Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cây bông vải thất thế  

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cây bông vải thất thế  

Diện tích trồng bông giảm dần do nhiều yếu tố chứ không chỉ vì giá thu mua -Ảnh: T.L

(TBKTSG Online) – Dù Công ty Bông Việt Nam và các công ty kinh doanh bông vải khác đã nâng giá mua bông hạt từ 7.000 đồng/kg năm ngoái lên 9.000 đồng/kg năm nay nhưng cây bông vải trong nước vẫn lụi tàn dần.

Nguyên nhân chính là cây bông vải đang thất thế so với các cây trồng khác, nên không thể cạnh tranh giành đất. Tiến sĩ Hoàng Ngọc Bình, từng là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển bông vải, đã trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online xung quanh câu chuyện cây bông vải đang bị xóa sổ dần ở các địa phương.

Thưa ông, nhiều người trong ngành nông nghiệp đang lo lắng cho cây bông vải, vốn một thời được Chính phủ hy vọng có thể giúp ngành dệt may Việt Nam hạn chế nhập khẩu bông xơ, bông sợi của nước ngoài, nay có nguy cơ lụi tàn dần. Phải chăng giá thu mua bông vải của các công ty quá thấp?  

Giá mua bông vải của Công ty Bông Việt Nam hay của các công ty bông khác ở các tỉnh vừa phải dựa vào tính toán chi phí sản xuất của nông dân, vừa phụ thuộc vào giá bông vải thế giới, nên bản thân các công ty bông vải không thể quyết định giá mua bông. Nếu mua quá cao thì các công ty dệt sẽ nhập khẩu bông nước ngoài rẻ hơn là mua trong nước từ các công ty bông.  

Năm ngoái, các công ty bông thu mua bông hạt giá 7.000 đồng/kg, năm nay tăng lên 9.000 đồng/kg, tức tăng gần 30% nhưng chẳng ăn thua.  

Có nghĩa giá thu mua bông mà lâu nay nông dân phàn nàn không phải là lý do chính giết chết cây bông?  

Vâng! Giá là biện pháp quan trọng nhất để khuyến khích nông dân trồng bông nhưng cây bông hiện nay đang lụi tàn dần do nhiều yếu tố.  

Niên vụ bông vải 2002-2003, cả nước có tới 32.000 héc ta gieo trồng bông, sản lượng chừng 32.000 tấn bông, niên vụ 2007-2008 này chỉ còn 8.100 héc ta, thu hoạch hơn 10.000 tấn, tức chỉ còn hơn 1/4  về diện tích và 1/3 về sản lượng trong vòng có 4 năm.  

Nếu chỉ vì giá thì không giảm nhanh như vậy. Bản chất của vấn đề, theo tôi, là cây bông đang thất thế. Thất thế từ giá mua bông hạt không tăng bao nhiêu do còn phụ thuộc vào giá thế giới, thất thế vì cây bông vải không cạnh tranh giành đất được so với các cây trồng có cùng thời gian sinh trưởng như bắp, khoai mì, đậu, ớt, thuốc lá, thậm chí thất thế cả trong bản thân sinh học của cây bông.  

Nông dân trồng 1 héc ta bông cho thu hoạch bình quân 1,2-1,3 tấn hạt, với giá 9.000 đồng/kg bông hạt thì thu chỉ hơn 10 triệu đồng một chút, trừ đi công cán, giống má, phân thuốc, lãi chẳng còn bao nhiêu. Trong khi bắp, lúa thì năng suất ngày một tăng, giá bán cũng tăng.  

Trước đây ở miền Tây, nhiều vùng trồng lúa không hiệu quả, nông dân lên liếp trồng bông nhưng bây giờ thì xóa bỏ liếp để trồng lúa, bắp, vì 1 héc ta gieo trồng lúa thu tệ lắm được 5 tấn/vụ, bán với giá hiện nay thu 25-30 triệu đồng/héc ta, trong khi trồng bông chỉ phân nửa là cùng.  

Bây giờ nông dân trồng bông đang thu hẹp dần diện tích, chỉ còn ở Dak Lak, Dak Nông, Bình Thuận, Gia Lai, chứ duyên hải miền Trung chẳng còn là bao. Quảng Nam trước đây trồng bông khá tốt nhưng bây giờ họ trồng ớt xuất khẩu thu nhập hàng chục triệu đồng/héc ta, ngon ăn hơn trồng bông nhiều.  

Bản thân của cây bông cũng thất thế bởi cây bông tốn nhiều công chăm sóc và thu hoạch. Nông dân hiện nay thích trồng bắp chẳng hạn vì bắp bán có giá, năng suất cao, lại có thể cơ giới hóa từ khâu thu hoạch tới phơi sấy bằng máy, trong khi bông vải thì bằng tay, nên tốn nhiều lao động.  

Ở nông thôn hiện nay, do lao động trẻ có xu hướng dồn về đô thị nên lao động ở nông thôn cũng khan hiếm, giá nhân công lại cao nên nông dân chỉ ưa trồng các loại cây mà chăm sóc và thu hoạch tốn ít lao động. Cây bông vốn cho thu nhập không cao mà khi thu hoạch phải thuê mướn nhiều lao động thì ít được ưa chuộng.  

Nhiều nước đã khắc phục các nhược điểm nói trên bằng cách lai tạo và cho phép trồng bông biến đổi gien có năng suất cao và kháng chịu sâu bệnh. Liệu Việt Nam có thể áp dụng để vực dậy ngành bông?  

Theo tôi biết thì luật pháp của ta hiện chưa cho phép trồng bông biến đổi gien. Tuy nhiên, hiện nay, gần như 100% diện tích trồng bông vải trong nước là trồng bằng các giống có khả năng kháng chịu sâu bệnh và năng suất cao không hề thua kém bông vải ở các nước nếu đầu tư đầy đủ.  

Chẳng hạn, bây giờ nông dân đang thu hoạch vụ mùa khô, trồng có tưới nước thì năng suất bông đạt 2-3 tấn, thậm chí là 4-5 tấn/héc ta không phải là hiếm. Với bộ giống bông hiện nay, quá trình chúng tôi hợp tác với nông dân cho thấy năng suất khá cao, 2-3 tấn/héc ta và ở mức năng suất này thì cây bông cạnh tranh ngang ngửa với các cây trồng khác.  

Khổ nỗi, các nước người ta trồng bông quy mô trang trại, diện tích lớn nên chi phí đầu tư tính trên ký bông sẽ thấp xuống, còn ở ta diện tích trồng bông manh mún, hộ nông dân chỉ trồng vài sào thì làm sao chú tâm đầu tư vì vài sào đó chắc chắn không phải là nguồn sống chính của họ.  

Do vậy, nông dân trồng bông vải có tâm lý “được chăng hay chớ”, tức bông thu hoạch nhiều hay ít họ chẳng màng. Chúng tôi từng đến các hộ nông dân trồng bông và thấy họ dùng phân bón nhận từ các công ty bông để bón cho những cây trồng khác của họ.

HỒNG VĂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới