Thứ Năm, 15/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Cảnh báo tiền ảo làm tăng rủi ro tài chính ở các nước đang phát triển

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các tài sản tiền ảo đang làm gia tăng rủi ro tài chính ở các nền kinh tế kém phát triển cho nên các nhà quản lý cần giám sát tiền ảo chặt chẽ, Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), tổ chức đại diện của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu, cảnh báo.

Một quán ăn ở Chiltiupán, El Salvador cho phép thực khách thanh toán bằng bitcoin. El Salvador là nước đầu tiên hợp pháp hóa bitcoin. Ảnh: Reuters

Trong một báo cáo dài 50 trang phát hành hôm 22-8, BIS, có trụ sở ở Thụy Sĩ, cho rằng. những đổi mới nhằm giải quyết thách thức về thanh toán không nên bị coi là “nguy hiểm” chỉ vì vận hành theo cách thức khác. Tuy nhiên, sự kỳ vọng về các đồng tiền ảo như bitcoin như là giải pháp nhanh chóng cho các thách thức tài chính chỉ là “ảo tưởng”.

Nhóm tư vấn giám đốc về ổn định tài chính (CGDFS) của BIS, bao gồm các đại diện từ các ngân hàng trung ương của Mỹ, Argentina, Brazil, Canada, Chile và Mexico cho biết, tiền ảo được quảng bá như một giải pháp thanh toán chi phí thấp và thay thế cho tiền tệ pháp định ở các nước có mức lạm phát hoặc biến động tỷ giá hối đoái cao.

“Tuy nhiên, tài sản tiền ảo cho đến nay không hề giúp giảm mà còn làm tăng rủi ro tài chính ở các nền kinh tế kém phát triển hơn. Do đó, tiền ảo nên được đánh giá từ góc độ rủi ro và quản lý giống như tất cả các tài sản khác”, báo cáo khuyến nghị.

Các cơ quan giám sát tài chính toàn cầu bao gồm Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và BIS đã liên tiếp cảnh về các rủi ro ổn định tài chính ngày càng tăng từ thị trường tiền ảo khi ngành công nghiệp non trẻ này đạt giá trị đỉnh điểm 2,9 nghìn tỉ đô la Mỹ vào tháng 11-2021.

Mối lo ngại giảm bớt khi cú sụp đổ của thị trường tiền ảo làm giảm 75% vốn hóa chỉ trong vòng hơn một năm kể từ mức cao nhất mọi thời đại nhưng chỉ tác động hạn chế đối với hệ thống tài chính rộng lớn.

Tuy nhiên, các cơ quan quản lý bao gồm Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) vẫn báo động về những rủi ro mà thị trường tiền ảo có thể gây ra cho thị trường tài chính trong tương lai.

Trong khi đó, Tổ chức quốc tế của các ủy ban chứng khoán (IOSCO), có trụ sở ở Tây Ban Nha lại đang thúc đẩy các chính phủ phải hành động nhanh hơn và táo bạo hơn trong cách tiếp cận đối với các tài sản tiền ảo.

18 trong số 20 nước sử dụng tiền ảo rộng rãi là các thị trường mới nổi như Venezuela, El Salvador và Nigeria, những nơi đang thử nghiệm xem liệu tiền ảo có thể giúp ích trong việc ứng phó tình trạng lạm phát tồi tệ và và đồng tiền chính thức mất giá nghiêm trọng hay không.

Theo CGDFS, tài sản tiền ảo đang làm tăng rủi ro ổn định tài chính ở các nền kinh tế thị trường mới nổi vì tính thượng tôn pháp luật yếu có thể khiến việc thực thi các giao dịch trở nên khó khăn hơn. Sự kết hợp giữa việc thiếu hiểu biết về tài chính và kiến thức công nghệ ở các thị trường mới nổi là “chất xúc tác mạnh mẽ tạo ra rủi ro đối với sự ổn định tài chính, đặc biệt là liên quan đến tài sản tiền ảo”.

Cũng theo CGDFS, công nghệ chuỗi khối (blockchain), nền tảng của các đồng tiền ảo có nhiều hứa hẹn. Thách thức thực sự nằm ở việc thiết lập một khung pháp lý nhằm công nghệ này mang lại các  lợi ích cho xã hội.

CGDFS cũng đánh giá cao các loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC). “Bằng cách củng cố hệ thống tiền tệ trong tương lai, CBDC sẽ là nền tảng để xây dựng những đổi mới tiếp theo”, trích báo cáo của CGDFS.

Bên ngoài các thị trường mới nổi, CGDFS kêu gọi nhanh chóng áp dụng cách tiếp cận dựa trên rủi ro để quản lý tiền ảo nếu loại tài sản này được các nhà đầu tư nhỏ lẻ chấp nhận rộng rãi hơn và liên kết sâu rộng hơn với hệ thống tài chính truyền thống.

Hồi tháng 6, Cơ quan quản lý tài chính của Anh cho biết, tỷ lệ sở hữu tiền ảo ở nước này đã tăng hơn gấp đôi vào năm ngoái, với 1/10 nhà đầu tư sở hữu một số dạng tiền điện ảo vào năm 2022.

Tại Mỹ, theo khảo sát Trung tâm nghiên cứu Pew, khoảng 17% người Mỹ đã đầu tư hoặc giao dịch tiền ảo trong năm ngoái. Tỷ lệ này gần như không thay đổi so với số liệu khảo sát của năm 2022 và 2021.

Theo Financial Times

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới