Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cảnh giác lừa đảo vay tiền, sàn đa cấp dịp cuối năm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cảnh giác lừa đảo vay tiền, sàn đa cấp dịp cuối năm

Chánh Trung

(TBKTSG Online) – Hàng loạt vụ việc lừa đảo liên quan đến tài chính liên tục bùng phát dịp cuối năm. Cơ quan chức năng cảnh báo người dân, doanh nghiệp nên thận trọng để tránh bị lừa tiền, thiệt hại tài sản.

Cảnh giác lừa đảo vay tiền, sàn đa cấp dịp cuối năm
Cơ quan công an cảnh báo huy động vốn, tổ chức kinh doanh đa cấp trái phép trên website Wefinex.net

Giả mạo công ty tài chính lừa tiền tỉ

Công an TPHCM vừa đưa ra lời cảnh báo về phương thức, thủ đoạn mạo danh các công ty tài chính cho vay tiền để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Công an TPHCM cho biết có hiện tượng các đối tượng tội phạm lập ra các trang Fanpage trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook với tên gọi là các công ty tài chính (đều là các công ty không có thật, do các đối tượng tự nghĩ ra)… Các công ty này được tội phạm mạng quảng cáo có ưu điểm thủ tục nhanh gọn, đơn giản, lãi suất thấp nhằm đánh vào tâm lý những người cần tiền gấp (khách hàng chỉ cần gửi qua Zalo hình chụp thẻ chứng minh nhân dân (CMND) và sổ hộ khẩu hoặc bằng lái xe, biên lai tiền điện hàng tháng).

Khi có khách hàng vay tiền, các đối tương yêu cầu phải đóng tiền bảo hiểm rủi ro cho khoản vay là 550.000 đồng/khoản vay. Khi người vay đồng ý theo các nội dung vay tiền, các đối tượng gửi cho người vay bản hợp đồng tín dụng giả qua các công ty chuyển phát nhanh. Đồng thời, nhân viên của các công ty chuyển phát nhanh sẽ thu khoản tiền bảo hiểm rủi ro. Sau khi nhận được tiền, đối tượng lừa đảo sẽ chặn liên lạc với khách hàng và không giải ngân bất cứ khoản vay nào.

Trước đó, vào ngày 25-10, Công an TP Hạ Long (Quảng Ninh) đã bắt giữ 12 nghi phạm trong đường dây mạo danh công ty tài chính để lừa đảo khách hàng. Thông qua các thiết bị điện thoại, máy tính, sổ sách ghi chép tên tuổi, địa chỉ của người vay; các kịch bản cho vay tiền được thu giữ, lực lượng chức năng phát hiện người cầm đầu đường dây là Lương Ngọc Đức (24 tuổi, trú tổ 5, khu Đông Sơn, phường Cẩm Sơn, TP Cẩm Phả, Quảng Ninh).

Qua quá trình điều tra, Lương Ngọc Đức khai đã móc nối với Trần Trung Hiếu (25 tuổi, trú tại tổ 83, khu 7A, phường Cẩm Phú, TP Cẩm Phả) và Phạm Đức Nguyện (30 tuổi, trú tại tổ 66, khu 6A, phường Cẩm Phú, TP Cẩm Phả) lập các Fanpage mạo danh các công ty tài chính như Công ty Hạ Thái, Công ty HSJC, Công ty GC, Công ty Hoàng Lâm… để lừa các khách hàng vay tiền với lãi suất thấp. Khách hàng đồng ý vay tiền phải nộp 550.000 đồng bảo hiểm khoản vay. Sau khi khách hàng tin tưởng và đóng tiền bảo hiểm, Đức chỉ đạo chặn số điện thoại của khách hàng nhằm chiếm đoạt số tiền này. Tính đến ngày 25-10, khi bắt giữ các nghi phạm nêu trên, Công an TPHạ Long đã thu giữ hàng tỉ đồng mà các đối tượng này đã lừa đảo, chiếm đoạt.

Từ vụ việc nêu trên, Công an TPHCM khuyến cáo người dân cần thận trọng trong việc sử dụng dịch vụ cho vay tiền qua các trang mạng xã hội, ứng dụng phần mềm (App), trang web (Website). Khi cần vay tiền, người dân nên lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ có đầy đủ thông tin pháp lý và tìm hiểu kỹ lưỡng về thủ tục, mức lãi suất, các khoản phí phải trả… để tránh rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo.

Sàn đa cấp “tài xỉu”

Ngoài ra, Công an TPHCM cũng cảnh báo hình thức huy động vốn, tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép trên website Wefinex.net. Cơ quan an ninh cho biết hiện nay trên không gian mạng có nhiều diễn đàn, mạng xã hội tổ chức quảng bá, kêu gọi người tham gia đầu tư vào hoạt động của website Wefinex.net để huy động vốn, tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép.

Trang Wefinex.net cho phép người chơi người chơi thực hiện giao dịch cá cược trên sàn, mỗi người chơi có từ 30 giây để tiến hành cá cược và chọn số tiền giao dịch. Người chơi sẽ đặt lệnh tăng (Xanh) hoặc giảm (Đỏ) theo tỷ giá của đồng tiền ảo bitcoin/đồng đô la Mỹ (BTC/USD) tại thời điểm hiện tại. Sau 30 giây tiếp theo sẽ có kết quả, nếu dự đoán đúng thì người chơi sẽ được hưởng 95% số tiền đặt cược, ngược lại sẽ mất toàn bộ số tiền đó, cách chơi này tương tự như trò "tài xỉu".

Để nhanh chóng mở rộng mạng lưới, Wefinex còn phát triển mạng lưới thành viên tham gia bằng cách tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp, dựa trên hoạt động bán quyền đại lý với giá 100 đô la Mỹ cho người tham gia. Quyền đại lý được hiểu là khi người tham gia bỏ ra 100 đô la để mua, người tham gia sẽ được hưởng các quyền lợi như: hưởng mức hoa hồng giao dịch và mức hoa hồng từ việc bán quyền đại lý trong hệ thống của mình. Cụ thể: được hưởng mức hoa hồng quyền đại lý từ F1 đến F7 lần lượt là 50; 25; 12,5; 6,25; 3,12 và 1,56 đô la; trong khi đó, mức hoa hồng giao dịch từ F1 đến F7 là 1% đến 0,0625% theo khối lượng giao dịch của hệ thống tuyến dưới trong một tuần.

Bên cạnh Wefinex.net hiện nay các đối tượng lừa đảo còn tạo ra nhiều website với mô hình hoạt động và mô hình phát triển mạng lưới người tham gia tương tự như Wefinex hay còn gọi là phiên bản nâng cấp (phiên bản 2), cụ thể như các website Raidenbo.com và Bitono.io.

Được biết, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã xác định mô hình hoạt động, phát triển mạng lưới và trả thưởng của Wefinex có dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp theo quy định tại Nghị định 40/2018/NĐ-CP ngày 12-3-2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Nhưng hiện chưa có đơn vị, tổ chức nào có tên Wefinex gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đến Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng. Ngoài ra, chưa có đơn vị, tổ chức nào có tên Wefinex được cấp giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp.

Một số quản trị viên của các diễn đàn công nghệ cho biết Wefinex là một sàn giao dịch quyền chọn nhị phân (Binary Option) hay vẫn được giới trader gọi là tắt là Trade BO. Về cơ bản, Binary Option là một hình thức dự đoán giá trị của một tài sản (có thể là crypto, vàng, chứng khoán, cổ phiếu) sẽ di chuyển như thế nào (lên hay xuống) trong một khoảng thời gian nhất định. Nếu dự đoán đúng thì được tiền, mà sai thì mất tiền, nó giống như trò chơi tài xỉu. Một số người quảng cáo cho Wefinex nói rằng, đầu tư chơi Wefinex có thể “kiếm triệu đô la”, “X2 tài khoản trong 60 giây”, “mua siêu xe, nhà lầu”, cùng rất nhiều từ “có cánh” khác khiến nhiều người dân bị thu hút tham gia vào sàn này.

Trên thế giới, mô hình đa cấp kiểu Wefinex hay nói cách khác là Ponzi cũng bị cấm tại nhiều quốc gia như Canada, Pháp, Bỉ. Pháp luật Việt Nam hiện hành chưa có điều khoản nào liên quan đến mô hình giao dịch nhị phân.Vậy nên có thể kết luận mô hình Wefinex hoàn toàn là lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trắng trợn.
Do đó, người dân cần cảnh giác không để bị lôi kéo, dụ dỗ tham gia đầu tư vào các website Wefinex.net, Raidenbo.com, Bitono.io, Công an TPHCM cảnh báo.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới