Thứ Bảy, 27/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Cành du nơi cõi lạ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cành du nơi cõi lạ

Phương Từ

(TBKTSG) – Đọc “Đọc Kinh” của Vũ Khắc Khoan, Công ty cổ phần Văn hóa Thiện Tri Thức và NXB Phương Đông ấn hành năm 2010.

Nửa khuya nghe chim lạ / Hót lẻ trong cành du / Thoáng lời kinh vô ký / Chập chờn ánh lửa giang đầu

Nhịp điệu những vần thơ và hình ảnh cành du nơi miền viễn xứ cứ ám ảnh tôi khôn nguôi, cả khi đã gấp sách. Cành du đã ở cùng Vũ Khắc Khoan những ngày xa xứ, những đêm thâu tần ngần trước giá sách tìm nẻo về…

Đọc kinh” là tác phẩm cuối cùng của Vũ Khắc Khoan (1917-1986). Đoản văn này chẳng đi vào cõi tĩnh tịch, như nhiên của chân kinh, Niết Bàn. Đoản văn này là một cuộc đi tìm, ban đầu là đi tìm cái “chân như” mà bất cứ hành giả nào cũng mong thấu thị. Nhưng rồi, chữ nghĩa dẫn dụ, ký ức dẫn dụ, tình thương nhớ dẫn dụ, Vũ Khắc Khoan rẽ đường, chớp lại những khoảnh khắc tâm ông gặp những câu chuyện, những lời kinh của quá khứ.

Khi kể lại chuyện Anan trong kinh Lăng Nghiêm, ông thú vị trước một Anan hồn nhiên và rất “người”. Tâm thức ông trôi nổi về miền ký ức xa xôi, nơi có Hà Nội 36 phố phường, nơi có những buổi chiều hè xứ Bắc gạch Bát Tràng và lời niệm Phật chân quê. Ông lại lang thang trong những trang sách, bắt gặp Bồ Đề Đạt Ma ôm kinh Lăng Già cập bến Quảng Châu, gặp Lương Võ Đế, rồi gặp Nguyễn Du tần ngần trước Phân kinh thạch đài….

“Ngã độc Kim Cương thiên biến linh. Kỳ trung áo chỉ đa bất minh” (Kim Cương đọc đến ngàn lần. Mà trong mờ ảo như gần như xa). Vũ Khắc Khoan đồng cảm với người xưa, thấy nghĩa kinh “tuyệt mù”, thấy rằng “Bài Phân kinh thạch đài giữa lòng đá vắng lặng không là một thú nhận nỗi bất lực của riêng Nguyễn Du trước những trang Kim Cương. Bài ký Phân kinh là một thú nhận nỗi bất lực của ngôn từ và văn tự con người khi muốn nắm bắt cái chập chờn “áo chỉ” của cõi vô ngôn đó, bất khả tư nghì”.

Ngôn từ xét cho cùng cũng chỉ là phương tiện. Vũ Khắc Khoan “đọc kinh”, nhìn thấy Phật ngày xưa dùng nhiều phương tiện độ chúng sanh, khi thì hương thơm, khi thì mộng huyễn… Và trong cõi của Vũ Khắc Khoan, biết đâu phương tiện đó chẳng phải là chữ nghĩa? Bởi thế, ông nghe “lời pháp không nói vọng nói chân, không bàn mê hay ngộ… Lời pháp chỉ rủ rê kể chuyện ngày xưa, hát nhỏ ca dao, lời pháp ấm như lời bà ngoại ru cháu nhỏ”. Pháp hội của ông, phương tiện của ông là chuyện kể, là ký ức, là nỗi nhớ quê trong tim một người xa nước.

“Đọc kinh” không chỉ rủ rê người đọc về miền tâm thức của Vũ Khắc Khoan mà còn rủ rê đi tìm một dáng hồn xưa cũ, dáng hồn của sách. Màu vàng đúng độ của những trang giấy cùng giọng văn biền ngẫu, hơi văn trang trọng, cổ điển và tài hoa của Vũ Khắc Khoan cuốn người đọc vào thế giới sách ngày xưa, nơi chữ còn được trọng và mỗi quyển sách mang linh hồn riêng của nó. Bức tranh Island in Lake Atter (Đảo trong hồ Atter) của họa sĩ người Áo lừng danh Gustav Klimt ở trang bìa gợi mở vào một thế giới của cõi tự thân, “cõi đó lạ lạ quen quen. Cõi đó hằng đêm. Cõi đó, riêng tôi. Một mình”, cõi người ta mà đêm đêm Vũ Khắc Khoan vẫn tìm về trò chuyện.

Tôi từng mơ về một cuốn sách đẹp, có linh hồn và số phận riêng. Đêm nay, khi lần giở “Đọc kinh”, tôi bỗng nghe tiếng cây du trước mái hiên, dĩ nhiên chẳng có cây du nào trước hiên nhà tôi cả. Cây du ấy bước từ cõi lạ, từ trang sách Vũ Khắc Khoan và đêm nay nhắc nhở tôi một mình tìm đến pháp hội đời mình.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới