(KTSG Online) - Khởi đầu chỉ là một nhóm tình nguyện nhỏ, sau hơn 15 năm hoạt động, Joy Foundation của doanh nhân Nguyễn Siêu Hạnh đã phát triển thành một doanh nghiệp xã hội. Sự trưởng thành này không chỉ giúp tổ chức xây dựng được uy tín mà còn tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc kêu gọi tài trợ cho các dự án cộng đồng.
- Doanh nghiệp xã hội sống tốt bằng cách nào?
- Làm doanh nghiệp xã hội: Lòng tốt là điểm khởi đầu cho hành trình bền vững
Câu chuyện về Joy Foundation không bắt đầu từ một phòng họp sang trọng mà từ những buổi tham gia hoạt động tình nguyện của người sáng lập, anh Nguyễn Siêu Hạnh.
Anh Hạnh bén duyên với công tác thiện nguyện từ những năm tháng còn là sinh viên khi tham gia dạy học cho trẻ em đường phố tại TPHCM. Một thời gian sau, anh và nhiều bạn trẻ tiếp tục tổ chức các hoạt động thiện nguyện khác như tặng học bổng, xe đạp, sách giáo khoa và quần áo cũ quyên góp từ thành phố đến trẻ em vùng khó khăn.
“Tôi không nghĩ đến việc xây dựng một dự án lớn lao, chỉ mong rằng giai đoạn sinh viên của mình sẽ có một dấu ấn”, anh Hạnh chia sẻ.
Năm 2009, khi học tập và làm việc tại Đức, Nguyễn Siêu Hạnh bắt đầu đi về giữa hai nước để thành lập dự án riêng ở Việt Nam là nhóm tình nguyện Journey Of Youth (Joy), thực hiện các chương trình hỗ trợ học bổng và nhu yếu phẩm cho trẻ em nghèo.
Một dấu mốc quan trọng xảy ra khi nhóm tổ chức chương trình thiện nguyện tại Đắk Lắk, do phải sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh nên nhiều thành viên gặp trục trặc về sức khỏe khi trở về.
Từ trải nghiệm đó, anh cùng cộng sự triển khai giải pháp lắp đặt các công trình nước sạch tại Tây Nguyên. Ban đầu, chỉ là một dự án nhỏ trong một trường học, nhưng dần dần, dự án tạo được tiếng vang và thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp lớn, mở rộng quy mô cung cấp nước sạch cho cả một ngôi làng.
Đến nay, hơn 50.000 người tại khu vực Tây Nguyên đang sử dụng nước sạch từ các dự án của Joy. Tuy nhiên, nhóm cũng đã gặp phải một số khó khăn, trong đó, có việc mất cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp lớn vì thiếu tư cách pháp nhân. “Nhiều đối tác cần một dự án có tính pháp lý rõ ràng với hóa đơn và chứng từ hợp lệ để hợp tác,” anh Hạnh nói.
Anh kể, lúc mới bắt đầu, do Joy còn quá "trẻ" để tạo được niềm tin, mọi người chưa biết Joy như thế nào nên việc vận động tài trợ rất khó khăn. Có chương trình tại Tây Ninh, dù đã sát ngày tổ chức và chỉ thiếu vài trăm ngàn đồng để có thể làm chương trình nhưng nhóm tình nguyện vẫn rất vất vả mới tìm đủ.
Từ thực tế đó, năm 2020, Joy Foundation chính thức chuyển đổi thành doanh nghiệp xã hội với tên gọi Công ty TNHH Xã hội Joy Foundation. Quyết định này không chỉ giúp tổ chức có cơ sở pháp lý vững chắc mà còn mang lại nhiều thuận lợi trong việc hợp tác với các đối tác doanh nghiệp.
Mô hình doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam có nhiều điểm mạnh, nhờ vào cơ chế pháp lý rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi để các dự án cộng đồng tiếp cận nguồn tài trợ từ doanh nghiệp. Đây cũng chính là lý do Joy Foundation chọn mô hình này thay vì hoạt động dưới dạng tổ chức phi chính phủ hay nhóm thiện nguyện.
“Kể từ khi có pháp nhân, chúng tôi thấy mình được sự thuận lợi nhiều hơn là khó khăn,” anh Hạnh bộc bạch.
Khác với quy định chung cho doanh nghiệp xã hội là cam kết 51% lợi nhuận tái đầu tư vào các dự án cộng đồng, Joy Foundation cam kết 100%. Điều này đồng nghĩa mọi khoản tài trợ từ đối tác sẽ được sử dụng hoàn toàn cho việc triển khai các dự án.
Khi tài trợ cho các hoạt động xã hội, mối lo lớn nhất là liệu số tiền này có đến đúng người cần và được chi cho đúng mục đích hay không. Hiểu rõ điều này, Joy Foundation rất cẩn thận trong việc lập báo cáo và giám sát các hoạt động. Hàng năm, quỹ kiểm tra các hệ thống nước đã triển khai và phối hợp với chính quyền địa phương khi cần thiết, theo dõi phản hồi của người dân về chất lượng nước. Đối với các dự án trồng cây, Joy cũng thăm lại các khu vực đã trồng để kiểm tra tỷ lệ sống sót của cây và có phương án bổ sung cây nếu cần.
Theo anh, khi làm việc với đối tác, quỹ luôn đề xuất rõ rằng mọi khoản tài trợ sẽ được sử dụng hoàn toàn cho việc triển khai dự án, bao gồm cả vật tư và chi phí nhân sự. Sự minh bạch trong vận hành là điều kiện tiên quyết để xây dựng niềm tin và sự hài lòng từ phía đối tác, đại diện Joy nói thêm.
Hiện tại, Joy Foundation đang triển khai ba dự án chính là Sách về làng, Nước sạch và Vườn Rừng. Mỗi dự án được tính toán và phân bổ ngân sách một cách cụ thể. Chẳng hạn, dự án Sách về làng, 100% tiền vận động được đều tập trung toàn bộ nguồn lực để mua sách và bàn giao cho nhà trường và chính quyền địa phương. Dự án Nước sạch sử dụng ngân sách để mua vật tư lắp đặt hệ thống lọc nước và trả chi phí cho kỹ sư kiểm tra, bảo trì hệ thống. Dự án Vườn Rừng dành 50% ngân sách cho cây giống, phần còn lại dùng để mua phân bón, thuốc trừ sâu và chi phí nhân sự. Nếu không thể trồng hết cây giống trong thời gian ngắn, Joy Foundation sẽ dùng tiền để thuê người dân địa phương thực hiện.
“Một điều may mắn của công ty là hiếm khi phải chủ động tìm kiếm nguồn tài trợ. Thông thường, khi làm việc với đối tác A, họ cảm thấy hài lòng và sẽ giới thiệu thêm các đối tác khác như B, C, D đến với chúng tôi. Đây là sự động viên lớn nhất mà Joy nhận được trong hành trình hoạt động” đại diện tổ chức chia sẻ.
Sau 15 năm hoạt động, từ một nhóm nhỏ, Joy Foundation đã thu hút hơn 1.000 tình nguyện viên. Trong đó, khoảng 20 người đóng vai trò nòng cốt và tất cả đều không được công ty trả lương. Đội ngũ chủ yếu là bạn bè thân thiết của nhà sáng lập, những người đã gắn bó và làm việc cùng nhau hơn 10 năm. Với sự hiểu biết lẫn nhau và tình yêu dành cho các dự án cộng đồng, họ tham gia hoàn toàn tự nguyện.
“Mỗi người đều có công việc riêng, có thu nhập cá nhân, ai muốn tham gia phải đóng tiền để trang trải chi phí ăn uống, đi lại cùng Joy trong quá trình thực hiện. Có lẽ điều quan trọng là chúng tôi tìm thấy niềm vui trong việc tạo ra giá trị cho cộng đồng và xem đó là động lực để tiếp tục hành trình này”, đại diện Joy Foundation cho biết.
Joy Foundation không có văn phòng cố định. Nhà riêng của nhà sáng lập được sử dụng làm địa chỉ pháp lý. Khi cần họp bàn, đội ngũ tổ chức các buổi họp online hoặc gặp nhau tại một địa điểm thuận tiện. Cách làm này giúp tiết kiệm chi phí vận hành, đảm bảo mọi khoản đóng góp được sử dụng hiệu quả cho cộng đồng.
Về quản lý dòng tiền, nếu cuối năm Joy Foundation chưa sử dụng hết số tiền kêu gọi được, tổ chức vẫn phải đóng thuế cho phần dư. Tuy nhiên, số tiền còn lại sẽ được tái đầu tư vào các dự án cộng đồng trong năm sau. Điều này giúp đảm bảo rằng toàn bộ nguồn lực huy động đều phục vụ mục tiêu cộng đồng lâu dài.
Theo anh Hạnh, điểm khác biệt lớn của doanh nghiệp anh so với nhiều doanh nghiệp xã hội khác là không chịu áp lực về kinh doanh hay lợi nhuận. Toàn bộ hoạt động của Joy Foundation tập trung vào việc vận động tài trợ từ các đối tác và đầu tư trực tiếp vào các dự án cộng đồng, huy động được bao nhiêu thì làm bấy nhiêu, không chạy theo số lượng.
Điều này giúp quỹ không bị gánh nặng tài chính và có thể tập trung toàn bộ nguồn lực vào mục tiêu xã hội. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp xã hội phải gánh cả hai nhiệm vụ, vừa kinh doanh để tạo lợi nhuận, vừa sử dụng lợi nhuận đó để hỗ trợ các dự án cộng đồng.
Năm ngoái, doanh nghiệp huy động được hơn 4 tỉ đồng, trồng được thêm hơn 65.000 cây xanh và gửi hơn 2.000 đầu sách đến với trẻ em. Kết thúc mùa trồng rừng năm nay, Joy Foundation đã trồng hơn 200.000 cây xanh, con số cao nhất từ trước đến nay.
Theo nhà sáng lập, điều khiến Joy Foundation được nhiều người tìm đến là vì quỹ triển khai những dự án thiết thực, dễ hiểu và dễ tham gia đóng góp. Chẳng hạn, với dự án Vườn Rừng, chỉ với mỗi 35.000 đồng là ai cũng có thể tham gia trồng một cây xanh. “Chúng tôi không yêu cầu mọi người phải cam kết bao nhiêu hecta hay bao nhiêu cây trồng cụ thể, đơn giản vì muốn ai cũng có thể đóng góp vì môi trường”, anh nói.
Một trăn trở lớn mà người sáng lập và cộng sự của doanh nghiệp này đang đối mặt là việc chưa tạo được sinh kế rõ ràng cho người dân. Vì vậy, trong kế hoạch phát triển, Joy đang tìm cách mở rộng dự án Vườn Rừng để kết nối chặt chẽ hơn với câu chuyện sinh kế cho người dân.
Ngoài ra, công ty cũng lên kế hoạch tổ chức các chuyến đi dã ngoại dành cho những người yêu thích thiên nhiên. Khi tham gia vào công việc này, mỗi người dân đều có thể trở thành hướng dẫn viên hoặc phụ trách công tác vận chuyển, đưa du khách vào rừng và chia sẻ những câu chuyện về thiên nhiên.
Theo anh Hạnh, mô hình này không chỉ giúp người dân tham gia trồng rừng có thêm thu nhập mà còn giúp các đối tác nhận thấy rằng việc khôi phục thiên nhiên không chỉ bảo vệ môi trường mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng xung quanh. Từ đó, các bên sẽ cùng thúc đẩy các hoạt động thiện nguyện, giữ gìn thiên nhiên, giúp cuộc sống tốt đẹp hơn.