Thứ tư, 15/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cảnh báo và hy vọng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cảnh báo và hy vọng

(TBKTSG) - Thời kỳ nào cũng có khó khăn, vấn đề là chúng ta có dám đối diện, mạnh dạn thay đổi những chính sách, cơ chế đã không còn thích hợp để vượt qua rào cản, đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển lên một thứ bậc cao hơn.

Một năm vừa đi qua, không chỉ với thách thức như năm nào ta cũng quen nói, mà với cảnh báo, rất nhiều, đều nghiêm khắc, rất nghiêm khắc. Mưa như chưa từng có, ngập lụt chưa từng thấy, ở Nam, ở Bắc, ở Trung. Có vẻ thời tiết không phải đang biến đổi, mà biến động, bất thường, có người đã nói đến dị thường, hay đang hỗn loạn?

Trong nước là vậy, khắp thế giới đều vậy. Động đất, siêu bão... định ngữ “siêu” ngày càng phổ biến. Và đã có báo động toàn bộ vùng băng giá ở hai cực, hai cái mũ trắng xóa, tuyệt đẹp của hành tinh, vẫn được gọi là băng giá vĩnh cửu đang có nguy cơ hoàn toàn hiện thực không còn là vĩnh cửu nữa, sẽ biến mất, điều chưa từng xảy ra từ nhiều triệu năm nay.

Và “trái đất quê hương” của con người, như cách nói thống thiết của Edgar Morin, khi ấy - một “khi ấy” có thể cũng đã gần lắm - rồi sẽ ra sao đây?... Hẳn có những quy luật, những chu kỳ nào đó của tự nhiên con người còn chưa lần ra nổi, nhưng cũng chắc chắn không thể chối tác động vô trách nhiệm của con người kiêu ngạo, đến hỗn hào...

Riêng tôi, cho phép tôi lặp lại lần nữa, càng ngày tôi càng không thể không nghĩ đến Tây Nguyên, con người Tây Nguyên, văn hóa của con người Tây Nguyên.

Có một nền triết học, một minh triết đẹp đẽ và uyên thâm vẫn còn chưa hiểu được hết ở những con người mà chắc tận trong một góc ẩn giấu nào đó của mình, chúng ta cũng chưa hoàn toàn không còn coi là những người “man di”.

Đứa con của tự nhiên là con người đang trở nên hỗn hào hơn bao giờ hết với mẹ tự nhiên của mình, và như ta biết, con người không chỉ là “tổng hòa các quan hệ xã hội”, nó còn, trước hết, những mối quan hệ sinh tử với tự nhiên, là một phần của tự nhiên, phần gốc trước khi thành con người xã hội.

Người “man di” Tây Nguyên mỗi khi bắt buộc phải chặt một cái cây thì vô cùng kính cẩn làm lễ trọng xin phép thần linh và cúi đầu tạ lỗi với rừng, với chính cái cây ấy, họ biết họ đang bắt buộc phải làm đau rừng, làm đau đớn tự nhiên mà họ là một tế bào nhỏ khắng khít, cái tế bào ấy tất cũng phải đau, cũng chảy máu khi rừng chảy máu...

Còn chúng ta, những người “văn minh” thì sao? Chúng ta bảo rằng chúng ta “đổi rừng nghèo lấy cao su”, và lập tức hàng vạn héc ta rừng giàu biến thành “rừng nghèo”, trên giấy thì rừng giàu có khó gì mà không biến được thành rừng nghèo! Như cả nước đều đã có thể tận mắt nhìn thấy trên truyền hình, những chiếc xe ủi và máy cưa như những con thú dữ hùng hổ, còn vô cảm hơn cả thú dữ, xông vào hạ gục, triệt diệt những cây gỗ mấy người ôm không xuể.

Nhìn cảnh ấy, không thể không nghĩ đến độ man dã đã đạt được đến ngày nay của con người. Người Tây Nguyên, tôi biết, hoang mang, kinh ngạc. Và đau đớn. Đối với họ, rừng là không thể đem đổi lấy bất cứ thứ gì hết, cả toàn bộ vàng bạc, châu báu trên thế gian này. Tự trong sâu thẳm, họ không bao giờ coi rừng là “tài nguyên”, cũng không là môi trường như ta vẫn nói về môi trường tự nhiên theo một cách gọi là “khoa học”.

Rừng đơn giản là tất cả, bao trùm và thiết yếu, là sự sống, sự vĩnh hằng, là chốn nguyên lai bất tận của tâm linh, cội nguồn của văn hóa, là nơi con người từ đó mà đi ra để thành người và rồi lại sẽ trở về trong thăm thẳm không cùng của nó để lại trở thành tự nhiên vĩnh hằng, như con từ trong lòng mẹ sinh ra và sẽ trở về tan hòa mãi mãi trong lòng mẹ...

Vậy trong hai con người, người đem đổi rừng lấy cái được coi là sự giàu sang, với người khóc lạy vì mất một cây rừng, ai man di? Và nữa, người đang chủ trương cạo sạch hàng ngàn, hàng vạn héc ta rừng ở Lâm Đồng, ở Kông Hà Nừng - Gia Lai, đặc biệt ở Đắk Nông, để moi lên quặng bauxit vừa độc hại vừa chỉ có thể đem bán nguyên liệu thô rẻ mạt trong điều kiện nghèo điện như chúng ta hiện nay...

Còn nguy hiểm hơn nữa, người Tây Nguyên hoang mang, kinh ngạc, đau đớn... nhưng rồi người Tây Nguyên cũng sẽ lao vào đốn phá, triệt hạ rừng, theo đúng gương những người “văn minh” tự coi là khôn hơn đang đến dạy khôn cho họ. Tức ở đây đang có một chuyện có thể còn nghiêm trọng hơn cả chuyện phá rừng, mất rừng: một văn hóa, một hiền minh của con người đang biến mất. Thay bằng tàn bạo.

Đứa con của tự nhiên là con người đang trở nên hỗn hào hơn bao giờ hết với mẹ tự nhiên của mình, và như ta biết, con người không chỉ là “tổng hòa các quan hệ xã hội”, nó còn, trước hết, những mối quan hệ sinh tử với tự nhiên, là một phần của tự nhiên, phần gốc trước khi thành con người xã hội.

Hoặc cũng có thể quan hệ với tự nhiên của nó cũng là một dạng của quan hệ xã hội, trong đua chen xã hội nó đang đánh mất, phản bội cái gốc tự nhiên của mình. Hẳn không phải ngẫu nhiên mà ngay trong giờ chiến thắng vang dội, tổng thống đắc cử Barack Obama đã nói rằng ông bắt đầu nhiệm kỳ trên một “hành tinh đang bị hủy hoại”. Nốt buồn thấm rất sâu, rất đen trong bài diễn văn đó, trước khi ông nói đến hy vọng. Và ở điểm đó, tôi thấy ông có thể là một người hiền.

Người hiền là người biết những giới hạn. Có phải cảm giác ám ảnh nhất cái năm vừa đi qua để lại cho chúng ta, nếu ta còn biết lắng nghe, là cảm giác về một giới hạn của con người trước tự nhiên. Đã đến biên giới rồi. Bên kia là hủy diệt. Tự hủy diệt.

Cũng có phải đang có một cảm giác về giới hạn như vậy trong những hành vi xã hội của con người. Vài chục năm trước chủ nghĩa xã hội hiện thực đã cho thấy giới hạn của nó; lần này là đến chủ nghĩa tư bản vốn rất mạnh mẽ và đầy tự tin chăng?

Khi con người đủ khiêm nhường để tỉnh táo biết rằng nó đã đi đến giới hạn, để dám hiểu rằng có khi cần phải “tái cơ cấu”, để đủ nghiêm khắc biết rằng có thể có lỗi ở hệ thống, thì cũng là lúc người có thể biết và dám thay đổi.  

Cái thế giới hết sức năng động ấy, với chủ nghĩa thị trường tự do ngỡ vô địch của nó, bỗng đổ bệnh, đột ngột - đột ngột vì những báo động trước đó hoặc còn quá yếu hoặc rất bị coi thường - bệnh trầm trọng, hiểm nghèo, truyền nhiễm nữa, và đang lây bệnh cho toàn cầu.

Chưa bao giờ cả thế giới lại giống một bệnh viện khổng lồ đến vậy, mà ở đâu cũng chỉ có mỗi một khoa: khoa cấp cứu. Nhiều người đã nói đến “tái cơ cấu”, nghĩa là lỗi đã là lỗi hệ thống. Càng ngày các nhà kinh tế học càng trở thành các nhà triết học. Nghĩa là chính cái chủ nghĩa ấy đã có vấn đề trong triết học sinh tồn và phát triển của nó.

Cũng có thể nói một cách nôm na, gần gũi hơn: nó bắt đầu biết khiêm tốn hơn, hay ít ra biết rằng cần khiêm tốn hơn. Và trông chừng rất nghịch lý: chính sự khiêm nhường tạo ra hy vọng và sức mạnh mới. Bởi vì khi con người đủ khiêm nhường để tỉnh táo biết rằng nó đã đi đến giới hạn, để dám hiểu rằng có khi cần phải “tái cơ cấu”, để đủ nghiêm khắc biết rằng có thể có lỗi ở hệ thống, thì cũng là lúc người có thể biết và dám thay đổi.

Câu hay nhất trong diễn văn của Obama là khi ông ta nói: “Bí quyết của nước Mỹ là nước Mỹ có thể thay đổi”. Đương nhiên chúng ta chờ sự thay đổi và hướng thay đổi của ông. Nhưng về cơ bản, ông đã nói được một lẽ phải. Không phải chỉ cho nước Mỹ. Đó cũng là bí quyết của tất cả những ai muốn tồn tại bền vững và phát triển.

Chúng ta cũng vậy. Tha lỗi cho tôi nếu tôi nói ra điều này: có thể điều quý nhất trong một năm qua của chúng ta, là bên cạnh nhiều nỗ lực và thành tựu, chúng ta đã có... nhiều sai lầm, và dường như chúng ta, dầu đã nói thẳng ra hay chưa, ở những mức độ khác nhau, chúng ta đã biết những sai lầm ấy.

Đã biết rằng chúng ta cũng hoàn toàn có thể sai lầm, hoàn toàn có thể còn non nớt trong nhiều chuyện, cả chủ quan, cả nóng vội, cả thiếu lắng nghe, lắng nghe tiếng nói của nhân dân, của cuộc sống, tiếng nói trung thực của bè bạn - chứ không phải những lời tán tỉnh có động cơ - cả tiếng nói của đối thủ... Để khiêm nhường hơn. Để có thể dám và biết nhìn lại chính thiết chế của mình. Và từ đó, biết và dám thay đổi. Bí quyết của chúng ta cũng là có thể thay đổi.

Cuộc sống là vậy. Khi mọi sự êm thấm thì nên lo, rất lo. Khi không êm thấm lắm, lại chính là khi có thể hy vọng. Tất nhiên nếu dám biết rằng năm qua đã dạy ta rất nhiều điều, có thể nhiều hơn rất nhiều những năm thuận lợi trước đây, thậm chí cả những năm chiến thắng vang dội, huy hoàng.

Vâng, như vậy có thể có một năm mới nhiều hy vọng. 

NGUYÊN NGỌC

  

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới