Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cao tốc kéo gần Dầu Giây, Bình Thuận

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cao tốc kéo gần Dầu Giây, Bình Thuận

Anh Quân – Đào Loan

(TBKTSG Online) – Ngày mai 8-2, đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây sẽ chính thức thông xe toàn tuyến, rút ngắn thời từ TPHCM đi ngã 3 Dầu Giây còn 1 giờ thay vì phải đi 3 giờ như trước đây. Tuyến đường cao tốc này được các doanh nghiệp đánh giá mang lại hiệu quả rất lớn về mặt kinh tế, cả về vận chuyển hàng hóa lẫn thúc đẩy du lịch, đặc biệt là các tour đến Bình Thuận, Lâm Đồng.

Cao tốc kéo gần Dầu Giây, Bình Thuận
Sơ đồ đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây – Đồ họa: Lê Anh

Rút ngắn đường đi, doanh nghiệp tiết kiệm chi phí

Đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây dài 55 km, điểm đầu tại TPHCM bắt đầu từ nút giao An Phú, Quận 2, và điểm cuối giao với quốc lộ 1A tại nút giao Dầu Giây, tỉnh Đồng Nai. Theo các doanh nghiệp vận tải đánh giá, tuyến cao tốc này sẽ mang lại hiệu quả rất lớn không chỉ về khoảng cách, thời gian di chuyển mà cả chi phí vận tải.

Ông Trịnh Châu Khánh, Giám đốc Công ty vận tải Kim Lợi Minh, cho biết, từ khi có 20 km đường cao tốc, doanh nghiệp ông đã giảm được thời gian và chi phí nhiên liệu cho xe chở hàng từ cảng Cát Lái, TPHCM đến các khu công nghiệp ở huyện Nhơn Trạch, Long Thành ở Đồng Nai do xe không phải vòng lại xa lộ Hà Nội và cầu Đồng Nai. Hơn nữa khi đi đường cao tốc không bị kẹt xe và tốc độ nhanh hơn nên chi phí nhiên liệu giảm được 20%.

Tương tự, ông Trần Thanh Bảo, Trưởng phòng điều hành hãng xe Thiên Phú chạy tuyến TPHCM – Vũng Tàu, cũng cho biết, đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây đã rút ngắn đáng kể thời gian và quãng đường so với lộ trình trước đây qua xa lộ Hà Nội- quốc lộ 1A – quốc lộ 51.

“Đi đường cao tốc không bị kẹt xe, cộng với tốc độ nhanh hơn nên cũng giảm được 20% nhiên liệu. Việc quay vòng xe cũng nhanh hơn so với lộ trình cũ. Tuy nhiên, hiện nay đơn vị quản lý đường cao tốc không bán vé tháng nên khoản phí đi đường cao tốc khá lớn. Tôi đề nghị nên bán vé tháng như những trạm khác để giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp sử dụng nhiều,” ông Bảo nói.

Ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký hiệp hội vận tải hàng hóa TPHCM, cho biết các doanh nghiệp vận tải tại TPHCM đều mong chờ dự án đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây hoàn thành vì tuyến đường này giúp doanh nghiệp vận tải được hưởng lợi rất nhiều.

Theo ông Chung, hiệu quả của dự án đã thấy rõ kể từ khi thông xe 20 km đầu tiên, giúp các doanh nghiệp giảm được quãng đường và thời gian vận chuyển hàng từ cảng Cát Lái (TPHCM) đi Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu vì không phải đi vòng qua xa lộ Hà Nội và ngã 3 Vũng Tàu.

Sau khi thông xe toàn tuyến đến Dầu Giây, tuyến đường sẽ giúp các doanh nghiệp chở hàng đi các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên giảm được khá nhiều thời gian và chi phí và không phải chịu cảnh kẹt xe như trước.

Trao đổi thêm với TBKTSG Online, ông Phạm Hồng Quang, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), cho biết khi xây dựng đường cao tốc này, ước tính lưu lượng giao thông là 25.000 xe tiêu chuẩn (PCU) mỗi ngày đêm (PCU là phương tiện quy đổi lấy xe 5 chỗ ngồi làm chuẩn).

Hiện nay, đoạn 20km đưa vào sử dụng từ đầu năm 2014 đã đạt 18.000 PCU/ngày. Ông Quang tin rằng khi thông xe toàn bộ tuyến cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây lượng xe sẽ còn tăng cao hơn. “Khi đó thời gian thu phí sẽ rút ngắn xuống và có điều kiện để mở rộng giai đoạn 2,” ông Quang nói.

Sơ đồ hướng dẫn lưu thông tại nút giao Dầu Giây, tỉnh Đồng Nai – Đồ họa: Lê Anh

Có cao tốc, du khách sẽ đến Bình Thuận nhiều hơn

Sau khi đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây thông xe toàn tuyến, nhiều công ty du lịch dự báo, du khách, đặc biệt là khách du lịch tự đi, sẽ đến Bình Thuận nhiều hơn.

Ông Võ Anh Tài, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, cho biết đường cao tốc sẽ giúp doanh nghiệp du lịch đưa khách đi nhanh hơn, an toàn và chi phí cũng giảm hơn. Du khách sẽ có nhiều thời gian hơn để đi tour, thư giãn. Điều này có thể giúp doanh nghiệp tổ chức nhiều tour đến Bình Thuận và làm cho lượng khách tăng thêm.

“Tương tự như tuyến cao tốc Hà Nội – Lào Cao vừa mở gần đây, khi có đường mới tốt hơn chúng tôi đã mở thêm tour đến vùng Tây Bắc. Lần này, chúng tôi cũng sẽ mở tour mới đến Bình Thuận,” ông nói.

Còn ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận, cho biết tuy chưa thể kỳ vọng con đường mới sẽ tạo đột phá cho ngành công nghiệp không khói của tỉnh, nhưng sẽ là một lực đẩy tốt giúp tăng trưởng lượng khách du lịch. Hiện nay, phần lớn khách du lịch trong nước đến Bình Thuận là từ TPHCM nên con đường mới mở thực sự là một cầu nối tiện lợi cho du lịch Bình Thuận.

“Đường cũ đi mất từ 5-6 giờ từ TPHCM, nay chỉ còn 3-3,5 giờ đã giúp du khách tiện lợi hơn rất nhiều. Chúng tôi không chỉ kỳ vọng du khách từ TPHCM mà cả du khách từ phía Bắc đến nhiều hơn,” ông nói.

Theo ông Khoa, ngày càng có nhiều du khách từ miền Bắc vào du lịch Bình Thuận nhưng khách thường than phiền vì phải mất thời gian đi máy bay cùng nhiều giờ đi xe (từ TPHCM) đến Phan Thiết. Khi có đường cao tốc, vấn đề này sẽ được giải quyết. Ngoài ra, đường cao tốc sẽ giúp tăng lượng khách tự lái xe đi du lịch như nhóm khách gia đình – nhóm khách vốn đang tăng trưởng khá tốt trong thời gian gần đây.

Hiệp hội Du lịch Bình Thuận dự kiến sau tết Âm lịch sẽ tổ chức chương trình gặp gỡ khách hàng tại TPHCM để giới thiệu lại những dịch vụ du lịch của tỉnh, giúp doanh nghiệp tổ chức tour có thêm nhiều thông tin để làm tour sau khi có đường cao tốc.

Năm ngoái, tỉnh Bình Thuận đón khoảng 3,76 triệu khách du lịch. Phần lớn trong số này là khách trong nước, chỉ có khoảng 400.000 lượt khách quốc tế.

Đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây dài 55 km, gồm 4 làn xe cao tốc và 2 làn dừng khẩn cấp. Tuyến đường này quy định tốc độ theo từng đoạn, trong đó đoạn đường dẫn từ nút giao An Phú đến nút giao đường vành đai 2, TPHCM tốc độ tối đa là 80 km/giờ không hạn chế tốc độ tối thiểu.

Còn đoạn từ nút giao vành đai 2, TPHCM đến Dầu Giây, tỉnh Đồng Nai tốc độ tối đa 120 km/ giờ (riêng cầu Long Thành 100 km/giờ) tốc độ tối thiểu là 60 km/giờ. Đường cao tốc này cấm các loại xe máy (chỉ trừ 500 mét đoạn từ nút giao An Phú đến cầu Bà Đại phía TPHCM).

Các loại ô tô đi trên cao tốc này sẽ phải đóng phí dựa trên quãng đường xe đi. Cụ thể, nếu đi hết toàn tuyến thì ô tô dưới 12 chỗ, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt phải đóng 100.000 đồng/lượt. Còn đối với xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên và container 40 feet nếu đi toàn tuyến phải đóng 400.000 đồng/lượt.

Còn nếu đi từ quốc lộ 51 đến Dầu Giây, ô tô dưới 12 chỗ, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt đóng 60.000 đồng/lượt. Còn xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên và container 40 feet đóng 240.000 đồng/lượt.

Việc đưa vào khai thác toàn tuyến cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây sẽ rút ngắn khoảng cách và thời gian đi lại giữa TPHCM với các địa phương lân cận.

Cụ thể, từ TPHCM đi ngã ba Dầu Giây (quốc lộ 1 và hướng đi Liên Khương) chỉ còn hơn 50 km với thời gian một giờ thay vì phải đi 70 km và mất đến 3 giờ theo quốc lộ 1A như trước đây do bị ùn tắc ở khu vực cầu Đồng Nai. Còn từ TPHCM đi Vũng Tàu sẽ giảm còn 95 km và đi mất 1 giờ 20 phút thay vì phải đi 120 km và mất 2,5 giờ di chuyển bằng ô tô qua xa lộ Hà Nội- quốc lộ 1A – quốc 51 như trước đây.

Đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 20.630 tỉ đồng bằng vốn vay ODA và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Theo kế hoạch của Bộ GTVT, trong năm nay sẽ khởi công đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết (dự án đầu tiên được đầu tư theo hình thức hợp tác công tư – PPP) để nối với đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây.

 

Mời đọc thêm:

>> Cao tốc Long Thành – Dầu Giây: thu phí ngay sau khi thông xe

>> Thông xe toàn tuyến TPHCM-Long Thành – Dầu Giây trước Tết âm lịch

>> Thông xe thêm 2 nhánh dẫn vào cao tốc Long Thành – Dầu Giây

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới