Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chậm giải ngân nguồn vốn nhà nước

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chậm giải ngân nguồn vốn nhà nước

Giải ngân nguồn vốn vay cho xây dựng cơ bản luôn là vấn đề phải thúc đẩy hàng năm – Ảnh minh họa: Lê Toàn

(TBKTSG Online) – Tính đến tháng 7-2008, nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển nhà nước ước đạt 50,4% kế hoạch nhưng nguồn vốn trong nước cho vay chỉ đạt 31%. Trong bối cảnh đầu tư xây dựng đang đình trệ, Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính đang tìm cách tháo gỡ đầu ra cho nguồn vốn.

Báo cáo của Bộ kế hoạch Đầu tư ngày 25-7 cho biết nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển nhà nước tính hết tháng 7 ước đạt 20,2 ngàn tỉ đồng (bằng 50,4% kế hoạch năm), trong đó nguồn vốn trong nước cho vay chỉ đạt 8,3 ngàn tỉ đồng, bằng 31% kế hoạch.

Nguồn vốn ODA cho vay lại đạt 3,5 ngàn tỉ đồng, bằng 39% kế hoạch năm, riêng dư nợ bình quân hỗ trợ xuất khẩu đạt 8,5 ngàn tỉ đồng, bằng 211% kế hoạch.

Bộ Kế hoạch Đầu tư cho rằng cần phải tìm cách thúc đẩy giải ngân các nguồn vốn dành cho đầu tư xây dựng cơ bản trong thời gian tới, tìm nguyên nhân chậm giải ngân các nguồn vốn nhà nước để tiếp tục thúc đẩy đầu tư phát triển.

Hiện tại, tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng nguồn ngân sách nhà nước từ giữa tháng 6 đến nay đã có xu hướng tốt hơn so với các tháng đầu năm. Điều này là do các bộ, ngành và địa phương đã hoàn thành việc rà soát, sắp xếp lại kế hoạch vốn đầu tư năm 2008, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công và giải quyết các khó khăn giữa chủ đầu tư và nhà thầu.

Tuy nhiên, theo nhận định của đại diện Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) tại cuộc họp với Bộ Kế hoạch Đầu tư hôm 25-7 thì số liệu giải ngân chính thức 6 tháng cả nước cho thấy mới có 10/70 đơn vị dùng vốn nhà nước giải ngân đúng kế hoạch, trong số 48 đơn vị thực hiện giải ngân. Bộ Tài chính hy vọng sau 9 tháng, sẽ có hơn 50% dự án được giải ngân. Trong năm 2007, nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển nhà nước cũng chỉ giải ngân được 50%.

Vụ Đầu tư cũng nhận định rằng, sự đình trệ trong việc đầu tư là do nhà thầu không vay được tiền. Ngoài ra, việc nhập nguyên liệu đầu vào của nhà thầu rất khó khăn do chênh lệch tỷ giá quá lớn nên họ e ngại thực hiện cũng không quyết toán được. Kéo theo đó là tình hình giải ngân và thanh toán chần chừ do trượt giá và xử lý thanh toán do trượt giá không được.

Vụ Đầu tư khuyến nghị với các bộ, ngành rằng những gì đã ghi trong hợp đồng thì vẫn thanh toán, những gì phát sinh sẽ xử lý sau. Từ 15% đến 20% kế hoạch nguồn vốn tín dụng năm nay của nhà nước được bù cho chênh lệch giá dù số này không đủ.

Bộ Tài chính cũng đề nghị các tỉnh phải thông báo giá vật liệu xây dựng (từ điểm đầu đến điểm cuối) để các đơn vị, nhà thầu có căn cứ tính toán cho các hợp đồng đầu tư xây dựng. Nếu 3 tháng mới công bố các giá này một lần như hiện tại là không còn ý nghĩa gì.

Theo ông Đỗ Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, việc tăng giá xăng thêm 31% sẽ ảnh hưởng mạnh đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tới. Giá xăng dầu tăng ảnh hưởng mạnh đến chi phí trung gian của các ngành.

Cụ thể, xăng dầu tăng giá ảnh hưởng đến chi phí trung gian ngành khai thác thủy sản là trên 10%, ngành vận tải trên 13%, sản xuất điện nước trên 10%. Các ngành còn lại đều tăng chi phí từ 3-4%, chi phí của các hộ gia đình cũng tăng thêm 2%. Tổng chi phí trung gian từ việc này từ nay đến cuối năm sẽ được tính toán để đưa ra những cân đối liên ngành, đánh giá tác động qua lại nhằm tìm ra những ảnh hưởng đến chi phí nền kinh tế như thế nào.

 NGỌC LAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới