Thứ tư, 27/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Chậm cấp sổ hồng: Dân chờ đến bao giờ?

V.Dũng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Thực tế ở TPHCM thời gian qua đã phát sinh rất nhiều bức xúc, khiếu nại của cư dân liên quan đến việc chậm cấp sổ hồng tại các dự án nhà ở thương mại. Thậm chí có dự án hơn 20 năm vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận. Điều này khiến Chủ tịch HĐND TPHCM đặt vấn đề với UBND thành phố là cần có lời đáp thỏa đáng, tạo sự an lòng cho người dân.

Chiều 5-7, Thường trực HĐND TPHCM tổ chức phiên giải trình về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng) cho tổ chức và cá nhân tại các dự án phát triển nhà ở thương mại trên địa bàn TPHCM. Buổi làm việc diễn ra trong bối cảnh, địa phương đang có hàng trăm dự án nhà ở thương mại chưa được cấp sổ hồng, có dự án chậm cấp hàng chục năm khiến người dân bức xúc.

Để sót hơn 200 dự án

Theo báo cáo của UBND TPHCM, từ tháng 7.2014 đến hết tháng 4.2023, có 335 dự án đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận với hơn 191.101 căn hộ; trong đó hơn 110.016 căn đã được cấp sổ hồng và 81.085 căn chưa được cấp sổ hồng.

Báo cáo tại buổi giải trình, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, đối với dự án phát triển nhà ở thương mại trước ngày 1-7-2014, công tác cấp Giấy chứng nhận đối với các dự án phát triển nhà ở thương mai, công tác thống kê số liệu cụ thể cho giai đoạn này gặp nhiều khó khăn. Bởi thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết và ký cấp Giấy chứng nhận do nhiều cơ quan nhà nước thực hiện, nên để thống kê chi tiết số liệu cần có sự phối hợp giữa rất nhiều cơ quan.

Nhiều dự án dân chờ hàng chục năm vẫn chưa được cấp sổ hồng. Ảnh minh họa: V.Dũng

Bên cạnh đó, cách thức lưu trữ, thông tin hồ sơ trong giai đoạn này còn mang nặng tính thủ công (hồ sơ giấy), ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế, nên việc khai thác dữ liệu gặp nhiều khó khăn. Việc giải quyết hồ sợ cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà tại một dự án diễn ra trong thời gian rất dài (đến nay vẫn còn nhiều dự án mà chủ đầu tư và người mua vẫn tiếp tục nộp hồ sơ), trải qua nhiều thời kỳ quy định pháp luật thay đổi...

Hiện có 10/22 chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai đã báo cáo số liệu đến nay có 105 dự án phát triển nhà ở đã được các chi nhánh tiếp nhận, lập hồ sơ và trình UBND cấp huyện ký cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà ở với số lượng là 24.501 cắn hộ/nhà ở riêng lẻ. 12 chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai còn lại vẫn đang thực hiện rà soát, tổng hợp.

Trong khi đó, báo cáo giám sát về cấp sổ hồng của HĐND TPHCM cho biết báo cáo và phân loại của Sở Xây dựng cho thấy số liệu thống kê chênh lệch với Sở Tài nguyên và Môi trường. Cụ thể, số lượng nhà chung cư ở TPHCM là 406 chung cư, trong đó có 56 chung cư đã lập thủ tục nhưng chưa được cấp sổ hồng và 136 chung cư chưa lập thủ tục cấp sổ.

“Kết quả tổng hợp từ báo cáo của UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức và thông tin thu thập ý kiến cử tri, đoàn giám sát ghi nhận có 208 dự án nhà ở thương mại đã đưa vào sử dụng nằm ngoài danh sách 335 dự án theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường”, báo cáo của HĐND nêu và cho biết số lượng dự án, cũng như số căn hộ chưa được cấp sổ hồng theo báo cáo của UBND Thành phố không được đầy đủ và chính xác.

Dân chờ đến bao giờ?

Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TPHCM cho biết, việc đảm bảo quyền lợi pháp lý cho người dân sở hữu nhà ở thương mại còn nhiều hạn chế. Việc chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đã làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền, lợi ích chính đáng của người dân, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho người dân, thất thu ngân sách cho Nhà nước.

Thực tế đã phát sinh rất nhiều bức xúc, khiếu nại, khiếu kiện của cư dân liên quan đến việc chậm cấp sổ hồng tại các dự án nhà ở thương mại, có dự án hơn 20 năm vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận. Điều này cũng làm ảnh hưởng đến việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trong quản lý nhà nước ở địa phương.

Bà yêu cầu trong phiên giải trình phải làm rõ, đánh giá kỹ từng vấn đề nhằm mục đích tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện cấp sổ hồng cho người mua nhà; bảo đảm yêu cầu, quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.

“Người dân luôn hỏi là chờ đến bao giờ. Và để trả lời được, giải quyết được câu hỏi này là khó. UBND TPHCM cần có lời đáp, tạo sự an lòng cho người dân” bà Lệ nói.

Xác định nghĩa vụ tài chính là khâu vướng mắc nhất trong việc cấp sổ hồng thời gian qua. Ảnh minh họa: Lê Quân

Giải trình với các đại biểu, Giám đốc Sở Tài Nguyên Môi trường TPHCM cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của việc chậm trễ trong cấp giấy chứng nhận đối với những căn hộ nói trên liên quan đến vấn đề hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với chủ đầu tư. Ngoài ra, một số chủ đầu tư, người mua nhà cũng chưa nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận đối với hàng chục nghìn căn hộ.

Ngoài ra, việc chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại các dự án nhà ở thương mại thời gian qua có một phần lý do đến từ việc số lượng hồ sơ lớn. Bên cạnh đó, nhiều dự án còn gặp khó do vướng nhiều nội dung từ chủ đầu tư, có liên quan đến hoạt động thanh tra, kiểm tra, thế chấp.

Trong khi đó, ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cũng giải trình, vấn đề xác định nghĩa vụ tài chính là khâu vướng mắc nhất trong việc cấp sổ hồng thời gian qua. Cụ thể, để cấp được giấy, chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ về để lại 20% quỹ nhà, đất hoặc tiền tương đương để phát triển nhà ở xã hội.

Nội dung này đang có độ vênh giữa Luật Ngân sách và Luật Nhà ở. Các chủ đầu tư thường nộp khoản tiền này chung với tiền sử dụng đất mà chưa tách riêng.

"Các dự án thực hiện thời gian gần đây sẽ được phân khai rõ 20% trên để trích nguồn phục vụ phát triển nhà ở xã hội. Còn đối với các dự án trước đó, UBND TPHCM giao Sở TN&MT cùng Cục Thuế thành phố xác định lại việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư, làm rõ tỷ lệ 20% nói trên để tháo gỡ vướng mắc trong cấp giấy chứng nhận", ông Bùi Xuân Cường thông tin.

1 BÌNH LUẬN

  1. Đất đai là sở hữu toàn dân. Cấp sổ hồng đương nhiên là việc phải và cần làm. Tiếc thay, cấp sổ hồng hôm nay lại là đặc ân của nhà quản lý, thay vì phải xem đó là đặc quyền của dân. Việc lẫn lộn quan điểm này xem ra không phải là ngẫu nhiên, mà là kết quả cố ý của việc quá trình “hô biến” đất đai từ chỗ là tài nguyên công ích quý giá trở thành nguồn lợi tư hữu ngấm ngầm của những cá nhân được giao chức trách quản lý công sản nhà nước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới