Cảnh báo về "văn hóa rượu bia" của người Việt
T.B.
![]() |
Chạm cốc rượu trước khi nốc cạn ở Hà Nội. Ảnh AFP |
(TBKTSG Online) - Khi người Việt Nam nô nức đón tết cổ truyền năm Ất Mùi, một lần nữa, văn hóa nhậu nhẹt lại nổi lên thành mối quan tâm, cùng với cảnh báo về những tác hại mà nó mang lại.
Hôm thứ Hai 16-2, tức 28 tháng Chạp, báo South China Morning Post (Bưu điện Hoa Nam buổi sáng) xuất bản tại Hồng Kông đã đăng một bài dài lấy từ hãng tin Pháp AFP viết từ TPHCM, phân tích hiện tượng uống bia, rượu ở Việt Nam với những cảnh báo đáng chú ý.
Theo bài báo, với giá một ly bia chỉ vào khoảng 0,3 đô la Mỹ, Việt Nam từ lâu đã là một trong những nơi bán bia rẻ nhất thế giới và trong vài năm qua, mức tiêu thụ rượu bia của người Việt Nam đã gia tăng với tốc độ nhanh nhất so với mọi nơi khác. Mức độ giàu có tăng lên là một trong những nguyên nhân đưa tới hiện tượng này dù người Việt vẫn chưa có ý niệm thật sự về tác hại của chứng nghiện rượu và chưa có từ ngữ riêng để chỉ tình trạng nhức đầu do rượu hành.
“Uống thì phải say. Không say thì uống làm gì cho phí”, Vo Van Bao, 21 tuổi, nói tại quán bia The Hangover, nơi anh đến với bạn bè vào một buổi tối thứ Năm gần đây.
Theo số liệu của ngành bia rượu, Việt Nam là nước tiêu thụ bia nhiều thứ ba châu Á, sau Nhật Bản và Trung Quốc, nhưng dẫn đầu khối Đông Nam Á, nhiều hơn cả Thái Lan. Trong 10 năm qua, mức độ uống bia của người Việt đã tăng khoảng 200%, theo tường thuật gần đây của báo chí, một phần là nhờ mức thu nhập tăng lên, một phần nhờ cơ cấu dân số: mỗi năm có thêm 1 triệu người tới tuổi trưởng thành, đủ tuổi uống bia rượu một cách hợp pháp.
Còn theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bây giờ Việt Nam mới ngấp nghé lọt vào top 100 của thế giới xét về mức tiêu thụ bia rượu tính theo đầu người, còn đi sau rất xa so với Nga, Anh và Pháp. Nhưng theo chuyên viên Nguyễn Nam Phương của WHO, số liệu này bị méo mó bởi vì trong số người uống rượu có chưa tới 2% là phụ nữ, còn lại là đàn ông và một phần tư trong số họ uống bia rượu ở mức độ “nguy hại”: uống ít nhất là 6 ly trở lên trong một cuộc nhậu. “Đây là một thách thức nghiêm trọng về sức khỏe ở Việt Nam. Có rất nhiều hệ lụy kèm theo, chẳng hạn như các bệnh mãn tính về gan, tai nạn giao thông và bạo hành trong gia đình”, ông Phương nói.
Các nghiên cứu của chính phủ cho thấy 60% các vụ bạo hành gia đình ở Việt Nam có liên quan tới bia rượu; và việc lạm dụng rượu bia cũng dẫn tới sự gia tăng các bệnh không lây nhiễm như ung thư và tiểu đường.
Những nỗ lực hạn chế tiêu thụ rượu bia – từ cấm bán rượu sau 10 giờ đêm, chỉ được bán bia trong quán có máy lạnh v.v… - đã bị đem ra chế giễu trên báo chí và phải hủy bỏ.
Báo chí cũng dự báo người dân Hà Nội sẽ uống khoảng 200 triệu lít bia rượu trong dịp Tết Ất Mùi này.
Sự bùng nổ của rượu bia là một phần của văn hóa nhậu nhẹt rất mạnh ở Việt Nam, như một câu tục ngữ “Nam vô tửu như kỳ vô phong”. “Ý tưởng này bắt rễ sâu trong văn hóa của chúng tôi và phải mất rất nhiều thời gian mới thay đổi được”, ông Phương của WHO nói.
Bia là một ngành kinh doanh đặc biệt lớn ở Việt Nam, nơi người ta tiêu thụ mỗi năm 3 tỉ lít bia. Thị trường bia được thống trị bởi 3 công ty lớn và hầu như các tỉnh lớn đều có nhà máy bia: bia Sài Gòn ở TPHCM, bia Larue ở miền Trung và bia Hà Nội ở miền Bắc.
Những công ty khổng lồ về bia rượu quốc tế đang hy vọng có thể thuyết phục người uống bia ở Việt Nam chuyển sang uống rượu có nồng độ cao hơn mặc dù rượu phải chịu thuế nặng hơn và bị cấm quảng cáo. Với dân số khoảng 90 triệu người, một nửa số dân dưới 30 tuổi và một tầng lớp trung lưu phát triển nhanh, Việt Nam là thị trường chủ chốt của những công ty sản xuất rượu whisky như Diageo. Công ty này cho biết lượng tiêu thụ các nhãn rượu của công ty chưa thực cao và người Việt uống ít rượu hơn người Pháp, tính theo đầu người, song triển vọng thị trường là rất hấp dẫn.
Một buổi trưa thứ Tư gần đây ở Hà Nội, anh kỹ sư xây dựng 42 tuổi Nguyễn Văn Thanh ngồi uống bia với bạn bè và trên bàn đã có hơn 10 vỏ chai rỗng. “Tôi uống hàng ngày, có khi uống bia, có khi uống rượu. Tôi biết thế là không tốt cho sức khỏe nhưng thói quen này rất khó bỏ”, anh Thanh nói. “Đôi khi, tôi chỉ có thể làm ăn được nếu chúng tôi cùng say với nhau. Khi được mời uống thì rất khó từ chối; chúng tôi vẫn thường nói “không bia rượu thì không có hội hè” mà !
(theo South China Morning Post)