(KTSG Online) - Khi thời tiết hạn hán diễn biến tồi tệ hơn ở nhiều nơi trên thế giới, các nhóm nhà đầu tư bền vững đang tìm cách gây sức ép với những công ty lãng phí nước. Họ đồng thời tìm cơ hội đầu tư ở một nhóm công ty đại chúng ít ỏi đang tập trung giải quyết vấn đề quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá này.
Sáng kiến giám sát quản lý tài nguyên nước ở các doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu
Từ Kenya đến California (Mỹ) và gần một nửa châu Âu, tình trạng thiếu nước ngọt do hạn hán đã thu hút sự chú ý của các nhà hoạch định chính sách và mở ra cái nhìn mới cho hàng triệu người dân về tình trạng căng thẳng của hành tinh do biến đổi khí hậu.
Trong bối cảnh đó, hôm 16-8, Ceres, một mạng lưới nhà đầu tư thúc đẩy phát triển bền vững, đã ra mắt Sáng kiến đánh giá tài chính nước (Valuing Water Finance Initiative) để gây sức ép, buộc các doanh nghiệp lớn trên toàn cầu phải quản lý tài nguyên nước tốt hơn. Ceres cho biết cho đến nay, có 64 tổ chức đầu tư của Mỹ và quốc tế, đang quản lý số tài sản gần 10.000 tỉ đô la tham gia sáng kiến này, bao gồm các quỹ hưu trí và các công ty quản lý tài sản như Franklin Resources, Federated Hermes và Fidelity International.
Sáng kiến trên nhằm khuyến khích 72 công ty lớn nhất thế giới giải quyết các rủi ro tài chính liên quan đến nước và thúc đẩy các cải cách quy mô lớn để bảo vệ các hệ thống cung cấp nước toàn cầu.
Ceres cho biết sáng kiến sẽ đưa ra các hướng dẫn toàn diện và đầy tham vọng cho các nhà đầu tư để giúp họ xem xét và quản lý các rủi ro liên quan đến nước, bao gồm tính sẵn có và chất lượng nước cũng như giám sát các hội đồng quản trị trong vấn đề quản lý tài nguyên nước.
Ceres cho biết mục đích của sáng kiến này là nâng cao nhận thức xem nước ngọt như là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá nhất thế giới và làm nổi bật vai trò thiết yếu của nó trong các ngành công nghiệp, cộng đồng và hệ sinh thái.
Theo Ceres, sáng kiến đang nhắm đến các thương hiệu thực phẩm và đồ uống hàng đầu như Coca-Cola, Pepsi, Diageo và Heineken, cũng như Nestlé, Unilever, Kellogg's và Danone cùg một một số chuỗi nhà hàng lớn nhất thế giới, bao gồm Mc Donald's, Domino's và Chipotle. Ngoài ra, một số thương hiệu thời trang lớn nhất thế giới, như Adidas, Burberry và Levi's và các “gã khổng lồ” công nghệ như Apple, Microsoft, Amazon và Alphabet cũng tham gia sáng kiến này.
Lợi ích của sáng kiến đó rất rõ ràng: Phân tích của các nền tảng công bố thông tin môi trường liên quan đến doanh nghiệp của hai tổ chức CDP và Planet Tracker hồi tháng 5 cho thấy, các công ty tài chính đang quản lý 130 ngàn tỉ đô la tài sản trên thế giới có thể phải đối mặt với thiệt hại ít nhất 225 tỉ đô la do các rủi ro liên quan đến nước.
Dexter Galvin, Giám đốc phụ trách doanh nghiệp và chuỗi cung ứng toàn cầu của CDP cho biết: “Đây không còn là những rủi ro xa vời nữa vì chúng đang diễn ra”.
Ví dụ, vào tuần trước, hãng xe Toyota (Nhật Bản) đã tạm ngừng sản xuất tại một nhà máy ở tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc trong bối cảnh thiếu điện do hạn hán.
Các quỹ đầu tư tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng nước
Theo Liên Hợp Quốc, nhận thức được tình hình tồi tệ đến mức nào, với 2,3 tỉ người hiện đang sống ở các nước bị căng thẳng về nguồn nước, đã thúc đẩy một công ty quản lý tài sản thành lập các quỹ đầu tư nhằm thu hút sự quan tâm ngày càng tăng của những nhà đầu tư đang tìm kiếm các giải pháp quản lý hiệu quả tài nguyên nước.
Dữ liệu của Morningstar Direct cho thấy trên toàn cầu, có 23 quỹ đầu tư tập trung vào giải pháp cho cuộc khủng hoảng nước được thành lập trong 5 năm qua, với tổng tài sản 8 tỉ đô la, tính đến cuối tháng 8.
David Grumhaus Jr. Giám đốc đốc danh mục đầu tư Quỹ Virtus Duff & Phelps, đang quản lý 812 triệu đô la, cho biết đã có một “hiệu ứng lan tỏa” khi khủng hoảng nước ngày càng trở nên tồi tệ. Quỹ Virtus Duff & Phelps được thành lập với mục đích tìm kiếm các cơ hội đầu tư hấp dẫn ở các công ty chuyên về công nghệ giúp xử lý cuộc khủng hoảng nước toàn cầu.
Grumhaus nói: “Khi câu chuyện tin tức hàng đầu là tàu thuyền chở hàng không thể qua sông Rhine do cạn đáy và người Đức sẽ không tiếp cận được tất cả nguồn cung hàng hóa của họ, điều đó chắc chắn khiến mọi người nghĩ về nước và quỹ của chúng tôi”.
Theo Bobby Blue, nhà quản lý cấp cao của Morningstar Direct, các quỹ đầu tư về nước không trực tiếp sở hữu các quyền về nước, vốn nằm dưới sự quản lý của địa phương, thay vào đó, họ đầu tư vào các công ty có hoạt động kinh doanh liên quan đến nước.
Các công ty đại chúng như nhà cung cấp dịch vụ nước American Water Works Company, Công ty công nghệ hạ tầng cấp nước Xylem (Mỹ) và Công ty công nghiệp Georg Fischer (Thụy Sĩ), chuyên về các hoạt động giúp vận chuyển nước an toàn
Các nhà quản lý quỹ và nhà phân tích cho biết số lượng các công ty đại chúng chỉ tập trung vào nước, là rất ít ỏi.
Simon Gottelier, đồng quản lý Quỹ đầu tư nước Thematic. đang quản lý số tài sản trị giá 282 triệu đô la, ước tính rằng có khoảng 25 đến 30 công ty cấp nước có thể đầu tư trên toàn cầu, cũng như một số ít doanh nghiệp về công nghệ nước.
Do đó, các nhà quản lý tài sản chuyển mục tiêu sang một nhóm lớn hơn các công ty có nhiều mảng kinh doanh bao gồm mảng liên quan đến nước, chẳng hạn như khử mặn, tưới tiêu thông minh và ngăn ngừa ô nhiễm nước.
Cedric Lecamp, quản lý đầu tư ở Quỹ Pictet-Water Strategy, đang nắm giữ số tài sản 9,2 tỉ đô la, cho biết công ty ông đã xác định được 360 công ty có “sự tiếp xúc có ý nghĩa với chủ đề nước”.
Justin Winter, đồng quản lý Quỹ Impax Water Strategy, sở hữu số tài sản 7,3 tỉ đô la, nói: “Chưa có một sự bùng nổ lớn về các công ty mới cung cấp các giải pháp trong lĩnh vực nước. Nhưng triển vọng của các công ty có mảng kinh doanh nước hiện nay chưa bao giờ tốt hơn hiện nay”
Albert Cho, Phó chủ tịch Xylem, cho biết doanh thu công ty ông dự kiến tăng trưởng 5% mỗi năm cho đến năm 2025 khi nhu cầu quản lý nước hiệu quả của khách hàng tăng lên.
Đó không phải là một mức tăng trưởng cao đối với một công ty công nghệ nhưng Cho xem đó là mức tăng trưởng có ý nghĩa đối với ngành nước, nơi khách hàng thường là những công ty cấp nước địa phương, không có nguồn tài chính dồi dào.
Theo Reuters