(KTSG Online) - Các nước Đông Nam Á cần hợp tác với nhau để phát triển một thị trường kỹ thuật số duy nhất nhằm nâng tầm phát triển của các hãng công nghệ trong khu vực. Dilhan Pillay Sandrasegara, CEO quỹ đầu tư chính phủ Temasek Holdings của Singapore, phát biểu hôm 3-9 tại Hội nghị thượng đỉnh đầu tư và kinh doanh ASEAN (ASEAN BIS 2023) diễn ra tại Jakarta. Đây là sự kiện chính nằm trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN 2023 diễn ra từ ngày 5 đến 7-9-2023 tại Jakarta.
- Công nghệ số giúp giảm tải hệ thống y tế và bớt phiền hà cho người bệnh
- Phát động giải thưởng ‘Sản phẩm công nghệ số Make in Việt Nam 2022’
Ông Sandrasegara cho biết, nền kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á có quy mô tương đương với Ấn Độ và “triển vọng rất tốt” do thu nhập bình quân đầu người cao hơn. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng đây là một "thị trường phân mảnh", không đồng nhất về mặt văn hóa, ngôn ngữ và luật lệ đa dạng. Sức mua của người dân và độ phủ rộng của Internet cũng rất khác biệt. “Sự thiếu đồng nhất này khiến ASEAN trở thành một thách thức tương đối và đây cũng là rào cản gia nhập thị trường”, ông Sandrasegara nhận định.
Hướng tới thị trường kỹ thuật số chung
Bất chấp những thách thức như vậy, nhưng ông Sandrasegara cho rằng việc phát triển "một thị trường kỹ thuật số chung" trong khu vực là "nguồn cảm hứng, động lực để hướng tới” bởi doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ việc xóa bỏ các rào cản đối với thương mại điện tử xuyên biên giới, giúp người tiêu dùng có thể tiếp cận các loại hàng hóa và dịch vụ tốt hơn, giá rẻ hơn.
CEO của quỹ Temasek cũng cho rằng các nước ASEAN nên xem xét việc hình thành "một thị trường tài chính chung”, bởi thị trường vốn ở mỗi quốc gia thành viên không đủ lớn và mạnh để thúc đẩy làn sóng tăng trưởng mới của các hãng công nghệ.
Sau làn sóng trỗi dậy mạnh mẽ của những gã khổng lồ công nghệ trong khu vực như Sea, Grab và GoTo, ASEAN đã chứng kiến sự ra đời của một số kỳ lân mới, những công ty khởi nghiệp có giá trị từ 1 tỉ đô la trở lên. Ngoài ra, ASEAN còn có một số “siêu kỳ lân” (decacorn) tức các startup công nghệ có giá tri từ 10 tỉ đô la trở lên.
Ông chia sẻ: “Các thị trường vốn trong khu vực sẽ cần phải hợp tác để mang lại nhiều lợi ích hơn cho các nhà đầu tư định chế, giúp dòng vốn luân chuyển tốt hơn và thúc đẩy sự hình thành thị trường hợp nhất. Một thị trường kỹ thuật số chung và một thị trường vốn thống nhất sẽ hỗ trợ cho sự hình thành và xuất hiện của các siêu kỳ lân trong tương lai”.
Nhưng để hình thành một thị trường kỹ thuật số duy nhất, ASEAN cần đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng, dịch vụ và quy định trong toàn khối. CEO Temasek nói đã nhìn ra “những dấu hiệu đầy hứa hẹn” trong việc hiện thực hóa sáng kiến này. Đó là việc áp dụng thanh toán bằng QR Code ở các nền kinh tế lớn trong khu vực. Tại hội nghị bộ trưởng tài chính ASEAN cuối tháng 8, bảy thành viên ASEAN gồm Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Philippines, Malaysia, Indonesia và Brunei đã cam kết xây dựng nền tảng và thúc đẩy mạng lưới thanh toán chung bằng QR Code có tên ASEAN QR Code trong những tháng còn lại của năm 2023.
Nhà lãnh đạo của quỹ đầu tư chính phủ Temasek cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của “khả năng chống chịu của hệ thống mạng” trong khu vực. Ông nói rằng việc phổ biến của thanh toán bằng mã QR phải song song với việc bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu. “Các doanh nghiệp ASEAN có vai trò rất quan trọng trong kịch bản lớn này”, ông Sandrasegara nói.
Gia tăng dòng chảy vốn
Hồi tháng 7, Temasek đã báo cáo khoản lỗ ròng 6 tỉ đô la trong năm tài chính tính đến hết tháng 3 vừa rồi. Tuy nhiên, phần lớn khoản lỗ chỉ ghi nhận trên giấy tờ do sự suy thoái của thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó là mức định giá của các startup công nghệ, chăm sóc sức khỏe và thanh toán… bị suy giảm. Các yếu tố như lạm phát kéo dài, đối đầu địa chính trị gia tăng và cuộc chiến Ukraine kéo dài đã làm tăng chi phí vốn, bóp nghẽn dòng vốn.
Ông Sandrasegara nói rằng các bên tham gia nền kinh tế kỹ thuật số ASEAN vẫn đang bị ảnh hưởng bởi những tác động xấu của kinh tế vĩ mô. Các nhà đầu tư tiếp tục giữ thái độ tiếp cận “chờ đợi” dù rằng triển vọng dài hạn cho lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số trong khu vực vẫn mạnh mẽ và tích cực.
CEO Temasek nói rằng các nước, các doanh nghiệp ASEAN đã bắt đầu “hướng tới các hoạt động kinh doanh bền vững”, tức là tập trung vào các hoạt động mang lại lợi nhuận nhiều hơn, hạn chế các ưu đãi và trợ cấp không bền vững.
“Đây là sự phát triển tích cực và lành mạnh hơn cho sức khỏe lâu dài của nền kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á. Tôi cũng tin rằng chúng ta sẽ bắt đầu nhìn ra những hướng đi rõ ràng hơn của các hãng công nghệ Đông Nam Á, có thể dưới hình thức một thị trường vốn thuận lợi hơn hoặc là các quy định thuận lợi hơn cho các hãng công nghệ thực hiện niêm yết lần đầu (IPO) trong khu vực”.
Tập đoàn tư vấn Boston Consulting Group (BCG) dự báo quy mô nền kinh tế kỹ thuật số của ASEAN sẽ tăng hơn ba lần vào cuối thập niên này với việc áp dụng công nghệ số một cách hoàn toàn tự nhiên, từ 300 tỉ đô la hiện nay lên gần 1.000 tỉ đô la vào năm 2023. Tuyên bố của Hội nghị cấp cao ASEAN nói rằng các quy định tiến bộ trong Hiệp định khung về nền kinh tế kỹ thuật số ASEAN (DEFA) sẽ góp phần tăng gấp đôi quy mô trên thành 2.000 tỉ đô la.