(KTSG Online) - Mùa nước nổi, giữa trời nước mênh mông thấp thoáng một đàn trâu hơn 30 con trong khu A1, vùng lõi Vườn quốc gia Tràm Chim (VQG). Anh Lắm, dân địa phương và cũng là người đang trông coi đàn trâu, tự giới thiệu gia đình đã có 4 đời nuôi trâu, bộc bạch rằng vườn quốc gia không cho thả trâu, nhưng do không tìm được nơi nào khác bên ngoài có cỏ nên đành phải vi phạm quy định này.
- Đồng Tháp mời PAN Group cùng phát triển lúa hữu cơ ở vùng bảo tồn sếu đầu đỏ
- Đồng Tháp xin nhận hai con sếu đầu đỏ từ Lào về Tràm Chim
Có thể sẽ có nhiều vấn đề phát sinh từ câu chuyện của những người nông dân chăn thả trâu trong vườn quốc gia như anh Lắm. Ở góc nhìn của người viết, nếu tiếp cận ở góc nhìn sinh thái thì đây là một hiện tượng cộng sinh – các bên đều có lợi. Như vậy, để những xung đột không tiếp tục xảy ra trong thời gian tới, nên chăng cơ quan chức năng nên nghiên cứu để đưa ra hướng giải quyết sao cho hài hòa lợi ích giữa bảo tồn thiên nhiên và sinh kế của người dân địa phương.
Những va chạm khi thực thi quy định
Khu A1 Vườn quốc gia Tràm Chim là nơi có nhiều diện tích đồng cỏ rộng lớn còn sót lại của hệ sinh thái Đồng Tháp Mười nguyên thủy. Anh Nguyễn Hoàng Minh Hải, Trưởng Phòng Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế Vườn quốc gia (VQG) Tràm Chim cho biết, quy định hiện nay nghiêm cấm việc thả trâu vào vườn do lo ngại số lượng trâu thả vào quá nhiều sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái. Việc di chuyển của đàn trâu làm sạt lở các bờ đê bên trong vườn quốc gia. Bên cạnh đó, đàn trâu có thể mang một số loài sinh vật ngoại lai từ bên ngoài vào trong Vườn.
Ngoài ra, người chăn trâu có thể lợi dụng khai thác một số tài nguyên khác như thủy sản, mật ong. Theo anh Hải, VQG Tràm Chim đã thống kê danh sách khoảng 40 hộ dân vùng đệm có thả trâu vào VQG. Lực lượng bảo vệ khi phát hiện sẽ phạt hành chính và yêu cầu người dân đưa trâu ra ngoài. Có trường hợp trâu bị tạm giữ nếu người chăn trâu không tuân thủ quy định.
Trên thực tế, mặc dù số lượng trâu chăn thả bên trong vùng lõi VQG đã giảm trong thời gian gần đây nhưng tình trạng cứ tái diễn. Việc ngăn cấm người dân cho trâu vào ăn cỏ bên trong VQG Tràm Chim gây ra nhiều khó khăn cho lực lượng bảo vệ. Thực tế, trong thời gian qua đã có trường hợp người nhân viên bảo vệ bị thương khi tiếp cận với đàn trâu của người dân. Có trường hợp VQG và người nuôi trâu phải nhờ đến tòa án phân xử liên quan đến các con trâu bị tạm giữ làm tang vật. Việc ngăn cấm thả trâu trong VQG hiện đang gây ra nhiều mâu thuẫn giữa VQG và một bộ phận người dân địa phương.
Thử tiếp cận vấn đề dưới góc nhìn sinh thái học
Về khía cạnh quản lý hệ sinh thái, cần đặt câu hỏi "Liệu việc chăn thả trâu trong VQG có thực sự gây ra nhiều tác hại?".
Trâu là loài ăn cỏ, vì thế, loài này là một mắt xích quan trọng chuỗi thức ăn của hệ sinh thái đồng cỏ. Động vật ăn cỏ chủ yếu của hệ sinh thái vùng Đồng Tháp Mười nguyên thủy là các loài nai, hoẵng, heo rừng và rất có thể là Trâu rừng ( tên tiếng Anh Wild water buffalo hay Asian buffalo; tên Latin Bubalus arnee) thủy tổ của loài trâu nhà hiện nay. Các loài này hiện đã hoàn toàn vắng mặt bên trong vùng lõi VQG Tràm Chim.
Do đó, sự có mặt của trâu nuôi giúp phục hồi hoạt động ăn cỏ (grazing) vốn có những tác động tích cực đến sự phát triển của các quần xã thực vật và động vật đồng cỏ. Cách thức chăn thả trâu của người dân địa phương thực chất là rất gần với hoạt động của các loài ăn cỏ tự nhiên. Trâu được cho đi lại tự do, cứ khoảng từ 3 đến 4 tháng người nuôi mới gom trâu lại một lần. Điều này được thể hiện qua nhận xét của những nhân viên bảo vệ ở VQG Tràm Chim - mấy con trâu này sống như là thú hoang.
Chị Nguyễn Thị Nga, nhân viên Trung tâm bảo tồn VQG Tràm Chim quan sát thấy, những nơi trâu ăn cỏ trong Khu A1 thường có nhiều chim đến kiếm ăn. Cử động của trâu xua đuổi côn trùng bay lên, giúp chim bắt mồi dễ hơn. Trâu ăn cỏ làm giảm độ dày của thực bì (các loài thực vật) giúp một số loài chim và thú nhỏ dễ săn mồi. Các hố nước do trâu dầm (dân gian gọi là vũng trâu nằm) là nơi sinh sống của một số loài thủy sinh vật, đặc biệt trong mùa khô. Chất thải qua đường tiêu hóa của trâu thúc đẩy chu trình dịch chuyển vật chất trong hệ sinh thái, điều này được hiểu là phần phân thải ra của đàn trâu là nguồn dinh dưỡng cho cây cỏ trong VQG.
Trên thực tế, việc di chuyển của đàn trâu tuy làm sạt lở bờ đê nhưng thực chất lại có tác động tích cực đến hệ sinh thái đất ngập nước của VQG. Các con kênh và bờ đê bên trong vùng lõi là những cấu trúc nhân tạo làm phá vỡ cảnh quan và ngăn cản sự di chuyển của dòng nước theo mùa. Vì thế, trong trường hợp đàn trâu làm sạt lở bờ đê có thể giúp phục hồi dòng chảy tự nhiên của nước.
Tuy nhiên, việc chăn thả quá mức (số lượng trâu trong VQG quá nhiều) sẽ gây ra những tác động tiêu cực như đã nêu. Vì thế, cần có những khảo sát khoa học để xác định mật độ, thời gian và khu vực chăn thả trâu trong VQG Tràm Chim, làm cơ sở cho việc xây dựng các quy định quản lý cho phép thả trâu bên trong vùng lõi VQG, vừa không gây hại đồng thời tối ưu hóa những tác động có lợi cho hệ sinh thái và nhất là giúp giải quyết mâu thuẫn giữa người nuôi trâu và VQG.
Qua đó, góp phần chia sẻ lợi ích giữa khu vực bảo tồn thiên nhiên và cộng đồng dân cư xung quanh. Theo người viết bài này, nếu quản lý tốt, có cơ sở khoa học, việc cho chăn thả trâu trong VQG Tràm Chim có thể mang lại nhiều cái lợi, cả về sinh thái lẫn dân sinh.