Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chẳng lẽ cứ mãi gia công, lắp ráp?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chẳng lẽ cứ mãi gia công, lắp ráp?

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

(TBKTSG) – Khi nói đến thành tích của dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI), các cơ quan chức năng thường nêu lên những con số về số lượng vốn giải ngân, số dự án, nhà máy đã đi vào hoạt động, số người được giải quyết công ăn việc làm, doanh số xuất khẩu… Nhưng có một điểm quan trọng mang tính chiến lược là với lợi thế của FDI, chúng ta vẫn chưa hợp tác với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để từng bước xây dựng một nền công nghệ cao, sản xuất những hàng tiêu dùng có chất lượng cao thay thế hàng nhập khẩu, giảm nhập siêu.

Có một điều nghịch lý: nếu tính tỷ lệ sử dụng xe gắn máy trên đầu người dân thì Việt Nam có lượng xe gắn máy nhiều nhất thế giới. Hàng chục năm qua, chúng ta nhập khẩu xe gắn máy và sử dụng những chiếc xe do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất, nhưng chúng ta chưa bao giờ tiếp thu công nghệ sản xuất của nước ngoài để sản xuất xe gắn máy “made in Vietnam”. Kể cả các loại xe chất lượng thấp, rẻ tiền cũng phải nhập từ Trung Quốc. Có một nguyên nhân là do lợi ích riêng, các doanh nghiệp nước ngoài không muốn chuyển giao công nghệ. Vào Việt Nam, họ kéo theo các công ty vệ tinh của họ, doanh nghiệp Việt Nam không thể chen chân vào chuỗi cung ứng này. Nhiều công ty có cơ sở sản xuất tại chỗ không lập phòng thí nghiệm ngoại trừ bộ phận kỹ thuật giám sát và kiểm định chất lượng. Đến nay, đã có 162 khu công nghiệp ở Việt Nam đã đi vào hoạt động, thu hút hơn 3.360 dự án đầu tư nước ngoài và 36% tổng số lượng vốn FDI cả nước. Có một điểm chung là không có cơ sở hạ tầng tri thức xung quanh các khu công nghiệp như cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu.

Chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam chưa bao giờ ràng buộc các nhà đầu tư nước ngoài phải liên kết với các doanh nghiệp trong nước để phát triển công nghệ mặc dù các khu công nghiệp là nơi lý tưởng để thực hiện chủ trương này. Một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và Chính sách thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cho thấy Hàn Quốc và Malaysia đã khai thác rất tốt khả năng phát triển công nghệ. Họ quan niệm khu công nghiệp là nơi hội tụ những điều kiện hạ tầng tốt cho phát triển công nghiệp chứ không đơn thuần chỉ là nơi cung cấp địa điểm cho các doanh nghiệp hoạt động.

Việc hợp tác giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước để phát triển công nghệ chỉ thực hiện được khi có chính sách của Nhà nước ràng buộc, khuyến khích và hỗ trợ. Trong khi đó, ở Việt Nam vấn đề này lại không được coi trọng. Hầu hết các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu nguyên liệu, máy móc thiết bị từ công ty mẹ tại các chi nhánh ở nước ngoài. Các cơ sở sản xuất ở Việt Nam chỉ là nơi gia công để xuất khẩu nhằm tranh thủ các ưu đãi về thuế, giá thuê mặt bằng và nhân công rẻ. Chúng ta lại không có chiến lược xây dựng các ngành công nghiệp phụ trợ để cung ứng nguyên liệu, thiết bị kỹ thuật. Việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào các dự án chỉ chạy theo số lượng là chính mà không tạo ra chuyển biến mới trong việc tiếp nhận và sở hữu công nghệ tiên tiến. Không có sự điều chỉnh về mặt chính sách, với cứ đà này, thì nguồn thu nhập của nước ta chỉ dựa vào việc gia công, lắp ráp và xuất khẩu tài nguyên, còn xa mới tiến tới một nền kinh tế công nghiệp hiện đại, có nền công nghệ phát triển cao.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới