Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chặn tự do cấm kinh doanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chặn tự do cấm kinh doanh

Luật sư Trương Thanh Đức (*)

Chặn tự do cấm kinh doanh
Việc cấm “kinh doanh các loại pháo” vừa không chính xác, vừa trái Hiến pháp vì vẫn có doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu pháo hoa, pháo hiệu, pháo sáng để sử dụng trong nhiều trường hợp. Ảnh: T.L

(TBKTSG) – Việc Luật Doanh nghiệp hiện hành giao cho Chính phủ quy định về ngành, nghề cấm và hạn chế kinh doanh, cho đến thời điểm này là trái với Hiến pháp 2013.

Quyền tự do kinh doanh

Quyền tự do kinh doanh của con người, mà suy ra là gồm cả doanh nghiệp, đã được khẳng định rõ tại điều 33, Hiến pháp 2013: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Khoản 1, điều 7, Luật Doanh nghiệp năm 2005 cũng quy định: “Doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có quyền kinh doanh các ngành, nghề mà pháp luật không cấm”.

Nếu chỉ căn cứ vào các quy định “pháp luật không cấm” như trên, thì tất cả các văn bản quy phạm pháp luật, như nghị định, thông tư… đều có quyền cấm kinh doanh. Tuy nhiên, khoản 3, điều 7, Luật Doanh nghiệp đã giao: “Chính phủ quy định cụ thể danh mục ngành, nghề kinh doanh bị cấm”. Đồng thời khoản 5 của điều luật này cũng quy định cụ thể: “Bộ, cơ quan ngang bộ, hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân các cấp không được quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh”. Như vậy, thì các cơ quan cấp bộ trở xuống không được phép đặt ra điều kiện kinh doanh và càng không được phép cấm kinh doanh.

Lý do cấm kinh doanh

Chỉ có luật mới được phép hạn chế quyền con người nói chung cũng như cấm và hạn chế quyền tự do kinh doanh nói riêng, nếu theo đúng quy định tại khoản 2, điều 14, Hiến pháp năm 2013: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật”. Vì vậy, cả ngành, nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện cần phải được quy định cụ thể trong luật.

Chỉ sau khi danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được xác định cụ thể trong một đạo luật, thì mới có hy vọng loại bỏ nguy cơ đẻ ra vô tội vạ giấy phép con, cháu trái với Hiến pháp và luật.

Và ngay cả luật, cũng chỉ được phép cấm và hạn chế kinh doanh “trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” như nội dung tiếp theo của khoản 2, điều 14, của Hiến pháp. Như vậy, các lý do cấm và hạn chế kinh doanh khác như gây phương hại đến “truyền thống lịch sử, văn hóa, thuần phong mỹ tục Việt Nam” và “làm hủy hoại tài nguyên, phá hủy môi trường”. Theo quy định tại khoản 3, điều 7, Luật Doanh nghiệp hiện hành cũng không còn phù hợp với Hiến pháp 2013. Do đó, cũng cần xem xét các khía cạnh liên quan để loại bỏ “Tội kinh doanh trái phép” trong Bộ luật Hình sự.

Đến nay phần lớn trong số 14 ngành, nghề đang bị cấm kinh doanh theo quy định tại điều 7 của Nghị định số 102/2010/NĐ-CP ngày 1-10-2010 của Chính phủ vừa không chính xác, lại vừa trái Hiến pháp. Chẳng hạn như cấm “kinh doanh các loại pháo”, nhưng rõ ràng vẫn có công ty sản xuất, xuất nhập khẩu pháo hoa, pháo hiệu, pháo sáng để sử dụng trong nhiều trường hợp.

Ngành, nghề tiếp tục cấm kinh doanh

Nhìn vào quá trình soạn thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi) hiện nay, điểm bất hợp lý đầu tiên là các quy định về cấm kinh doanh và điều kiện kinh doanh lại không được đưa vào dự thảo Luật Doanh nghiệp với phạm vi rộng hơn, mà lại để ở dự thảo Luật Đầu tư (bản chất là “Luật Đầu tư kinh doanh”). Trong khi, cả hai dự thảo luật này (sẽ trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp khai mạc ngày 20-10), đều có định nghĩa trùng nhau về “kinh doanh”, mà theo đó, “đầu tư” chỉ được xác định là một công đoạn của “kinh doanh”.

Dự thảo Luật Đầu tư chỉ còn quy định sáu ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh (xem box). Tuy nhiên, vẫn còn những khoản cấm không hợp lý, vì không hẳn là cấm. Ví dụ, “sản xuất hóa chất bảng 1” có mặt trong danh mục cấm, nhưng đồng thời cũng lại được phép kinh doanh trong danh mục ở dưới, khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Hay việc cấm mua bán mô, bộ phận cơ thể người thì hợp lý, nhưng nếu quy định này bao gồm cả việc cấm mua bán noãn, phôi trứng, tinh trùng là không cần thiết, vì chúng hoàn toàn có thể tách khỏi cơ thể một cách dễ dàng và vô hại (mặc dù đang được quy định cấm trong luật khác).

Ngoài ra, đối với các điều kiện kinh doanh, thì “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” không có gì quá nhạy cảm, nhưng lại phải chịu sự quản lý đồng thời của hai bộ Tài chính và Công an, với hai loại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ và giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự. Trong khi đó, dịch vụ xăm trổ” (ảnh hưởng đến “sức khỏe của cộng đồng”) chưa xác định thuộc bộ nào quản lý.

Chỉ sau khi danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được xác định cụ thể trong một đạo luật, thì mới có hy vọng loại bỏ nguy cơ đẻ ra vô tội vạ giấy phép con, cháu trái với Hiến pháp và luật.

(*) Chủ tịch Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên VIAC

Dự thảo Luật Đầu tư ngày 29-9-2014

“Điều 6. Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh

1. Nhà đầu tư không được thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh sau:

a) Mua, bán người, xác người, mô, bộ phận cơ thể người;

b) Kinh doanh mại dâm;

c) Các hoạt động liên quan đến sinh sản vô tính trên người;

d) Kinh doanh các chất ma túy theo quy định tại phụ lục 1 luật này;

đ) Kinh doanh các loại hóa chất bảng 1 quy định tại phụ lục 2 luật này;

e) Kinh doanh mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã thuộc phụ lục 1 Công ước CITES và mẫu vật các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm nhóm I theo quy định tại phụ lục 3 luật này.

2. Việc sản xuất, sử dụng sản phẩm quy định tại các điểm d, đ và e khoản 1 điều này trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, điều tra tội phạm thực hiện theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới