Thứ tư, 8/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chăm sóc và chữa lành tâm lý cho người lao động thời hậu Covid

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) Làn sóng người lao động rời bỏ TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An chỉ được chú ý từ ngày 1-10 khi lệnh giãn cách và tình trạng giới nghiêm tại các nơi này được gỡ bỏ. Làn sóng người lao động bỏ về quê lên đến hàng trăm ngàn, tăng áp lực thiếu người lên các doanh nghiệp trong khu vực. Nhưng thật ra biến động này đã manh nha từ sau dịp Tết Tân Sửu 2021.

Đốm lửa âm ỉ

Với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 39 tỉ đô la Mỹ trong năm 2019, ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu 42 tỉ đô la Mỹ trong năm 2020. Nhưng dịch bệnh bùng phát đầu năm 2020 đã cuốn phăng giấc mơ đó. Đầu tháng 2-2021, biến động chính trị tại Myanmar đã tạo cho ngành dệt may Việt Nam cơ hội lấy lại những gì đã mất khi nhiều đơn hàng được các thương hiệu thời trang chuyển sang Việt Nam.

“Đơn hàng từ Myanmar chuyển sang thì nhiều, nhưng các xí nghiệp may Việt Nam bắt đầu thiếu nhân công bên cạnh nỗi lo nguyên vật liệu nhập từ Trung Quốc cũng ít đi sau Tết (do chính sách kiểm dịch trước đó của nước này-NV). Chuyện thiếu nhân công lại liên quan đến một vấn đề khác. Một số luật sư đã tư vấn cho người lao động nghỉ việc ngang và lãnh bảo hiểm xã hội một lần”, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trao đổi với chúng tôi hồi đầu tháng 4 rồi.

Có hơn 6.000 xưởng may mặc và giày dép tại Việt Nam, thu hút gần 2,5 triệu lao động với phần lớn là nữ giới. Bạn trai hay chồng của các nữ công nhân này có thể cùng làm việc ở các nhà máy trong cùng khu công nghiệp. Con cái của họ có thể ở quê hoặc sống chung. Có thêm một số tiền lớn cho dịp Tết là động cơ khiến nhiều công nhân may bỏ việc.

Đốm lửa âm ỉ đó bắt đầu bốc khói và cháy lan rộng mà không doanh nghiệp nào dự cảm được khi chủng Delta bùng phát, buộc TPHCM giãn cách từ hôm 31-5.

Tổng giám đốc Vinamit Nguyễn Lâm Viên cùng các kỹ sư trên nông trường ở Đà Lạt. Ông nói tâm lý xấu vẫn đang âm ỉ sau khi dịch bệnh đã lui.

Bỏ tất cả để về quê ngay trong đêm

Tháng 6-2021, Công ty cổ phần Vinamit chính thức có F0. Tổng giám đốc Nguyễn Lâm Viên nói rằng đây là khởi điểm của sự căng thẳng, lan từ lãnh đạo đến cán bộ và công nhân viên. “Nhiều cuộc họp đưa ra để bàn xem phải làm gì để mọi người trong công ty không bị là F1, F2… Chuyện kinh doanh, sản xuất rất ít được bàn”, ông kể.

Ông Viên mô tả thời điểm tháng 6 là “rất khủng khiếp”. Giai đoạn này nhân viên bắt đầu khủng hoảng, lo sợ không biết khi nào mình bị nhiễm, chuyện đi cách ly ra sao, ảnh hưởng như nào, gia đình ra sao… Một số người xin về quê ngay trong đêm vì lo sợ. Nhiều nhân viên còn lại sống trong trạng thái chán nản. Họ khác hoàn toàn so với trước đây, trở nên thụ động. Một khảo sát nội bộ của công ty cho thấy tinh thần nhân viên xuống rất thấp. Có đến 95% muốn về thăm nhà, và trên 10% bị mất ngủ, trong đó có 5% rối loạn tinh thần.

Ông nói: “Có lẽ khi khốn cùng nhất về mặt tinh thần, gia đình là điều nhân viên mình mong muốn nhất. Giữa tháng 9, tôi đã cho bốn kỹ sư gắn bó với công ty nghỉ việc về quê, vì họ mong muốn điều này. Có lẽ việc về quê giúp họ chữa lành được phần tâm hồn đang bị ảnh hưởng”.

Tâm đeo đá tảng

Khi Nhựa Bình Minh thực hiện “3 tại chỗ”, mọi người sống trong điều kiện hoàn toàn xa gia đình trong ba tháng. “Công nhân không thể tránh được những bất an, lo lắng cho gia đình họ”, Tổng giám đốc Nguyễn Hoàng Ngân kể.

Tâm lý công nhân càng xấu đi khi hàng ngày họ lên mạng và bị thông tin tiêu cực tác động. Giám đốc nhà máy, người quản lý lúc này là chỗ dựa tinh thần cho công nhân trong những giai đoạn ai cũng hoảng hốt vì Covid-19.

“Thời điểm tháng 9, chúng tôi có 295 lao động đang làm việc “3 tại chỗ” trong nhà máy. Những người quản lý, ngoài công việc thông thường hàng ngày, tôi giao họ nhiệm vụ quan trọng, làm sao cho tinh thần anh em công nhân cảm thấy thoải mái nhất, bằng nhiều hình thức khác nhau. Tư tưởng không thông thì cái bình tông đeo cũng nặng”, ông Ngân nói.

Trong suốt thời gian phong tỏa, hàng ngày ông Ngân đều nhận các báo cáo hình ảnh từ giám đốc nhà máy, người quản lý về những điều mà họ đã làm trong ngày để ổn định tình hình, nhất là tâm lý cho người lao động làm việc tại chỗ.

Vaccine là yếu tố then chốt để bình ổn tâm lý. Sau khi công nhân được tiêm, mọi chuyện dần đỡ căng thẳng hơn trước. Ông Ngân nói rằng nếu doanh nghiệp không chăm lo kỹ càng cho công nhân, họ sẽ luôn bất an và quyết dứt áo ra đi. “Nhựa Bình Minh cố gắng chăm lo tốt vật chất và tinh thần người lao động. Khảo sát mới nhất của chúng tôi cho thấy có đến 86% sẵn sàng quay lại làm việc bình thường ngay”, vị tổng giám đốc nói.

Trị liệu với “tháp nhu cầu Maslow”

Tất cả 5 tầng nhu cầu trên tháp Maslow đã bị sụp đổ trong thời gian phong tỏa vừa qua, tạo bất an và trầm cảm cho công nhân.

Tháp Maslow cổ điển lại là giải pháp hữu hiệu nhất, nhưng không phải doanh nghiệp nào, địa phương nào cũng nhận ra điều này.

Cả năm tầng nhu cầu của tháp Maslow đều bị đứt đoạn, sụp đổ trong thời gian qua. Ở tầng thấp nhất là nhu cầu sinh lý như thực phẩm, nước uống, đồ thiết yếu đều rất hạn chế. Ở tầng thứ hai là nhu cầu an toàn thì có nhiều lo âu về vaccine và chăm sóc y tế. Tầng thứ ba là nhu cầu được yêu thương, kết nối và chia sẻ bị phong tỏa cắt hết. Tầng thứ tư là nhu cầu được tôn trọng và tầng cao nhất là tự khẳng định, được tự do đều không có.

“Sự sợ hãi kéo dài sẽ tạo tâm lý bất an và trầm cảm. Những người bị ảnh hưởng sẽ biếng ăn, mất ngủ, tim đập nhanh, mất tự tin, không hứng thú với công việc. Tình hình càng kéo dài thì tác hại càng lớn và đạt ngưỡng mà người ta gọi là tổn thương tâm lý tập thể”, bác sĩ tâm lý Jane Shadwell-Li thuộc phòng khám Family Medical Practice Vietnam tại TPHCM lý giải như vậy trong phần trình bày của bà tại webinar do Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tổ chức hôm 7-10 vừa qua.

Nhưng nói đến sức khỏe tâm thần lại là một điều không phải ai cũng dám đề cập. “Với nhiều người Việt, nói đến tâm thần thì ai cũng nghĩ đến chuyện người đó bị điên. Vì thế khi có chuyện, không phải ai cũng dám nói ra và tìm kiếm sự giúp đỡ”, nhà tham vấn và trị liệu tâm lý Phan Trịnh Hoàng Dạ Thy thuộc Human Dynamic Group giải thích.

Ông Nguyễn Lâm Viên thừa nhận rằng, các doanh nghiệp đang thiếu một phương thuốc chữa lành cho công nhân, nhân viên và cán bộ quản lý thời hậu Covid. “Tâm lý xấu đang âm ỉ, nếu không tìm cách thoát ra thì tâm không an”, ông Viên thừa nhận.

Có thể nói, trong thời gian dài trước dịch dã, doanh nghiệp Việt Nam đã bỏ quên vai trò của chuyên viên trị liệu tâm lý hay tâm lý nghề nghiệp ngay tại doanh nghiệp mình. Các phòng hành chính và nhân sự chỉ làm nhiệm vụ xem xét hồ sơ tuyển dụng hay bấm máy, quẹt thẻ để chấm công hay kiểm tra giờ giấc mỗi ngày. Dịch dã ập đến doanh nghiệp trong bộn bề những vất vả và lúng túng với ban quản trị doanh nghiệp. Đây cũng là lúc nhiều nhà lãnh đạo nhận ra phải an ủi vỗ về nhân viên, chăm sóc họ và gia đình của họ nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng làm được. Nhiều doanh nghiệp chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ tiền nong đỡ đần nhân viên lúc khó, nhiều doanh nghiệp làm tốt hơn khi tìm cách chia sẻ tinh thần với nhân viên nhưng rồi vì lực kiệt họ cũng ngừng sản xuất.

Vậy giải quyết vấn đề như thế nào khi mà TPHCM mở cửa trở lại và chấp nhận một “bình thường mới” sống chung với dịch? Các nhà tâm lý đề nghị doanh nghiệp nên kết hợp với các bác sĩ tâm lý hay phòng khám tâm lý để chăm lo sức khỏe tâm thần cho công nhân.

“Khuyến khích mọi người thừa nhận hay chấp nhận sự mất mát người thân trong dịch, tạo cơ hội để mọi người vượt qua nỗi xấu hổ, e dè khi mình bỗng trở thành F0 hay cả vạn điều lo lắng khi bản thân lẫn người nhà (có bệnh nền mà không chấp nhận trị liệu) trong lúc dịch dã… để trò chuyện với nhà tham vấn. Tất cả sẽ giúp quân bình tâm lý trở lại. Và khi đạt được điểm cân bằng, người lao động sẽ nạp đầy năng lượng, quay lại làm việc tích cực hơn. Điều này tốt cho họ và cho cả doanh nghiệp”, nhà trị liệu tâm lý Dạ Thy nhận định.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới