Thứ năm, 19/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Chậm chân sẽ đánh mất cơ hội đón dòng vốn chất lượng cho sản xuất

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Cơ hội thu hút dòng vốn ngoại vào sản xuất công nghiệp của Việt Nam được cho là rất lớn trong bối cảnh các công ty đa quốc gia muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng, dịch chuyển đầu tư. Tuy nhiên, một số địa phương đã chậm chân đón lấy cơ hội này.

Vấn đề hiện nay là các địa phương và các nhà phát triển hạ tầng khu công nghiệp cần sẵn sàng quỹ đất và hạ tầng tốt để đón cơ hội dịch chuyển đầu tư này.

Việt Nam được dự báo tiếp tục thu hút nhiều nhà sản xuất nước ngoài trong tình hình kinh tế thế giới nhiều khó khăn. Một góc KCN VSIP - Một trong những KCN quy mô lớn tại Thuận An, nơi làm việc của hàng chục ngàn chuyên gia và lao động kỹ thuật cao. Ảnh: TL

Đánh mất cơ hội vì chậm trễ trong chuẩn bị

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai từng tỏ ra tiếc nuối khi để vuột mất cơ hội thu hút đầu tư dự án lên đến tỉ đô la Mỹ của Tập đoàn LEGO.

Tại buổi họp báo Tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2022 của Đồng Nai diễn ra gần đây, ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, tiếp tục nhắc lại câu chuyện Tập đoàn LEGO từng dự tính thuê diện tích đất lớn trong Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành (huyện Long Thành) để triển khai dự án vốn trên 1 tỉ đô la nói trên. Tuy nhiên, sau 2-3 năm chờ đợi, công ty hạ tầng chưa có đất để giao nên Tập đoàn này đã chuyển hướng sang đầu tư vào tỉnh Bình Dương.

Vào đầu tháng 11 vừa qua, Tập đoàn LEGO chính thức cho khởi công xây dựng nhà máy hơn 1,3 tỉ đô la trên diện tích 44 ha tại Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore 3 (VSIP 3), tỉnh Bình Dương. Dự kiến nhà máy khi đi vào hoạt động trong năm 2024, sẽ tạo ra hàng ngàn việc làm.

Vấn đề không chỉ dừng lại vốn lớn tỉ đô la mà sự hiện diện của LEGO với thương hiệu nổi tiếng trên thế giới về đồ chơi lắp ghép cho trẻ em còn giúp nâng cao vị thế của tỉnh Bình Dương và sự tin tưởng môi trường kinh doanh trong mắt các nhà đầu tư quốc tế. Bởi lẽ đây là nhà máy thứ 6 trên toàn thế giới và là nhà máy duy nhất ở khu vực Đông Nam Á của Tập đoàn LEGO lựa chọn đầu tư, sẽ giúp củng cố chiến lược phát triển lâu dài tại châu Á cũng như đa dạng hóa chuỗi cung ứng của tập đoàn trong khu vực và thế giới.

Ngoài ra, Đồng Nai cũng bỏ lỡ nhiều dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khác đến từ các quốc gia của châu Âu, Hàn Quốc và Nhật Bản có vốn đầu tư từ vài chục đến hàng trăm triệu đô la.

Việc chậm chân trong việc sẵn sàng đất đai và hạ tầng sản xuất công nghiệp dẫn đến dòng vốn đầu tư vào tỉnh Đồng Nai bị sụt giảm nhiều và mất đi vị thế tốp đầu thu hút vốn ngoại vào sản xuất mà địa phương này từng đạt được của những năm trước đây. Thu hút FDI chỉ đạt hơn 1 tỉ đô la, đứng thứ 8 cả nước (xếp sau TPHCM, Bình Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nội và Thái Nguyên).

Trên thực tế không riêng Đồng Nai mà thời gian qua một số địa phương khác cũng đã để vuột mất các dự án sản xuất quy mô lớn của các tập đoàn vì chưa có sự sẵn sàng đất đai, hạ tầng sản xuất công nghiệp hoặc nhiều gút mắc về quy định đất đai chưa được tháo gỡ.

Đơn cử như tại TPHCM, quỹ đất "sạch" sẵn sàng cho thuê trong các khu công nghiệp không còn nhiều nên thời gian qua các nhà đầu tư cần diện tích lớn vào địa phương này để xây nhà xưởng là rất khó khăn. Cụ thể một tập đoàn nước giải khát lớn (không tiện nêu tên) đã đng góp ngân sách đáng kể cho thành phố từng đề xuất cần thêm cả chục héc ta để nâng năng lực sản xuất tại địa phương này nhưng vì không có đất "sạch" nên nhà sản xuất này đã chuyển sang địa phương khác đầu tư với số vốn lên đến hàng trăm triệu đô la.

Trong các cuộc họp với báo chí nói về tình hình thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM (Hepza), cũng nhiều lần nêu trăn trở về việc thiếu quỹ đất sạch để đón các nhà đầu tư vào sản xuất với các dự án quy mô lớn.

Sản xuất của một doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Ảnh: TL

Trên thực tế, một số tập đoàn lớn trong ngành dược phẩm và trang thiết bị y tế của châu Âu, Hàn Quốc, Ấn Độ,... muốn đầu tư nhà xưởng sản xuất tại TPHCM nhưng do chưa tìm được địa điểm đầu tư nên nguy cơ bị tuột mất cơ hội các lĩnh vực mà thành phố đang mong muốn thu hút vào.

Tương tự theo Hepza, một số doanh nghiệp lớn của Đài Loan trong lĩnh vực điện - điện tử, công nghệ thông tin cũng đề xuất đầu tư vào thành phố với quy mô diện tích đất lớn nhưng cơ quan này khó có thể đáp ứng được.

Cần sớm tháo nút thắt về đất đai

Ở chiều ngược lại, những địa phương có sự chuẩn bị đất đai và hạ tầng sản xuất công nghiệp tốt đã thu hút mạnh dòng vốn đầu tư nước ngoài trong năm vừa qua. Trong đí tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được xem là địa phương đang có nhiều lợi thế thu hút đầu tư nước ngoài khi làn sóng dịch chuyển đầu tư nước ngoài hướng đến Việt Nam. Đã có một số dự án vào TPHCM nhưng không có đất đã dịch chuyển đến địa phương này đầu tư.

Đáng chú ý, trong khuôn khổ hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, lãnh đạo tỉnh đã trao giấy chứng nhận đầu tư và biên bản hợp tác đầu tư cho 10 dự án với tổng mức đầu tư hơn 8,4 tỉ đô la.

Trong số này có những dự án FDI quy mô đầu tư lên đến hàng tỉ đô la như: dự án đầu tư mở rộng giai đoạn II-Tổ hợp Hóa dầu miền Nam của The Siam Cement Public Company Limited, tổng mức đầu tư 5,5 tỉ đô la; dự án sản xuất gỗ công nghiệp cho ngành xây dựng lắp ghép theo công nghệ CLT và đóng tàu giải trí, tổng mức đầu tư 1,3 tỉ đô la của Công ty Earth Vision.

Hay Bình Dương đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 3,14 tỉ đô la Mỹ, chiếm 11,3% tổng vốn, tăng 47,3% so với cùng kỳ năm trước.

Ở các tỉnh phía Bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang... cũng tăng nguồn vốn FDI vào sản xuất nhờ hạ tầng sản xuất công nghiệp được triển khai kịp thời.

Doanh nghiệp FDI đang hoạt động ở Việt Nam tiếp tục tăng nhiều vốn đầu tư. Trong ảnh là sản xuất của một doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam. Ảnh minh họa: Lê Hoàng

Trong 3 năm vừa qua, hàng chục dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp và cụm công nghiệp để đón đầu cơ hội thu hút đầu tư được Chính phủ và chính quyền các địa phương thông qua.

Trên thực tế cả Đồng Nai và TPHCM cũng có các dự án phát triển khu công nghiệp được phê duyệt và cấp phép đầu tư trong nhiều năm qua nhưng do bị vướng mắc liên quan đến vấn đề đất đai, đền bù giải tỏa và thủ tục đầu tư.

Đơn cử như tại Đồng Nai, theo quy hoạch các khu công nghiệp Việt Nam đã được Chính phủ phê duyệt thì Đồng Nai có thêm 8 khu công nghiệp mới nhưng chưa thành lập là: Cẩm Mỹ, Gia Kiệm, Phước Bình, Phước Bình 2, Long Đức giai đoạn 2, Long Đức 3, Bàu Cạn - Tân Hiệp, Xuân Quế - Sông Nhạn với tổng diện tích hơn 8.200 ha. Tuy nhiên các dự án khu công nghiệp này đều gặp một số vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư, xử lý đất cao su, đất rừng, xác định đấu giá, đấu thầu, quy hoạch phân khu… Trong đó, đa số các vấn đề bị vướng thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ và Chính phủ.

Tương tự, do nhiều vướng mắc đang làm các khu công nghiệp của TPHCM đánh mất những cơ hội thu hút hàng tỉ đô la. Hiện nay, các dự án khu công nghiệp đã được phê duyệt đầu tư nhưng vẫn chưa thể triển khai do vướng mắc về chính sách đất đai, giải phóng mặt bằng...

Theo quy hoạch phát triển TPHCM đến năm 2020, toàn Thành phố có 23 khu công nghiệp, khu chế xuất, nhưng đến nay mới triển khai được 19 khu công nghiệp, khu chế xuất, chiếm 76,78% quy mô diện tích đất quy hoạch.

Nguyên nhân được cho là sự chồng chéo trong các quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng… Thậm chí, nhiều dự án ngoài khu công nghiệp đã được cấp phép cũng phải tạm dừng vì các vướng mắc liên quan đến luật, nghị định, thông tư vượt quá thẩm quyền của cấp tỉnh.

Sản xuất tại Datalogic ở khu công nghệ cao TPHCM. Ảnh minh họa: Lê Hoàng

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều khó khăn và dòng vốn đầu tư toàn cầu khó có thể tăng so với các năm trước đó. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn được xem là điểm đầu tư hấp dẫn của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhất là trong bổi cảnh các nhà sản xuất muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng, dịch chuyển đầu tư.

Trước đó, giới tư vấn đầu tư và các chuyên gia kinh tế nhận định, trước những gián đoạn chuỗi cung ứng do chính sách chống dịch Covid-19 ở Trung Quốc và căng thẳng Mỹ-Trung, thời gian qua nhiều nhà sản xuất toàn cầu đã dịch chuyển hoạt động sản xuất khỏi nước này và đặt cược vào khu vực Đông Nam Á, trong đó Việt Nam được nhiều nhà đầu tư chú ý.

Kết quả mới nhất của Chỉ số Môi trường kinh doanh (BCI) do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố và được sản xuất bởi YouGov Decision Lab cho thấy, đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu về môi trường kinh doanh của Việt Nam đã giảm xuống 48 điểm % trong quí 4/2022, giảm 14,2 điểm so với 3 tháng trước và 25 điểm so với quí đầu tiên của năm 2022.

Tuy nhiên, bình luận về kết quả BCI, Chủ tịch EuroCham Alain Cany cho rằng, mặc dù tình hình khó khăn có thể sẽ tiếp tục vào năm 2023 nhưng cơ hội kinh tế của Việt Nam tiếp tục vượt xa các đối thủ cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. Điều này thể hiện rõ qua việc rất nhiều thành viên của EuroCham coi Việt Nam là trung tâm trong chiến lược đầu tư toàn cầu.

“Thật đáng khích lệ khi thấy rằng đầu tư trực tiếp nước ngoài từ châu Âu và trên toàn thế giới vẫn ở mức cao và tiếp tục tăng, đặc biệt là trong các ngành sản xuất và công nghiệp xanh của Việt Nam. Rõ ràng là với nguồn vốn FDI này, nền tảng kinh tế vững chắc và cam kết bền vững của Việt Nam, Việt Nam vẫn là một trong những điểm đến đầu tư hàng đầu trên thế giới. Nhờ đó, cộng đồng doanh nghiệp châu Âu vẫn tin tưởng vào thị trường Việt Nam”, ông Alain Cany nhấn mạnh.

Theo kết quả BCI, 41% số người được hỏi cho biết công ty của họ đang chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam, tăng 13% trong quí 3. Ngoài ra, khoảng 35% số người được hỏi cho rằng Việt Nam thuộc top 5 điểm đến đầu tư toàn cầu hàng đầu với 12% cho rằng Việt Nam là điểm đầu tư quốc tế hàng đầu của công ty họ.

Kết quả “Khảo sát thực trạng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại nước ngoài năm 2022” do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện gần đây cũng tiếp tục ghi nhận sự tín nhiệm của doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Cụ thể khảo sát hơn 600 công ty Nhật Bản ở Việt Nam về phương hướng triển khai kinh doanh trong năm nay và năm tới, có 60% doanh nghiệp trả lời có kế hoạch mở rộng tại Việt Nam, tăng 4,7 điểm phần trăm so với năm trước. Tỷ lệ này cao nhất trong khối ASEAN.

Các doanh nghiệp có nhiều vốn đầu tư vào Việt Nam như Hàn Quốc, Singapore, Mỹ… cũng cho biết tiếp tục rót vốn vào Việt Nam và xem Việt Nam là điểm đến chiến lược để đầu tư sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp châu Âu cũng nhìn nhận, 3 rào cản về pháp lí lớn nhất đối với các công ty nước ngoài hoạt động tại Việt Nam là thiếu rõ ràng về các quy tắc và quy định, khó khăn hành chính cũng như khó khăn về thị thực và giấy phép lao động.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, đầu tư nước ngoài của châu Âu vào Việt Nam thời gian tới sẽ chịu ảnh hưởng mạnh bởi chính sách thương mại mới của châu Âu khi dành ưu tiên hàng đầu cho chuyển đổi số và phát triển kinh tế xanh. Trên cơ sở đó, để thu hút FDI từ châu Âu, Việt Nam cần tạo dựng khung chính sách phù hợp, giảm bớt khó khăn thủ tục hành chính.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới