(KTSG Online) - Bất động sản luôn được đánh giá là một kênh trú ẩn giúp giảm thiểu rủi ro khi tỷ lệ lạm phát tăng cao, giá nhà đất vì thế tăng lên sau khung hoảng. Nhưng chuyên gia cảnh báo nhà đầu tư cẩn trọng, tránh rơi vào tình trạng "chết trên đống tài sản" đã từng xảy ra trong quá khứ.
Savills Việt Nam vừa công bố báo cáo Biến động giá bất động sản trong lạm phát, chỉ ra những diễn biến bất ngờ của tình hình kinh tế chính trị thế giới đang đẩy rủi ro lạm phát tăng cao, là biến số trực tiếp tác động đến thị trường địa ốc.
Về vĩ mô, đơn vị này nhận định bối cảnh bất ổn chính trị trên thế giới trong đó chiến tranh Nga - Ukraine đang tác động đến hoạt động sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam. Bên cạnh đó, những ảnh hưởng của Covid-19 vẫn còn khiến mục tiêu giữ lạm phát ở mức dưới 4% là rất thử thách cho nền kinh tế cũng như chính sách tài khóa.
Về thị trường bất động sản, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, cho biết, theo phân tích của Savills World Research, nếu lạm phát xảy ra do tăng trưởng kinh tế (lạm phát cầu kéo), nhu cầu bất động sản sẽ được đẩy lên và giúp làm tăng giá trị của loại tài sản này.
Tuy nhiên, nếu lạm phát được hình thành bởi các chi phí như nguyên vật liệu, chi phí lao động tăng (lạm phát chi phí đẩy) sẽ dẫn đến hạn chế nguồn cung bất động sản. Lạm phát do chi phí đẩy cũng khó dự đoán, thường do các biến cố không lường trước được như về môi trường, địa chính trị…
Theo ông Khương, trước những biến động như chiến tranh, dịch bệnh, khủng hoảng tài chính, có 3 kênh trú ẩn tài sản lớn là dầu mỏ, kim loại quý và bất động sản. Khi tỷ lệ lạm phát có xu hướng tăng do những bất ổn về chiến tranh, kinh tế chính trị thế giới, nguồn tài chính đầu tư vào bất động sản được xem là một phương án giúp bảo toàn dòng vốn trước rủi ro, tránh sự bất ổn định ở những kênh đầu tư khác.
Tại Việt Nam, nhiều năm qua nguồn cung bất động sản nhà ở rất hạn chế. Người dân chủ yếu đầu tư đất nền, còn đất và các tài sản trên đất chiếm tỷ lệ thấp hơn. Nếu lạm phát tăng nhanh và nguồn cung bất động sản tiếp tục khan hiếm, lượng đầu tư vào tài sản nhà ở và thương mại sẽ tăng đáng kể.
Tuy nhiên, Giám đốc cấp cao của Savills cũng nhấn mạnh khi lạm phát diễn ra, mặc dù giá bất động sản tăng lên nhưng thị trường không có khả năng mua, tính thanh khoản không có. Đồng thời, nhiều nhà đầu tư cũng dùng các đòn bẩy tài chính để đầu tư bất động sản, khiến tài sản có thanh khoản thấp trở thành một gánh nặng lớn cho họ cũng như gây áp lực lên hệ thống ngân hàng.
"Trong bối cảnh phức tạp như hiện nay, giới đầu tư nên cân nhắc kỹ lưỡng khi sử dụng các đòn bẩy tài chính, tránh lặp lại tình trạng "chết trên đống tài sản" đã từng xảy ra trong quá khứ", ông Khương cảnh báo.
Trong 9 đến 12 tháng tới, việc một số nhà đầu tư buộc phải bán tháo tài sản do không thể gánh được sức ép từ các công cụ hỗ trợ tài chính là hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, tính đầu cơ của nhóm này không lớn, khó có thể thao túng thị trường, làm ảnh hưởng đến mặt bằng giá. Bên cạnh đó, nguồn cung nhà ở tại Việt Nam trong thời gian tới còn rất hạn chế, vì vậy việc giảm giá bất động sản là rất khó xảy ra.
Nghiên cứu của Savills cho thấy, trên thế giới gần như chỉ có một đợt khủng hoảng khiến giá bất động sản giảm là vào năm 2007-2008 với mức giảm 30-40%.
Riêng Việt Nam, từ năm 1975 đến nay, nền kinh tế cũng trải qua một số biến cố như cuộc khủng hoảng. Nhưng chỉ giai đoạn 2011-2012 là giá bất động sản trên toàn thị trường giảm đến 30% bởi khi đó các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn. Còn lại, thực tế cho thấy sau mỗi cuộc khủng hoảng kinh tế, bất động sản lại tăng giá.
Vì vậy, ông Khương khuyến nghị các nhà đầu tư trước khi quyết định xuống tiền, cần chú ý về giá và pháp lý của bất động sản. Đối với những nhà đầu tư có ý định bán bất động sản vào lúc này, cần cân nhắc kỹ mục đích sử dụng của khoản tiền sau khi bán tài sản đó. Sẽ là hợp lý nếu khoản tiền này được đầu tư vào những kênh hiệu quả hơn trong bối cảnh dịch bệnh, bất ổn chính trị quốc tế.
Mùa dịch “cá mập” đã no, giờ chính nó cũng đang tìm đường xả… Nếu không giảm giá bán cho lẹ hậu quả còn nặng nề hơn
Đời bể khổ. Cuộc chơi của người giàu, người có tiền cũng có nhiều kiểu khác nhau. Chơi đường dài. Chơi lướt sóng. Chơi lượm lặt hoa rơi… Nhưng cuối cùng có thể rơi vào cảnh ngộ “Giàu cũng khóc/ Giàu cũng hết/ Giàu không có”. Nếu là người nghèo, hoặc không tiền thì không biết chơi kiểu gì. Không biết ai khổ, sướng hơn ai.
Những người trục lợi từ đất đai có khả năng lũng đoạn nền kinh tế của cả một đất nước, bần càng hóa 99% người dân nước đó. Khi cần thì phải mua giá đất vô cùng cao, cao đến mức, 2 lao động chính trong 1 gia đình 4 người phải lao động cật lực cả đời đến chết mới may ra tích cóp đủ để mua 1 mảnh đất nhỏ nhỏ. Ngay cả người không mua đất cũng bị “cắt cổ” thông qua giá nhà đất cao thì thuê, mua cũng cao dẫn đến hàng tiêu dùng, và tất cả các loại phí dịch vụ khác, bao gồm cả giáo dục, y tế… tăng lên. Chỉ cần giá bđs giảm xuống là có thể kích thích kinh tế phát triển.