(KTSG Online) - Theo quy định của Nghị định 153/CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ thì doanh nghiệp chào bán trái phiếu phải có báo cáo tài chính (BCTC) năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện. Tuy nhiên, sau vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” qua kênh phát hành trái phiếu tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và một số công ty trước đó, vấn đề này đã rơi vào “tầm ngắm” của Bộ Tài chính.
Theo thông tin từ Bộ Tài chính công bố hôm 6-4, trong thời gian qua, có tình trạng BCTC của một số doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng còn nhiều sai sót, kể cả một số trường hợp đã có ý kiến chấp nhận toàn phần của doanh nghiệp kiểm toán. Những sự việc vừa qua cho thấy, một số doanh nghiệp đã đưa ra các báo cáo tài chính sai lệch, bên cạnh đó các cơ quan kiểm toán độc lập đã không làm tròn trách nhiệm dẫn đến những thông tin sai lệch của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư.
Tại Nghị định 153/CP về chào bán, giao dịch trái phiếu riêng lẻ quy định doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo khả năng trả nợ. Một trong số những điều kiện để đươc phát hành trái phiếu là có BCTC năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện. Hay nói khác đi, doanh nghiệp phải qua được “cửa” của kiểm toán một cách minh bạch mới bán được hàng cho các trái chủ.
Do vậy, mới đây, Bộ Tài chính đã có Công văn số 3065/CV-QLKT yêu cầu tổng giám đốc, giám đốc các doanh nghiệp kiểm toán, các kiểm toán viên hành nghề và các thành viên nhóm kiểm toán thực hiện nghiêm túc nhiều nội dung về pháp luật kiểm toán. Theo đó, trong quá trình thực hiện kiểm toán, doanh nghiệp kiểm toán và các kiểm toán viên hành nghề phải đảm bảo tính độc lập, khách quan, thực hiện đúng quy trình kiểm toán, tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của chuẩn mực kiểm toán và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Tăng cường soát xét, đảm bảo thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp làm cơ sở cho việc đưa ra ý kiến kiểm toán theo đúng yêu cầu của chuẩn mực kiểm toán Việt Nam, luôn đề cao tính hoài nghi nghề nghiệp trong việc thực hiện kiểm toán.
Bộ Tài chính yêu cầu nghiêm túc triển khai áp dụng thống nhất trong doanh nghiệp kiểm toán quy trình kiểm soát chất lượng dịch vụ theo yêu cầu tại chuẩn mực về kiểm soát chất lượng doanh nghiệp thực hiện kiểm toán, soát xét báo cáo tài chính, dịch vụ đảm bảo và các dịch vụ liên quan khác, kể cả trụ sở chính và tất cả các các chi nhánh...
Trước đó, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán, Thanh tra bộ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác kiểm toán doanh nghiệp niêm yết.
Tuy nhiên, những cảnh báo của Bộ Tài chính chỉ mới được công bố chính thức sau vụ lừa đảo trái phiếu kéo dài nhiều tháng, nhiều đợt phát hành của Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Trong khi đó, trên thị trường TPDN nói chung trong 3 năm gần đây, đã tiềm ẩn nhiều rủi ro được cảnh báo trước.
Theo ý kiến của nhiều luật sư, Nghị định 153 đã quy định rõ về trách nhiệm của tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán: “Tuân thủ quy định của pháp luật chứng khoán và Nghị định này khi cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu”. Và “Tổ chức tư vấn phát hành, tổ chức bảo lãnh phát hành, tổ chức kiểm toán được chấp thuận, người ký báo cáo kiểm toán và bất kỳ tổ chức, cá nhân nào xác nhận hồ sơ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trong phạm vi liên quan đến hồ sơ chào bán chứng khoán ra công chúng”.
Như vậy, sau các vụ lừa đảo về trái phiếu, chứng khoán, sự liên đới trách nhiệm của các tổ chức kiểm toán độc lập cho doanh nghiệp trước khi phát hành; của các ngân hàng, công ty chứng khoán tư vấn chào bán hoặc bảo lãnh phát hành (nếu có)… đều cần phải làm rõ. Vì tự thân doanh nghiệp một mình không thể “bê” hồ sơ ra công chúng để tự phát hành trái phiếu.