Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Chặng cuối cam go trong cuộc chiến chống lạm phát của Fed

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mới nhất của Mỹ báo hiệu chặng đường đưa lạm phát về mục tiêu 2% của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn còn xa và sự hồ hởi của giới đầu tư về triển vọng giảm lãi suất mạnh trong năm nay dường như đã quá đà.

Hôm 16-1, giá đô la Mỹ tăng lên cao nhất trong hơn một tháng sau khi Christopher Waller, thành viên Hội đồng thống đốc của Fed, cảnh báo Fed không nên vội vàng giảm lãi suất cho đến khi bảo đảm lạm phát giảm bền vững về mức mục tiêu 2%. Ảnh: Shutterstock

Dù tốc độ tăng lạm phát ở Mỹ chậm lại rõ rệt trong năm qua nhưng dữ liệu CPI hàng tháng của nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục là tâm điểm chú ý của thị trường. Dữ liệu này sẽ định hình triển vọng tăng trưởng kinh tế, chính sách của Fed cũng như hiệu suất của các thị trường.

Dữ liệu CPI của Mỹ công bố giữa tuần trước đã gửi đi một thông điệp cảnh báo rõ ràng. Theo Bộ Lao động Mỹ, CPI trong tháng 12 tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 3,4% so với một năm trước. Cả hai mức tăng này đều cao hơn dự báo của các nhà kinh tế.

Sau khi đạt mức tăng CPI cao nhất là 9% vào năm 2022, nền kinh tế Mỹ đã dẫn dắt đà giảm tốc của lạm phát ở các nước phát triển. Đợt kéo giảm lạm phát này không cản trở tăng trưởng kinh tế hay việc làm. Mỹ tiếp tục phát triển với mức tăng trưởng gần 5% trong quí 3-2023, và theo dự báo, tăng trên 2% trong quí cuối cùng của năm. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ vẫn ở mức thấp 3,7%. Cỗ máy kinh tế Mỹ tiếp tục tạo việc làm mới hàng tháng với tốc độ ấn tượng và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu hàng tuần duy trì ở mức thấp.

Sự kết hợp trên mang lại những kỳ vọng đồng thuận về một cuộc hạ cánh nhẹ nhàng cho nền kinh tế Mỹ.  Đó là lý do chính khiến thị trường đặt cược rằng, trong năm 2024, Fed sẽ cắt giảm lãi suất (dự kiến bắt đầu từ tháng 3) gấp đôi mức 75 điểm cơ bản ( 0,75 điểm phần trăm) mà các quan chức Fed dự báo.

Tuy nhiên, sự thận trọng trong “dặm cuối” của cuộc chiến lạm phát xuất hiện trước khi dữ liệu CPI của Mỹ công bố hôm 11-1. Thậm chí, còn có nhiều lo lắng hơn dựa vào những diễn biến địa chính trị gần đây nhất, đặc biệt là cuộc khủng hoảng hàng hải ở Biển Đỏ đang đe dọa đẩy tăng giá cả hàng hóa.

Theo Mohamed El-Erian, Chủ tịch trường Queens’ College thuộc hệ thống Đại học Cambridge (Anh) và là cố vấn trưởng của Công ty dịch vụ tài chính toàn cầu Allianz (Đức), để mục tiêu lạm phát 2% của Fed đạt được nhanh chóng, tốc độ giảm lạm phát trong ngành dịch vụ của Mỹ cần phải nhanh hơn cùng với tốc độ tăng giá cả hàng hóa tiêu dùng phải liên tục chậm lại, và trong một số trường hợp là giảm phát hoàn toàn.

Nhưng dữ liệu CPI của tháng 12 làm nổi bật mức độ khó khăn của nhiệm vụ này. Trong khi lạm phát cơ bản của Mỹ, không bao gồm chi phí năng lượng của thực phẩm, giảm từ 4% trong tháng 12 xuống 3,9% trong tháng 11, mức này cao hơn dự báo đồng thuận của thị trường là 3,8%.

Ông Erian lưu ý dữ liệu trên chưa phản ánh áp lực chi phí hiện nay. Tình trạng gián đoạn hàng hải ở Biển Đỏ sẽ tác động trực tiếp đến lạm phát, bằng cách làm tăng giá hàng hóa đầu vào và cuối cùng, và gián tiếp làm tăng giá hàng hóa trên kệ hàng. Nền kinh tế Mỹ cũng sẽ cần hấp thụ chi phí lao động cao hơn do lương tăng.

Ông Erian cho rằng thị trường tài chính cần phải thừa nhận dự báo của Fed về việc cắt giảm lãi suất tổng cộng 75 điểm cơ bản trong năm 2024 là hợp lý hơn so với mức dự định cắt giảm 150 điểm hiện tại của thị trường.

Theo ông, việc nhanh chóng đưa lạm phát trở về mức mục tiêu 2% không dễ dàng đối với nền kinh tế Mỹ, đặc biệt khi xét đến những sai lầm ban đầu trong phân tích và phản ứng chính sách của Fed.

Thực tế, các quan chức Fed đang tỏ ra thận trọng với xu hướng lạm phát. Phát biểu tại một sự kiện do Viện Brookings tổ chức hôm 16-1,  ông Christopher Waller, thành viên Hội đồng thống đốc của Fed, cảnh báo Fed không nên vội vàng giảm lãi suất cho đến khi bảo đảm lạm phát giảm bền vững về mức mục tiêu. Bình luận của ông Waller khiến ba chỉ số chứng khoán lớn của Mỹ giảm điểm và đồng đô la Mỹ tăng giá lên mức cao nhất trong hơn một tháng.

Một báo cáo của Raphael Bostic, Chủ tịch Ngân hàng dự dữ liên bang khu vực Atlanta (Fed Atlanta), công bố cuối tuần qua, nhận định lạm phát của Mỹ sẽ dao động theo hình răng cưa nếu Fed giảm lãi suất quá sớm. Ông cảnh báo xu hướng lạm phát giảm dần về mức mục tiêu 2% sẽ chậm lại trong những tháng tới. Ông cho rằng, lạm phát có thể sẽ ở mức khoảng 2,5% vào cuối năm 2024 và chỉ đạt mục tiêu của Fed vào năm 2025.

Vị chủ tịch Fed Atlanta lưu ý sự gia tăng gần đây về cước vận chuyển container do gián đoạn hàng hải ở Biển Đỏ cần phải được theo dõi chặt chẽ. Theo dữ liệu từ Xeneta, một công ty nghiên cứu hậu cần, chi phí vận chuyển một container 40 feet từ khu vực Đông Á đến châu Âu đã tăng gần 150% trong tháng qua.

Trong một báo cáo gửi khách hàng hôm 16-1, Athanasios Vamvakidis, nhà chiến lược ngoại hối của ngân hàng Bank of America (BofA), thậm chí cảnh báo cần xem xét một kịch bản dường như “phi thực tế”, trong đó các ngân hàng trung ương lớn ở nhóm 10 nền kinh tế phát triển (G10), bao gồm Mỹ, Anh, Đức, Úc không giảm lãi suất trong năm nay do lạm phát dai dẳng, tăng trưởng kinh tế mạnh hoặc những cú sốc mới đẩy giá cả tăng cao hơn.

Hiện tại, thị trường đang định giá khoảng sáu đợt giảm lãi suất từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), bắt đầu lần lượt vào tháng 3 và tháng 4. Thị trường cũng dự báo năm đợt giảm lãi suất của Ngân hàng trung ương Anh (BoE) và hai đợt giảm của Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA). Tuy nhiên,  ông Vamvakidis cho biết, BofA dự đoán tất cả các ngân hàng trung ương này sẽ giảm lãi suất ít hơn thị trường mong đợi do lạm phát dai dẳng, nền kinh tế kiên cường và thị trường lao động vẫn căng thẳng.

Theo Financial Times, WSJ, Market Watch

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới