Thứ năm, 1/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Changi tham gia phát triển sân bay tại Việt Nam 

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Changi tham gia phát triển sân bay tại Việt Nam 

Ông Chow Kok Fong, Tổng giám đốc CAI - Ảnh: THÀNH TRUNG

(TBKTSG Online) - Chiều 26-2, Tập đoàn đầu tư và điều hành cảng hàng không Changi Airports International (CAI) của Singapore, vừa ký bản ghi nhớ với Cụm cảng hàng không miền Trung (MAA), về việc đầu tư vào cảng hàng không quốc tế Phú Bài tại Huế.

Nếu mọi việc được triển khai thuận lợi, CAI sẽ trở thành một trong những nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên tham gia phát triển sân bay tại Việt Nam - một lĩnh vực được đánh giá đầy tiềm năng. Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã trao đổi với ông Chow Kok Fong, Tổng giám đốc CAI, về dự án này. 

TBKTSG Online: Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài sẽ được hưởng lợi gì từ dự án của CAI?

Ông Chow Kok Fong: Đây là dự án quan trọng cho khu vực miền Trung, đặc biệt nó có ý nghĩa lớn trong việc phát triển hàng không khu vực này bởi vì Huế là cửa ngõ miền Trung. Cảng hàng không là một thành phần quan trọng của hạ tầng du lịch Huế và sẽ tạo ra động lực thúc đẩy kinh tế của thành phố này phát triển.

Có thể thấy rằng, trong bối cảnh các nước hội nhập ngày một sâu rộng như hiện nay, thế giới đã trở nên “nhỏ bé” hơn rất nhiều. Hầu hết các hoạt động kinh tế phụ thuộc vào sân bay, do đó, nó phải được ưu tiên phát triển. Tôi cho rằng, việc CAI đầu tư vào Phú Bài có ý nghĩa quan trọng nhất là nâng sân bay cửa ngõ miền Trung của Việt Nam này lên một tầm cao mới nhằm phục vụ sự phát triển hàng không của Huế và Việt Nam.

TBKTSG Online: Bao giờ thì hai bên ký hợp đồng chính thức để CAI đầu tư vào Phú Bài? Hình thức đầu tư có phải là liên doanh?

Bây giờ còn quá sớm để nói về bản hợp đồng, tuy nhiên tôi mong muốn nó diễn ra càng sớm càng tốt để CAI có thể triển khai dự án nhanh chóng. Bản ghi nhớ hôm nay là bước khởi đầu cho sự hợp tác lâu dài giữa hai bên, đặc biệt khi đây là lần đầu tiên một nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực cảng hàng không của Việt Nam.

Tiếp theo lễ ký kết, chúng tôi hy vọng sẽ làm việc chặt chẽ với Cục Hàng không dân dụng Việt Nam (CAAV) và MAA để hoàn tất những thoả thuận chi tiết trong thời gian sớm nhất. Hình thức hợp tác có thể là liên doanh, tất cả còn tuỳ thuộc vào sự thoả thuận giữa CAI và MAA trong thời gian tới. Bản ghi nhớ này rất quan trọng để hai bên có thể hiểu nhau và cùng vạch ra lộ trình và khung hợp tác chi tiết.

TBKTSG Online: Theo số liệu của MAA, Phú Bài được công nhận là sân bay quốc tế thứ tư của Việt Nam vào tháng 8-2007 và năm ngoái sân bay này đón khoảng 520.000 lượt khách. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm từ việc phát triển sân bay Changi? 

Năm 2007, Changi đóng góp khoảng 9,5% cho tăng trưởng GDP, với tổng doanh thu 800 triệu đô la Mỹ và lợi nhuận 400 triệu đô la Mỹ cho kinh tế Singapore.

Chúng tôi muốn chia sẻ với đối tác Việt Nam những kinh nghiệm phát triển, khai thác sân bay Changi trong suốt một phần tư thế kỷ qua, đặc biệt là về qui trình điều hành sân bay và phát triển đường băng để tăng số chuyến bay quốc tế. Với cơ sở hạ tầng phù hợp và các hoạt động du lịch nhộn nhịp tại Huế - di sản văn hóa thế giới này, không có lý do nào khiến cho lượng hành khách tới sân bay Phú Bài không tăng gấp ba lần trong vòng năm năm tới.

TBKTSG Online: CAI sẽ đầu tư vào hạng mục cụ thể nào tại sân bay quốc tế Phú Bài?

Như tôi đã nói, hiện nay CAI và MAA đang tiến hành các bước đi tiếp theo để xác định xem, hai bên có thể hợp tác trong lĩnh vực gì. Chúng tôi mong muốn hỗ trợ MAA xây một nhà ga hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế tại sân bay này.

CAI có thể đầu tư riêng bằng nguồn vốn của chúng tôi hoặc liên doanh với MAA. Bản ghi nhớ này sẽ là cơ sở để hai bên tiếp tục thảo luận chi tiết hơn.

Xin cảm ơn ông! 

THÀNH TRUNG thực hiện

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới