ro nếu không hiểu rõ đối tượng đầu tư.
Về bản chất, doanh nghiệp huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ. Mặc dù vậy, việc doanh nghiệp phát hành khối lượng lớn trái phiếu, lãi suất cao, nhưng sử dụng vốn không hiệu quả hoặc tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn (do dịch Covid-19 như hiện nay), dẫn đến không hoàn trả được gốc và lãi trái phiếu cho nhà đầu tư sẽ gây bất ổn cho thị trường trái phiếu nói riêng và thị trường tài chính nói chung.
Trong khi đó, hệ thống xếp hạng tín nhiệm các doanh nghiệp tại Việt Nam còn chưa phát triển nên việc làm thế nào để nhà đầu tư chọn được tổ chức phát hành an toàn là không dễ dàng, bởi một doanh nghiệp phát hành trái phiếu cần được đánh giá cẩn trọng dưới góc độ về tính minh bạch, triển vọng hoạt động kinh doanh, uy tín của ban lãnh đạo và tình hình tài chính.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán SSI, rủi ro với TPDN đang tăng lên, đặc biệt với lĩnh vực bất động sản và năng lượng, khi hiện nay chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ trái phiếu được bảo đảm bằng bất động sản, phần lớn còn lại là bảo đảm bằng tài sản là cổ phiếu hoặc không có tài sản bảo đảm.
Việc bảo đảm nghĩa vụ thanh toán nợ gốc và lãi trái phiếu bằng cổ phiếu không có nhiều ý nghĩa, bởi khi rủi ro xảy ra, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thì giá trị cổ phiếu dùng làm tài sản bảo đảm (thường là của tổ chức phát hành hoặc liên quan đến tổ chức phát hành) sẽ sụt giảm nghiêm trọng.
Cũng chính vì mức độ rủi ro đối với thị trường TPDN đang ngày một lớn dần nên trong công văn gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Vụ Tài chính ngân hàng và Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Bộ Tài chính đã lưu ý rủi ro khi doanh nghiệp đẩy mạnh huy động vốn qua kênh phát hành trái phiếu với lãi suất cao, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản.
Trên cơ sở đó, mới đây, UBCKNN cũng đã ban hành Văn bản 5225/UBCK-QLKD yêu cầu các công ty chứng khoán đảm bảo tuân thủ Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31-12-2020 của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế trong việc thực hiện dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu; dịch vụ xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; dịch vụ đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành trái phiếu; dịch vụ đăng ký, lưu ký và chuyển nhượng trái phiếu. UBCKNN cho biết sẽ tổ chức kiểm tra, thanh tra về việc cung cấp dịch vụ của các công ty chứng khoán liên quan đến TPDN và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.