Thứ tư, 20/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Câu chuyện về cái chai Kikkoman

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Nước tương Kikkoman của Nhật Bản đã qua mặt Maggi và nhiều dòng nước tương lâu đời khác ở châu Á nhờ vào một thay đổi nhỏ: thiết kế chai và nắp chai. Câu chuyện của Kikkoman lại nhắc nhở về những thay đổi nhỏ mang lại hiệu quả kinh doanh lớn nhờ sự chú tâm cải thiện tiện ích cho người dùng - điều mà đôi khi doanh nghiệp vì lao theo mục tiêu lớn, muốn thành công nhanh đã bỏ quên. Kikkoman đã tạo nguồn cảm hứng mới mẻ về đổi mới cho các hãng sản xuất cùng ngành.

Thiết kế chai và nắp chai của Kikkoman đã giúp hãng nước tương Nhật Bản thắng thế trước hãng Maggi và nhiều hãng nước tương châu Á khác.

Nằm giữa vùng đồng bằng Kanto rộng lớn nhất Nhật Bản, dồi dào nguồn nguyên liệu đậu nành và lúa mì, đông nhân công và giao thông thuận tiện, Noda trở thành trung tâm sản xuất nước tương lớn nhất Nhật Bản từ giữa thế kỷ 17 cho đến cuối thế kỷ 19. Kikkoman ra đời ở cái nôi sản xuất nước tương này. Hiệp hội sản xuất nước tương truyền thống của Noda thành lập giữa thế kỷ 19 với 19 thành viên đầu tiên, nhằm khuếch trương sản xuất và kinh doanh nước tương giữa Noda và Edo (sau này là thủ đô Tokyo).

Mở rộng thị trường, thiết kế lại chai và nắp

Thương buôn Nhật và nước ngoài đã bắt đầu bán nước tương ra toàn cầu trong giai đoạn này. Chỉ sau Thế chiến thứ hai, Kikkoman mới bắt đầu ra nước ngoài nhưng việc buôn bán phát triển nhanh chóng - theo trang web của Kikkoman. Sau chiến tranh, lực lượng đồng minh, nhà báo và người nước ngoài bắt đầu sinh sống nhiều ở Nhật Bản, trở nên quen thuộc với nước tương và ẩm thực Nhật Bản, Kikkoman nhận ra đây là cơ hội lớn để họ mở rộng công cuộc kinh doanh ở nước ngoài.

Năm 1979, thành phố Düsseldorf của Đức trở thành “đại bản doanh” của Kikkoman ở châu Âu. Năm 1997, Kikkoman mở nhà máy mới sản xuất nước tương ở Sappemeer, Hà Lan. Nhưng sự phát triển mạnh mẽ của Kikkoman ở nước ngoài lại nhờ thiết kế đặc biệt của cái nắp và cái chai đựng nước tương.

Năm 1961, nhà thiết kế công nghiệp Kenji Ekuan (1929-2015) và các cộng sự của ông tại Phòng thí nghiệm Thiết kế Công nghiệp GK được giao nhiệm vụ thiết kế lại chai nước tương truyền thống cho Kikkoman. Trước thời điểm này, nước tương thường được bán trong những chai lớn và cồng kềnh với thể tích 1,6 lít. Kenji nghĩ đến một cái chai vừa đáp ứng chức năng cơ bản là đựng nước tương, vừa có vẻ ngoài đẹp mắt.

Thách thức lớn cho việc thiết kế cái chai nước tương là loại nước chấm này lỏng, không đặc như các sốt cà chua chẳng hạn. Điều này thường dẫn đến hiện tượng đọng lại ở vòi ở nắp chai, khiến nước chấm chỉ nhỏ giọt như bị nghẽn, không chảy đều. Kenji và ê kíp đã trải qua nhiều thử nghiệm và tìm kiếm để tìm ra giải pháp. Ông sáng chế một góc ngược trên vòi, để đảm bảo lượng chất lỏng còn lại chảy ngược vào trong chai. Tuy nhiên, chi tiết vòi chỉ là một phần của thiết kế, khi ông kết hợp thêm với một số điểm nhấn trực quan.

Ayako Soda - nữ kỹ sư đứng đầu nhóm phát triển nước tương không màu của Fundodai nhân 150 năm thành lập hãng.
Ảnh: Asahi Shimbun

Lựa chọn chai làm bằng thủy tinh, để xem nước tương còn lại trong chai là bao nhiêu có vẻ là lựa chọn hiển nhiên, nhưng điều này vẫn thường bị nhiều nhà sản xuất bỏ qua vào thời điểm ấy cho đến hiện nay. Hình dạng nhẵn, thuôn nhọn ở cổ giúp dễ cầm, đảm bảo nước tương chảy dễ dàng và tạo cho chai một thiết kế bên ngoài khác biệt rõ ràng, dễ nhận ra. Chiếc nắp màu đỏ tươi tạo điểm nhấn cho thị giác.

Hình dạng độc đáo của chai đã mang lại thành công của Kikkoman trong hơn 60 năm qua và mẫu mã hầu như không có thay đổi lớn. Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại (MoMa) ở New York đã vinh danh thiết kế của Kenji bằng cách đưa chai nước tương Kikkoman vào bộ sưu tập thiết kế vĩnh viễn tại đây. Thiết kế chai độc đáo cũng giúp Kikkoman đánh bại luôn Maggi - loại nước tương được phát minh ở Thụy Sĩ và sản xuất công nghiệp tại Đức - từ những năm cuối của thế kỷ 19.

“Đột phá” với dòng nước tương trong suốt, thực phẩm không màu

Người Nhật duy mỹ, quá chi tiết với cái đẹp. Họ tin rằng nước tương trong suốt sẽ không làm mất đi vẻ đẹp của món ăn. Dù trong suốt, nhưng nước tương vẫn giữ đúng mùi vị.

Năm 2019, Công ty Fundodai Goyu (thành lập năm 1869) thành công trong việc tách sắc tố nâu đen ra khỏi phần nước tương tươi vừa mới được ép từ đậu lên men bằng thiết bị đặc biệt. Ayako Soda, Trưởng ban phát triển sản phẩm mới của Fundodai, nói với tờ Asahi Shimbun rằng hãng phát triển dòng sản phẩm trong suốt nhân dịp kỷ niệm 150 năm thành lập.

Nước tương trong suốt - hay Tomei Shoyu - có thể được dùng để ướp cá và các món cá trắng hoặc dùng như một nguyên liệu làm kem. Hiện Tomei Shoyu chỉ được bán ở vùng Kyushu, tuy nhiên khách hàng từ Việt Nam có thể đặt mua qua trang Amazon. Giá bán chai 100 mi li lít khoảng 500 yen (gần 90.000 đồng) cộng với cước bưu điện.

Từ đầu tháng 8 này, Fundodai Goyu bắt đầu bán các loại thực phẩm mới trong suốt tại cửa hàng ở quận Asakusa, Tokyo. Có thể kể đến bánh kem trong suốt (custard pudding thường có màu vàng), chip khoai tây trong suốt, các loại mì ramen và há cảo trong suốt…

Nước tương trong suốt của Fundodai Goyu đã được xuất sang 25 thị trường nước ngoài và hiện chiếm 15% doanh số của hãng. Xuất khẩu nước tương trong suốt của hãng tăng gấp đôi mỗi năm. Chủ tịch Osamu Yamamura nói rằng: “Thị trường nước ngoài rất nhạy cảm với màu sắc sản phẩm. Nước tương trong suốt của chúng tôi đang rất thịnh hành ở Trung Quốc, Đông Nam Á và châu Âu”.

Khách du lịch quốc tế đến Nhật Bản nay cũng cố tìm nước tương trong suốt của Fundodai để làm quà lưu niệm. Họ hiện chiếm khoảng 40-50% lượng khách xếp hàng trước các cửa hàng ở Tokyo của hãng mỗi ngày. Fundodai cho rằng “thực phẩm trong suốt là xu hướng mới, rất thích hợp cho mùa hè”.

Nước tương truyền thống Nhật Bản không chỉ dừng ở đó. Hãng nước tương Yuasa Soy Saue ở tỉnh Wakayama - một cái nôi khác của nước tương Nhật Bản - đang hợp tác với nhà vang Chateau Coutet từ Saint- Emilion, Bordeaux để sản xuất loại nước tương hữu cơ lên men trong thùng gỗ sồi. Saint-Emilion là khu vực sản xuất vang danh tiếng của Pháp, được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa thế giới.

Cảm hứng từ Kikkoman

Với nhiều người dân miền Nam, chai nước tương Kikkoman là hình ảnh, vật dụng quen thuộc. Bởi nó xuất hiện ở những quán mì Tàu cũ kỹ, trên chiếc xe đẩy bốn bánh là quầy hàng bán hủ tiếu mì của người Hoa ở Sài Gòn lục tỉnh xưa nay. Chai nước tương Kikkoman với thiết kế đặc biệt như là một “nhận diện thương hiệu” của những xe hay quán hủ tiếu mì Tàu, với tủ hay vách kiếng màu, có chạm khắc. Khi nước tương trong chai Kikkoman đã hết, chủ quán liền châm thêm nước tương mới để xài lại. Cái chai đầy đặc trưng này được những chủ quán người Việt châm thêm nước mắm, nối dài vòng đời của nó ở những quán hủ tiếu bình dân hàng chục năm qua.

Những chai Kikkoman giờ đây lại là nguồn cảm hứng mới cho những nhà thùng nước mắm truyền thống của Việt Nam. Có ít nhất hai nhà thùng ở Phú Quốc đã chỉ đặt những chiếc nắp chai Kikkoman từ Nhật Bản để sử dụng cho những chai nước mắm truyền thống từ cá cơm ở hòn đảo này. Nhà thùng giải thích rằng các loại chai thông thường mà họ sử dụng thường đọng lại những viên muối nhỏ quanh miệng chai trong quá trình sử dụng, nhìn không thẩm mỹ hay vệ sinh lắm. Nhưng khi sử dụng nắp chai Kikkoman thì không có hoặc giảm đáng kể hiện tượng đọng muối quanh miệng chai nước mắm.

Anh Trần Bảo Quốc từ Nước mắm truyền thống Khải Hoàn, một nhà thùng lớn ở Phú Quốc, nói rằng: “Tại sao lại không thử cái mới khi những điều này tạo nên tiện lợi mới cho sản phẩm, giúp tăng doanh số”.

Phần lớn các món ăn Việt đều có nước nắm hay nước chấm đi kèm. Nhưng các bịch nước mắm được cột thun quá chặt hay những hộp nhựa nhỏ đựng nước mắm cũng khá bất tiện vì có thể bể, vỡ và dính vào tay, có mùi hôi khó chịu. Một số các công ty thực phẩm và quán ăn đã nghĩ đến loại đồ đựng tương tự “các tuýp nước tương hình con cá” thường kèm theo các món sushi hay sashimi của người Nhật.

Hay như Công ty S.G.F đã từng đề nghị với một doanh nhân có nhiều bằng sáng chế kỹ thuật tại Mỹ về việc chế tạo và sản xuất loại nước dừa cô đặc, đựng trong các tuýp hay hũ, có thể ăn liền nhằm tạo ra dòng sản phẩm chè hay bánh ngọt có nước dừa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới