Thứ tư, 25/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Câu chuyện nội lực tiêu dùng

Minh Duy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Có hai câu chuyện thị trường đáng lưu ý gần đây về sản phẩm thu hút đông đảo khách hàng với doanh số vượt trội, phản ánh khá rõ xu hướng tiêu dùng mới của người dân.

Thứ nhất là điện thoại iPhone 16. Căn cứ theo số lượng máy được kích hoạt, ước tính chỉ riêng trong ngày đầu tiên mở bán (27-9-2024) đã có 37.000 sản phẩm đến tay khách hàng với tổng doanh thu hơn 1.100 tỉ đồng. Một số nhà phân phối lớn chỉ trong ngày đầu đã giao hàng từ 3.000-10.000 sản phẩm với doanh thu hàng trăm tỉ đồng.

Thứ hai là ô tô điện VinFast VF5 Plus. Mẫu xe điện duy nhất trong phân khúc xe hạng A liên tiếp đứng đầu bảng về doanh số trong nhiều tháng. Thống kê riêng tháng 8-2024, doanh số của VF5 Plus lên tới 2.200 chiếc, vững vàng ở ngôi vị số 1 và bỏ xa các đối thủ khác. Nếu tính trong hai tháng gần nhất, doanh số của VF5 Plus là khoảng 4.800 xe, bằng doanh số của nhiều mẫu xe khác bán trong một vài năm. Kết quả này còn chưa tính đến mẫu xe VF3 cũng đang được người dùng Việt dành sự quan tâm rất cao.

Hai sản phẩm nói trên, tuy khác nhau về xuất xứ (hàng ngoại/hàng nội) nhưng cùng chung đặc điểm là có sức hấp dẫn cao, thu hút đông đảo lượng người tiêu dùng sớm “chốt hạ” chỉ trong một thời gian rất ngắn. Với xu hướng tiêu dùng hiện đại thời nay, người dùng Việt ngày càng sành điệu, thậm chí sành sỏi và khó tính, không dễ để một sản phẩm có năng lực tiếp thị mạnh mẽ, nếu không đảm bảo được uy tín/chất lượng thương hiệu, có sức thuyết phục cao, đáp ứng được thị hiếu/sở thích, trước mắt cũng như lâu dài.

Sẽ là miễn bàn khi nói về điện thoại iPhone 16, bởi đây là sản phẩm công nghệ cao thuộc diện “đỉnh”, rất quen thuộc với người dùng Việt từ lâu nay. Riêng xe điện VinFast, mặc dù sinh sau đẻ muộn, nhưng vẫn đang vững tiến trên hành trình từng bước chinh phục lòng tin của người tiêu dùng thông qua chiến lược “xanh hóa”, chuyên nghiệp hóa hệ sinh thái dịch vụ sản phẩm, phù hợp với xu thế của toàn cầu về định hướng mục tiêu trung hòa carbon “NET ZERO” vào năm 2050. Có thể khẳng định sự quan tâm và ủng hộ của người tiêu dùng Việt đối với các dòng sản phẩm thân thiện môi trường chính là bước ngoặt, là tín hiệu tích cực và quan trọng nhất trong quá trình dịch chuyển sang “văn hóa tiêu dùng xanh” trong giai đoạn hiện nay.

Phát huy nội lực, luôn là phương châm chủ đạo từ xưa đến nay, nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực và tự cường, làm nền tảng cho công cuộc hội nhập quốc tế thành công. Với dân số 100 triệu người, trong đó lực lượng trong độ tuổi lao động 46 triệu, chiếm gần 50%, có thể nói nội lực tiêu dùng của nền kinh tế nước ta vô cùng lớn, nhiều tiềm năng. Đây chính là động lực quan trọng nhất để định hướng cho mọi hoạt động sản xuất - kinh doanh, trong đó có lĩnh vực “kinh tế xanh” mới nổi, với nhiều triển vọng đáng được cổ vũ trong thời gian tới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới