Cắt điều kiện kinh doanh: Con số không phản ánh thực chất vấn đề
Lan Nhi
(TBKTSG Online) - Năm 2018 hừng hực khí thế cắt giảm điều kiện kinh doanh với mục tiêu Chính phủ đề ra là phải cắt giảm, đơn giản hớa ít nhất 50% điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên “chiến dịch” cắt giảm điều kiện còn nhiều vấn đề.
Phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương |
“Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh 2018" của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố hôm 15-1 cho thấy, đến hết tháng 11-2018 đã có 25 Nghị định về sửa đổi, cắt giảm điều kiện kinh doanh được ban hành, sửa đổi cho 80 Nghị định, trải rộng trên 15 lĩnh vực của 15 bộ, ngành, ngoại trừ Bộ Công an không có đề xuất sửa đổi.
Ngay từ đầu năm, chỉ tiêu cụ thể đã được Chính phủ chỉ đạo trong các Nghị quyết 01 và 19. Các bộ đã đồng loạt lập phương án cắt giảm, đơn giản hóa với tỷ lệ trên 50% và tiến hành xây dựng các nghị định để thực hiện hóa.
Tuy nhiên cũng trong năm 2018, các cơ quan nhà nước trung ương ban hành 948 văn bản quy phạm pháp luật (16 luật và 74 Nghị quyết của Quốc hội, 169 Nghị định của Chính phủ, 51 quyết định của Thủ tướng, 590 Thông tư của các bộ và 47 văn bản khác)...
Bức tranh pháp luật 2018 không phải chỉ toàn các mảng sáng. Trong từng ngành, từng lĩnh vực vẫn có những trường hợp quan điểm, định hướng thể hiện trong tờ trình thì đi theo hướng tạo thuận lơị cho môi trường kinh doanh nhưng quy định cụ thể được đề xuất thì dường như ngược lại. Một số quy định được coi là cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh nhưng chỉ mang tính hình thức, sửa đổi nhỏ trong khi chưa giải quyết được những vấn đề cốt lõi.
Một vài phương án bãi bỏ kiểm tra chuyên ngành chỉ tập trung vào những mặt hàng không có hoặc rất ít được kinh doanh mà giữ lại những mặt hàng có khối lượng thương mại lớn. Các quy định thu hút đầu tư tư nhân chưa nhất quán hoặc mới chỉ nặng về ưu đãi, hỗ trợ mà chưa chú trọng vào những yếu tố nền tảng của thị trường như quyền hợp đồng, quyền tài sản và minh bạch thông tin.
Phân tích sâu vào từng phương án hay các quy định tại nghị định có thể thấy nhiều trường hợp cắt giảm chỉ mang tính hình thức, đảm bảo yêu cầu về số lượng nhưng ít ý nghĩa thực tế. Ví dụ trong các phương án, điều kiện liên quan đến thân nhân (của 1 số vị trí quản lý, điều hành chuyên môn của doanh nghiệp) như “có năng lực hành vi dân sự” đều được kiến nghị bãi bỏ và đếm vào số lượng cắt giảm. Trên thực tế điều kiện này chỉ có nghĩa là cá nhân đủ 18 tuổi bình thường về nhận thức những điều kiện mà đương nhiên người ở vị trí đó của doanh nghiệp phải đáp ứng. Vì vậy việc bãi bỏ hay không các điều kiện này cũng không tạo thêm bất kỳ thuận lợi nào cho doanh nghiệp.
Hay trong lĩnh vực dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, liên quan đến điều kiện “phải có phương án kinh doanh”. Nghị định 151/2018 đã bỏ hai nội dung trong phương án kinh doanh thay vì 4 nội dung. Như vậy, trên thực tế các doanh nghiệp vẫn phải cung cấp phương án kinh doanh chỉ có điều với nội dung ít hơn. Trong khi “điều kiẹn về phương án kinh doanh” là không cần thiết.
Hay nói khác đi, nếu tính số lượng các điều kiện kinh doanh được đơn giản hóa thì đôi khi con số không phản ánh được thực chất của vấn đề.
Hoạt động rà soát, xây dựng và ban hành các Nghị định về điều kiện kinh doanh năm 2018 chỉ tiến hành xem xét, sửa đổi các điều kiện kinh doanh bất hợp lý tồn tại trong các văn bản cấp nghị định. Vì vậy, những điều kiện kinh doanh, dù biết là chưa phù hợp, gây khó khăn cho doanh nghiệp nhưng vẫn không được rà soát, bãi bỏ trong đợt này vì lý do quy định của văn bản cấp luật.
Chính vì giới hạn này mà rà soát gặp nhiều hạn chế khi chưa loại bỏ được triệt để các điều kinh doanh bất hợp lý, thậm chí là loại bỏ các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Ví dụ được VCCI chỉ ra như “kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển”, “kinh doanh dịch vụ làm thủ tục hải quan”, mua bán nợ… là những ngành nghề kinh doanh không nhận thấy tác động đáng kể nào lên lợi ích công cộng, hơn các ngành nghề kinh doanh thông thường khác. Vì vậy việc xác định các ngành nghề này là kinh doanh có điều kiện là chưa hợp lý. Tuy nhiên, trong các văn bản cấp luật như Bộ Luật hàng hải, Luật đầu tư… đang xác định đây là các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Song nghị định thì chưa bỏ được.
Cũng có tình trạng bỏ điều kiện kinh doanh cũ thêm điều kiện mới. Một số sửa đổi tại các nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh gây nên sự mâu thuẫn giữa mục tiêu và hành động khi có một số điều kiện kinh doanh được sửa đổi gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp. Hoặc có tình trạng bỏ giấy phép này nhưng “đẻ” thêm giấy phép khác và việc ban hành các giấy phép mới cũng không được xem xét, tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo tiêu chí thuận lợi cho doanh nghiệp.
Như điều kiện để được cấp Chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng tại Nghị định 100/2018 còn khó hơn so với quy định tại Nghị định 59/2015 khi cá nhân nộp hồ sơ xin cấp chứng chỉ phải đảm bảo “đã làm giám sát trưởng hoặc chỉ huy trưởng công trường” thay vì “đã trực tiếp giám sát thi công” như trước đây.